|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chân dung mới của ngành bán lẻ

15:10 | 18/02/2018
Chia sẻ
Năm 2017 chứng kiến số lượng cửa hàng đóng cửa cao kỷ lục, trong khi một số tên tuổi về bán lẻ, như Payless ShoeSource, Toys ‘R’ Us và The Limited đệ đơn xin phá sản. Người ta cũng cho rằng sự dễ dàng của việc đặt mua hàng qua mạng là điều không thể phủ nhận.
chan dung moi cua nganh ban le

Để tránh số phận bi đát phải đóng cửa, hay đệ đơn xin phá sản như đã có trong năm ngoái 2017, các nhà bán lẻ đang nỗ lực thu hút thêm nhiều người mua sắm đến cửa hàng truyền thống bằng cách hứa hẹn cung cấp những trải nghiệm không nơi nào khác có được.

“Trong môi trường ngày nay, các nhà bán lẻ đang phải tìm cách biến các cửa hàng của họ từ “gánh nặng” do kinh doanh ảm đạm thành tài sản sinh lợi”, ông Brendan Witcher, chuyên gia phân tích của công ty nghiên cứu Forrester, nhận định. Từ gương thông minh, thực tế ảo cho đến cửa hàng không có người thu ngân, những khái niệm khoát chiếc áo công nghệ sau đây sẽ phần nào cho thấy diện mạo tương lai của ngành bán lẻ.

Cửa hàng không người thu ngân

Một thử nghiệm của tập đoàn thương mại điện tử Amazon (Mỹ) có thể báo hiệu về tương lai của cửa hàng tạp hóa: không có dòng người xếp hàng và nhân viên thu ngân. Sử dụng một ứng dụng mới, gọi là Amazon Go, khách hàng vào cửa hàng và chọn mua bất kỳ mặt hàng nào họ cần. Amazon theo dõi các sản phẩm một cách tự động thông qua sự kết hợp của công nghệ thị giác máy tính (vision computer) và học sâu (deep learning).

Một khi hoàn tất việc mua sắm, khách hàng chỉ việc rời khỏi cửa hàng và tiền bạc được thanh toán tự động thông qua tài khoản Amazon của họ.

“Khái niệm này giải quyết một trong những cơn đau đầu lớn nhất của tất cả nhà bán lẻ, đó là quá trình xếp hàng chờ tính tiền. Đó là lý do công nghệ này thu hút nhiều sự chú ý”, ông Witcher nhận định. Cửa hàng Amazon Go đầu tiên, nằm ở thành phố Seattle (Mỹ), vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chỉ mở cửa cho nhân viên tập đoàn. Ngoài Amazon, người khổng lồ của ngành bán lẻ Mỹ Walmart được cho là đang nghiên cứu về mô hình cửa hàng không người thu ngân.

chan dung moi cua nganh ban le

Gương thông minh

Khái niệm “cửa hàng kết nối” của thương hiệu thời trang Rebecca Minkoff (Mỹ) kết hợp website với trải nghiệm mua sắm trong thực tế. Mô hình cửa hàng bán lẻ thời trang này được trang bị gương thông minh dưới dạng màn hình cảm ứng, cho phép người mua sắm duyệt qua hình dáng, màu sắc và kích cỡ của trang phục. Những trang phục chọn lựa được gửi đến một phòng thử đồ tương tác với ánh sáng được điều chỉnh tùy theo sở thích của người mua sắm.

Trong khi đó, tấm gương trong phòng thử đồ cũng có sự thay đổi khi được trang bị công nghệ RFID để tự động biết được khách hàng đang mặc thử loại trang phục gì. Nó cũng biết rõ trang phục hiện có có kích cỡ và màu gì, từ đó cho phép người mua sắm yêu cầu mặc thử chúng bằng cách chạm vào màn hình. Chuỗi cửa hàng bách hóa Bloomingdale’s (Mỹ) từng trang bị máy quét cơ thể 3D tại một số cửa hàng để giúp khách hàng tìm thấy quần jean đúng kích cỡ. Trong khi đó, chuỗi cửa hàng bách hóa Nordstrom (Mỹ) cũng thử nghiệm gương thông minh trong các phòng thử đồ.

chan dung moi cua nganh ban le

Thực tế ảo

Tại một số cửa hàng của nhà bán lẻ đồ gia dụng Lowe’s (Mỹ), người mua sắm có thể mang kính thực tế ảo (virtual reality - VR) để học các dự án tự làm, như làm thế nào để lắp vòi sen. Khách hàng nắm giữ một bộ điều khiển trong mỗi bàn tay để hoàn thành nhiệm vụ trong thế giới ảo.

Trước đó, công ty này từng hợp tác với hãng Microsoft để khuyến khích khách hàng sử dụng kính HoloLens để giúp thiết kế nhà bếp mới. Chẳng hạn như người mua sắm có thể thiết kế nhà bếp trên máy tính bảng bằng cách chọn lựa sản phẩm và xem trước nó dưới dạng hình ảnh ba chiều.

