|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chăn nuôi tìm đường 'vượt sóng'

16:47 | 13/11/2017
Chia sẻ
Ngành chăn nuôi đang rơi vào giai đoạn rất khó khăn để tồn tại. Các chuyên gia đánh giá chưa bao giờ ngành chăn nuôi bi đát như hiện nay. Nhưng đây cũng là cơ hội cơ cấu, sàng lọc lại để khỏe mạnh hơn, chuyển hướng chăn nuôi theo đúng yêu cầu thị trường.
chan nuoi tim duong vuot song
Trang trại chăn nuôi tại huyện Thống Nhất.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, hiện chỉ có các trang trại nuôi heo hơi thuộc hệ thống công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới có lợi nhuận khoảng 1 ngàn đồng/kg heo hơi bán ra. Trong khi đó, các trang trại tư nhân chịu thua lỗ từ 3,5-6,5 ngàn đồng/kg heo hơi, còn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có mức lỗ cao nhất đến 10 ngàn đồng/kg.

Chấp nhận sàng lọc

Theo số liệu thống kê mới nhất, tổng đàn heo của Đồng Nai còn trên 1,7 triệu con, giảm 17,4% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, giá heo hơi kéo dài bấp bênh ở mức thấp vì thị trường cung vẫn vượt cầu. Cơn khủng hoảng của ngành chăn nuôi vẫn đang diễn ra với dự báo tiếp tục có thêm một số cơ sở đóng cửa vì phá sản do thua lỗ kéo dài.

Ông Nguyễn Diên Tường, Giám đốc Công ty cổ phần nông súc sản Đồng Nai (Dolico), nhận định: “Đây là năm hết sức bi đát của ngành chăn nuôi. Từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đến các trang trại, doanh nghiệp lớn đều thua lỗ. Tôi dự báo giá heo sẽ tiếp tục giảm vì thị trường cung vẫn vượt cầu rất lớn. Cả cơ quan chức năng và người chăn nuôi, trong đó có sự tham gia của các công ty FDI, là những đơn vị đang điều khiển thị trường cần nghiêm túc ngồi lại để cùng tìm giải pháp cân bằng lại cán cân cung - cầu, và phải xem đây là cơ hội sàng lọc để ngành chăn nuôi khỏe mạnh hơn. Các cơ sở chăn nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ nên tính toán lại, dừng đầu tư kịp thời để tránh rơi vào cảnh càng nuôi càng lỗ”.

Cùng quan điểm, ông Chung Kim, thành viên của Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng: “Yêu cầu truy xuất nguồn gốc cho heo của TP.Hồ Chí Minh là một gánh nặng nhưng người chăn nuôi buộc phải thực hiện. Tới đây Nhà nước nên luật hóa ngành chăn nuôi là ngành có điều kiện, nhất là phải đạt những tiêu chuẩn về môi trường. Ai không đủ điều kiện thì nên rút khỏi cuộc chơi”.

Chăn nuôi sạch để tồn tại

Cũng theo ông Chung Kim: “Nên tái cấu trúc lại ngành chăn nuôi thành chuỗi liên kết theo hướng an toàn, đạt chứng nhận GAP. Nông dân nên bỏ lối suy nghĩ có lợi ích gì khi tham gia vào chuỗi liên kết đạt chứng nhận GAP, mà cần tính đến sự phát triển lâu dài, bền vững”.

chan nuoi tim duong vuot song

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, cảnh báo: “Nông dân không có lựa chọn nào khác là phải sản xuất ra cái thị trường cần. Thời gian qua đã xảy ra quá nhiều vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Chăn nuôi an toàn, thực hiện truy xuất nguồn gốc là điều cần làm để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng”.

Ông Hòa cũng gợi ý, giai đoạn hiện nay Đồng Nai nên bứt phá xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi Đồng Nai bằng uy tín, chất lượng. Muốn làm được điều này thì phải đáp ứng được yêu cầu truy xuất nguồn gốc với sự kiểm soát chặt chẽ từ khâu con giống, quy trình chăn nuôi đến giết mổ, đưa ra thị trường.

Chỉ ra khó khăn của chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hoài, Phó giám đốc dự án Lifsap Đồng Nai, vẫn tin tưởng: “Chăn nuôi nông hộ có thể sẽ giảm mạnh vì khó khăn. Nhưng tôi tin mô hình chăn nuôi này vẫn có chỗ đứng trên thị trường nếu nông dân liên kết lại để cùng phát triển. Trong thực tế, các tổ hợp tác heo VietGAHP tham gia dự án Lifsap của Đồng Nai đang phát triển rất tốt nhờ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường”.

Bình Nguyên