|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chân dung An Phát Holdings - doanh nghiệp sắp niêm yết HOSE và cú cược vào thị trường nhựa sinh học phân hủy tại Bắc Mỹ

07:00 | 06/04/2020
Chia sẻ
An Phát Holdings, công ty mẹ của Nhựa An Phát Xanh và Nhựa Hà Nội đang có kế hoạch niêm yết sàn HOSE, huy động vốn hơn ngàn tỉ trong năm nay; mục tiêu của công ty này là tạo nguồn lực đầu tư vào dự án nhà máy nhựa sinh học phân hủy công nghệ cao để đón xu hướng tiêu dùng tại Châu Âu và Bắc Mỹ.

An Phát Holdings và cú cược vào dự án nhựa sinh học phân hủy hoàn toàn

2020 có lẽ là một năm có ý nghĩa bản lề với CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (APH) trong hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh. Kế hoạch doanh thu hợp nhất dự kiến 12.000 tỉ đồng, tăng trưởng tới 26% so với kết quả thực hiện năm 2019 vừa được các cổ đông thông qua. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế mục tiêu chỉ 650 tỉ đồng, giảm gần 9%.

Cho đến thời điểm hiện tại, giới đầu tư đã phần nào mường tượng được những khó khăn đối với các doanh nghiệp mà đại dịch COVID-19 mang lại. Và kế hoạch kinh doanh của An Phát Hodings trong hoàn cảnh này được đánh giá cao, công ty cũng đặt mục tiêu trả cổ tức cho cổ đông tỉ lệ 10% trong năm nay.

Nhưng không dừng lại ở đó, An Phát Holdings dự kiến cũng sẽ khiến giới truyền thông phải tốn nhiều giấy mực với các kế hoạch tham vọng của mình. 

Đầu tiên phải kể đến việc công ty sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) ngay trong năm nay, đúng ba năm sau khi thành lập. 

Một kế hoạch tăng vốn thêm 200 tỉ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu với giá tối thiểu 25.000 đồng mỗi đơn vị được ban lãnh đạo đưa ra. Với mức giá này, định giá của An Phát Holdings có thể lên tới hơn 4.060 tỉ đồng. Bên cạnh đó, An Phát Holdings cũng muốn huy động tối đa 800 tỉ đồng qua kênh trái phiếu làm nguồn vốn cho các dự án. 

Theo tìm hiểu, An Phát Holdings đang có ý định đánh cược vào dự án Nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn công nghệ cao (PBAT) công suất 20.000 tấn sản phẩm/năm, vốn đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Thị trường nhựa sinh học phân hủy được ban lãnh đạo công ty này đánh giá đang trở thành xu hướng thịnh hành tại thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ thay thế cho nhựa thông thường. 

Thực tế, từ năm ngoái An Phát Holdings cũng đã triển khai kế hoạch đầu tư vào thị trường Mỹ thông qua công ty con - An Phát Bioplastics. Đầu tháng 3 vừa rồi, đích thân ban lãnh đạo công ty đã có chuyến thăm trực tiếp và làm việc cùng các đối tác lớn gồm Tập đoàn Ford Motors, Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Tư vấn chiến lược The Asia Group, và Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC). 

Chân dung An Phát Holdings - doanh nghiệp sắp niêm yết HOSE và cú cược vào thị trường nhựa sinh học phân hủy tại Bắc Mỹ - Ảnh 1.

Cuộc gặp gỡ của ban lãnh đạo An Phát Holdings và các doanh nghiệp lớn tại Bắc Mỹ. Nguồn: APH

Riêng với The Asia Group, An Phát Holdings cho biết đã có những bàn bạc về việc phát triển sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn tại thị trường Bắc Mỹ. 

Và có vẻ như cuộc gặp này đã đem về những kết quả nhất định. ĐHĐCĐ An Phát Holdings tổ chức hôm 30/3 vừa qua đã bầu ông Nirav Sudhir Patel - Phó Chủ tịch The Asia Group vào hội đồng quản trị thay thế ông Hiroaki Yashiro theo đơn từ nhiệm. Nhiệm kì của ông Nirav Sudhir Patel kéo dài 3 năm. Điều này như một lời khẳng định chắc chắn hơn về hợp tác An Phát Holdings - The Asia Group, sẽ là cánh tay nối dài của công ty nhựa Việt Nam tại thị trường Bắc Mỹ. Cùng với đó, An Phát Holdings cũng đã được chấp thuận việc nâng giới hạn tỉ lệ sở hữu nước ngoài lên 100%. 