Nhà bán lẻ Vera Bradley (Mỹ) cũng đang đầu tư vào VR. Tại một số cửa hàng của họ, người mua sắm có thể mang kính Google Daydream VR để di chuyển quanh chiếc giường ảo để xem cận cảnh các sản phẩm như chăn, gối…

Cửa hàng dữ liệu

Chuỗi cửa hàng B8ta (Mỹ) đang đặt cược vào một mô hình kinh doanh khác biệt. Thay vì thu phần trăm từ doanh thu bán hàng, họ thu một mức phí cố định từ các nhà sản xuất phần cứng để trưng bày sản phẩm của họ tại cửa hàng. B8ta cũng thu thập dữ liệu về cách mọi người tương tác với những thiết bị đó. Các nhà sản xuất phần cứng cũng nhận được cập nhật dữ liệu liên quan đến sự tương tác giữa khách hàng với sản phẩm được trưng bày.

Tại một cửa hàng của B8ta tại thành phố San Francisco, 24 camera được sử dụng để giám sát việc bán hàng và thói quen mua sắm của khách hàng. Công ty cho biết camera đặt ở vị trí dễ thấy và bất kỳ dữ liệu được thu thập nào cũng ẩn danh.

Cá nhân hóa

Các nhà bán lẻ trang phục thể thao đang dành nhiều sự tập trung cho xu hướng cá nhân hóa. Tại cửa hàng của hãng Adidas (Đức) ở thành phố New York (Mỹ), công cụ phân tích Run Genie được sử dụng để đo cách khách hàng bước đi và gợi ý đôi giày chạy tốt nhất cho đôi chân của họ. Khách hàng cũng có thể tùy chỉnh trang phục và giày thể thao cho riêng mình. Bản thân thiết kế của cửa hàng này được lấy cảm hứng từ sân vận động và có cả đường chạy để thử nghiệm sản phẩm.

Năm ngoái, Adidas đã trình làng mẫu giày có đế được sản xuất theo công nghệ đáp lớp, còn gọi là in 3D. Về lâu dài, công ty có kế hoạch sử dụng công nghệ này để tùy chỉnh kích cỡ giày cho người tiêu dùng cá nhân.

chan dung moi cua nganh ban le

Làm đẹp thời công nghệ cao

Một cửa hàng mỹ phẩm của công ty mỹ phẩm Pháp Sephora ở thành phố Boston (Mỹ) thu hút không ít người mua sắm muốn được hướng dẫn làm đẹp bằng công nghệ cao. Thiết bị cầm tay Color IQ của họ quét bề mặt da của khách hàng để đưa ra các lời khuyến nghị về các loại mỹ phẩm trang điểm phù hợp với làn da của họ. Cửa hàng cũng cung cấp những công cụ số để đánh giá loại da của khách hàng và gợi ý chế độ chăm sóc da phù hợp.

Không đứng ngoài xu hướng công nghệ cao, nhà bán lẻ mỹ phẩm Ulta Beauty (Mỹ) đưa vào sử dụng phần mềm tán gẫu tự động (chatbot) có tên là Madi tại các cửa hàng vào năm ngoái thông qua sự hợp tác với thương hiệu thuốc nhuộm màu tóc Madison Reed (Mỹ). Khách hàng có thể gửi tấm ảnh tự chụp (selfie) của mình đến chatbot và sau khi hỏi han vài câu, Madi sẽ đề xuất chọn màu tóc phù hợp.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng bách hóa Neiman Marcus (Mỹ) trang bị gương công nghệ cao tại một số quầy bán sản phẩm làm đẹp. Chiếc gương ghi lại quá trình trang điểm rồi gửi video qua e-mail đến khách hàng để họ có thể xem và làm theo tại nhà.

Thực tế tăng cường

Công nghệ thực tế tăng cường Augmented Reality (AR) cũng được kỳ vọng sẽ giúp việc mua sắm trở nên dễ dàng hơn. Công nghệ này giúp chồng hình ảnh số lên vật thể trong thế giới thật khi người sử dụng nhìn vào chúng trên điện thoại thông minh. Một trong những sức hút của công nghệ này là không đòi hỏi sử dụng kính đeo chuyên dụng.

Vào năm ngoái, nhà sản xuất đồ nội thất gia dụng Ikea (Thụy Điển) đã tung ra ứng dụng mới cho phép người mua sắm xem trước mặt hàng nội thất muốn mua trông thế nào khi chúng được đặt tại nhà của họ trong môi trường ảo.

Nhà bán lẻ nội thất trực tuyến Wayfair và nền tảng thiết kế nội thất Houzz (đều là các công ty của Mỹ) cũng có những phần mềm ứng dụng tương tự. Xu hướng này còn nhận được cú hích từ nền tảng mới ARKit của công ty công nghệ Apple, cho phép các nhà phát triển, như Ikea, tạo ra ứng dụng AR riêng của họ.

Trang phục thông minh

Bản thân trang phục cũng đang trở nên thông minh hơn, nhờ sự bắt tay giữa các hãng thời trang và hãng công nghệ. Hai công ty Levi’s và Google đã bắt tay nhau trong việc thiết kế loại áo khoác thông minh với tay áo được nhúng những bộ điều khiển cảm ứng và cử chỉ. Khi được kết hợp với điện thoại thông minh, người mặc có thể chạm vào tay áo để làm những việc như tạm dừng phát nhạc hoặc tìm đường đi.

Các phụ kiện cũng được tích hợp công nghệ cao. Năm ngoái, công ty JanSport đã trình làng nguyên mẫu ba lô làm bằng loại vải có thể lập trình được. Khi mang ba lô, người sử dụng có thể chia sẻ bài hát, video âm nhạc hoặc liên kết trang web với bất cứ ai gần đó thông qua ứng dụng đi kèm trên điện thoại thông minh.

Minh Huy