|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Châu Âu chuẩn bị 'quay lưng' với đường mía?

16:07 | 17/03/2017
Chia sẻ
Tình hình cạnh tranh trong ngành đường sẽ trở nên gay gắt hơn và giá đường sẽ giảm khi châu Âu dỡ trần quota sản xuất củ cải đường.

Khẩu vị ưa ngọt của người châu Âu là một trong những động lực chính làm thay đổi lịch sử thế giới. Những đồn điền sản xuất đường ở vùng Caribê do các đế quốc châu Âu xây dựng hồi thế kỷ 17 đã tạo dựng những nền tảng đầu tiên cho cách mạng công nghiệp và thị trường tài chính hiện đại.

Giờ đây, sau hơn 300 năm, châu Âu sắp sửa một lần nữa làm thay đổi ngành mía đường thế giới. Liên minh châu Âu (EU) vừa quyết định sẽ dỡ trần sản lượng củ cải đường của châu lục này từ tháng 10/2017. Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu không còn cần nhiều đường mía của vùng Caribê, Thái Bình Dương hay Châu Phi.

"Trong vòng một thập kỷ tới, tôi cho rằng nhu cầu nhập đường thô từ vùng Caribê của châu Âu sẽ biến mất hoàn toàn. Thách thức cho vùng Caribê hiện tại là họ sẽ phải làm gì để đảm bảo tương lai ngành công nghiệp này", David Jessop, một cố vấn thương mại cho các chính phủ vùng Caribê, trả lời Bloomberg.

chau au chuan bi quay lung voi duong mia

So sánh giai đoạn 2011-2016 với dự báo 2017-2020: Việc mở rộng ngành củ cải đường giúp châu Âu tăng xuất khẩu đường (bên phải) và giảm bớt nhập khẩu (bên trái). Nguồn: Rabobank/Bloomberg

Jamaica, Belize và Mauritius là những nước nằm trong nhóm hơn 10 quốc gia hưởng lợi từ việc EU mở hạn ngạch và miễn thuế nhập khẩu cho 1,6 triệu tấn đường thô trong năm 2015-16. Hạn ngạch này có thể thay đổi từng năm và chiếm gần một nửa kim ngạch nhập khẩu đường vào khối EU.

Mặc dù các nước này vẫn được giữ đặc quyền trên, nhưng những đồn điền mía đường có chi phí cao của họ sẽ phải vật lộn để cạnh tranh với các nông dân EU trồng củ cải đường - những người đang tích cực đẩy mạnh năng suất và quy mô sản xuất. Sản lượng đường châu Âu có thể tăng 17% lên hơn 20 triệu tấn và nhập khẩu sẽ giảm hơn một nửa do EU dỡ trần sản lượng củ cải đường, ngân hàng Rabobank cho biết.

Có tới khoảng 80% kim ngạch xuất khẩu đường của 3 nước Fiji, Mauritius, Belize và Guyana đến từ khu vực EU, trong khi Jamaica là ít nhất 60%, theo báo cáo của LMC International.

Theo LMC, một số nước có chi phí sản xuất cao như Belize và Guyana chỉ sản xuất được 6 tấn đường/ha, thấp hơn so với mức trung bình 10 tấn của những ông lớn"như Brazil. Đường mía của các nước này xuất sang châu Âu rồi mới được tinh chế, với khoảng 1/3 đi qua ngả vương quốc Anh. Nguồn cung từ hầu hết các nước khác đều phải chịu thuế nhập khẩu cao.

"Không phải chúng tôi muốn bỏ lại những nhà cung cấp này. Nhưng nếu châu Âu đang khiến cho thị trường đường trắng thực sự cạnh tranh, chúng tôi phải tiếp cận với nguồn cung cạnh tranh hơn", Gerald Mason, phó chủ tịch công ty tinh chế đường Tate & Lyle Sugars (Anh), cho biết.

chau au chuan bi quay lung voi duong mia

Các nhà cung cấp đường chính cho châu Âu năm 2015-16. Nguồn:EC/Bloomberg

Hợp tác thương mại giữa EU với các nước sản xuất đường ở châu Phi, Caribê và Thái Bình Dương bắt nguồn từ khi Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) ra đời vào năm 1957. Sau khi vương quốc Anh gia nhập năm 1973, nước Anh đã giành được quyền ưu đãi cho các nước thuộc địa cũ với khối EU, giúp các nước này được hưởng chế độ miễn thuế và hạn ngạch nhập khẩu.

Giờ đây, ngành sản xuất đường của các nước Caribê cũng đang bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ bị rạn nứt giữa Anh với châu Âu, khi nước này bỏ phiếu rời EU và để lại một viễn cảnh tương lai mờ mịt.

Một số nước sản xuất đường như Mauritius đã chủ động đa dạng hóa nền kinh tế, qua việc đẩy mạnh các ngành dệt may và du lịch. Nước này đã nâng sản lượng đường tinh luyện để gia tăng giá trị xuất khẩu, và hướng tới việc bán các loại đường đặc sản giá cao như muscovado và demerara. Ngoài ra, Mauritius cũng đáp ứng được yêu cầu chứng nhận thương mại công bằng (Fairtrade) nhằm thu hút những người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều hơn cho hàng hóa sản xuất có đạo đức.

Tuy vậy, với nhiều nước khác, đường thô vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính, đem lại nguồn thu và việc làm cho nông dân. Trong tháng này, các nước vùng Caribê sẽ gặp nhau tại Kingston (Jamaica) nhằm thảo luận về "những mối đe dọa sống còn" với ngành công nghiệp mía đường.

"Chúng tôi đang nỗ lực làm việc nhằm thiết lập một thị trường mới và tìm cách tận dụng các phụ phẩm của đường", Karl Samuda, Bộ trưởng Nông và Công nghiệp Jamaica, cho biết.

"Mặc dù chúng tôi vẫn đang bị phụ thuộc vào đường trong nay mai, chúng tôi vẫn phải tìm cách chuyển đổi sang các sản phẩm giá trị gia tăng khác như ethanol và mở rộng ngành công nghiệp rượu rum. Jamaica là nước khá nổi tiếng về loại rượu rum hảo hạng", ông nói.

Dù đường mía vẫn chiếm tới 80% tổng sản lượng chất làm ngọt được sản xuất trên toàn cầu, các nông dân trồng mía đường không chỉ gặp rủi ro khi sắp mất đi thị trường châu Âu quan trọng bậc nhất, mà còn phải đối mặt với các đối thủ cạnh tranh từ chính châu lục này. Điều này làm gia tăng nguồn cung của thị trường và sẽ làm hạ giá đường đáng kể.

Trường Văn