Tăng trưởng nhờ đôi cánh Nhựa An Phát Xanh và Nhựa Hà Nội

An Phát Holdings được biết đến là công ty mẹ sở hữu trực tiếp của hai doanh nghiệp đã niêm yết trên HOSE: CTCP Nhựa An Phát Xanh (Mã: AAA) nắm 48% và CTCP Nhựa Hà Nội (Mã: NHH) nắm 55%.  

Nếu như Nhựa An Phát Xanh là một trong những công ty sản xuất bao bì nhựa lớn nhất cả nước, nổi tiếng từ lâu trên sàn chứng khoán; thì Nhựa Hà Nội - công ty gia công nhựa cho nhiều nhà sản xuất ô tô, xe máy lại được người ta nhắc đến nhiều khi được An Phát Holdings thâu tóm hồi cuối năm 2018. 

Thông qua hai công ty này, An Phát Holdings còn gián tiếp sở hữu hàng chục công ty khác. Ngoài kinh doanh nhựa truyền thống, một lĩnh vực kinh doanh nổi lên trong những năm gần đây và đem lại hiệu quả tốt mà Nhựa An Phát Xanh đang thực hiện là phát triển hạ tầng khu công nghiệp. 

ĐHĐCĐ Nhựa An Phát Xanh tổ chức hôm 25/3 vừa qua đã cho phép An Phát Holdings có quyền nâng sở hữu lên 65% cổ phần mà không cần chào mua công khai.

Nguồn: Bản cáo bạch An Phát Holdings, Thanh Tùng tổng hợp

Thực tế, An Phát Holdings là công ty non trẻ chỉ mới được thành lập từ tháng 3/2017 với mức vốn ban đầu vỏn vẹn 15 tỉ đồng. Sau 7 lần tăng vốn, vốn điều lệ của công ty hiện đã tăng lên 1.424 tỉ đồng. Các lần tăng vốn chủ yếu với mục đích tăng sở hữu tại CTCP Nhựa An Phát Xanh, và đầu tư vào nhiều công ty con khác. 

Theo nội dung bản công bố thông tin, tại thời điểm 29/11/2019 cơ cấu cổ đông của An Phát Holdings bao gồm Công ty TNHH IGG USA Việt Nam nắm giữ 52 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 36,5%); theo sau đó là cổ đông sáng lập Nguyễn Thị Tiện với gần 30 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 21%); và cổ đông nước ngoài Công ty KB Securities sở hữu hơn 14 triệu cổ phiếu (tỉ lệ 9,9%). Trong đó lượng cổ phần của KB Securities là cổ phần ưu đãi có quyền hoán đổi. 

Do hoạt động theo mô hình holdings, kết quả kinh doanh của An Phát Holdings phụ thuộc nhiều vào hai công ty con là Nhựa An Phát Xanh và Nhựa Hà Nội. 

Năm 2019, doanh thu hợp nhất của An Phát Holdings đạt 9.513 tỉ đồng, dù tăng trưởng gần 19% nhưng cũng chỉ thực hiện được 86% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 712 tỉ đồng, gấp 4 lần năm trước đó. 

Lợi nhuận gộp của An Phát Holdings khởi sắc nhờ đóng góp của mảng bất động sản khu công nghiệp. Bên cạnh đó, công ty này cũng đã ghi nhận 241 tỉ đồng lợi nhuận tài chính nhờ việc đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty Nhựa Hà Nội. 

Giấc mơ lớn của đại gia ngành nhựa chuẩn bị niêm yết trên sàn HOSE - Ảnh 2.

Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp

Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản hợp nhất của An Phát Hodlings ở mức 9.988 tỉ đồng; nợ phải trả 5.925 tỉ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ. Trong đó chiếm tỉ trọng lớn là nợ vay ngắn hạn 2.745 tỉ đồng và nợ vay dài hạn 2.020 tỉ đồng. Tổng nợ vay tương đương 48% tổng tài sản. 

Năm vừa rồi, An Phát Holdings và các công ty con trích tới 263 tỉ đồng tiền trả lãi vay, số này tăng gấp đôi năm 2018.

Giấc mơ lớn của đại gia ngành nhựa chuẩn bị niêm yết trên sàn HOSE - Ảnh 3.

Nguồn: Thanh Tùng tổng hợp

Thanh Tùng - Đông A