|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Cha đẻ' TikTok rũ bỏ mọi quyền lực ở startup giá trị nhất thế giới

06:00 | 04/11/2021
Chia sẻ
Ông Zhang Yiming mới đây cho biết sẽ rời ghế chủ tịch ByteDance, sau khi rời ghế CEO trước đó. Dù vậy, ông vẫn là một nhân sự toàn thời gian của công ty.

Zhang Yiming, người đồng sáng lập ByteDance, mới đây đã từ bỏ vị trí chủ tịch đồng thời rời khỏi hội đồng quản trị công ty. Trước đó, ông cũng thôi giữ chức CEO công ty này, theo Nikkei.

Liang Rubo, người thay Zhang Yiming giữ ghế CEO ByteDance từ hồi tháng 5 năm nay, đã được lựa chọn cho vị trí chủ tịch vì ban điều hành cho rằng "mô hình phát triển tốt nhất đối với công ty là CEO và chủ tịch cùng là một người", một nhân sự cao cấp nói với Nikkei.

Liang đồng sáng lập ByteDance và là bạn cùng lớp đại học với Zhang Yiming.

'Cha đẻ' TikTok rũ bỏ mọi quyền lực ở startup giá trị nhất thế giới - Ảnh 1.

Ông Zhang Yiming, người đồng sáng lập ByteDance, từng giữ cả 2 vị trí là CEO và chủ tịch. (Ảnh: Reuters).

Ông Zhang Yiming vẫn là một nhân sự toàn thời gian cho ByteDance sau thay đổi nói trên. Dù vậy, sẽ không có nhân sự nào báo cáo trực tiếp tới ông. Bên cạnh đó, nguồn tin nội bộ nói rằng hiện vai trò mới của Zhang Yiming vẫn chưa được quyết định. ByteDance hiện là một trong những startup giá trị nhất thế giới.

"Ông ấy vẫn là một nguồn lực quan trọng của công ty", một nhân sự cấp cao ByteDance chia sẻ. "Ví dụ, sẽ rất tốt nếu như ông ấy có thể tư vấn công ty vấn đề phát triển sản phẩm".

Ông Zhang từ chức CEO vào tháng 5 năm nay. Thời điểm đó, ông nói rằng quyết định này sẽ giúp ông có thêm thời gian "để thực hiện những tác tác động tới các chiến lược trong dài hạn".

Ông Zhang rời khởi hội đồng quản lý cao cấp của ByteDance trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc đang tiếp tục thắt chặt ngành công nghệ nước này.

Nhiều nhân sự cấp cao của các startup công nghệ lớn đã rời khỏi vị trí lãnh đạo của mình trong vài tháng trở lại đây. Tuần trước, ông Su Hua rời ghế CEO của Kuaishou Technology, một trong những đối thủ chính của ByteDance ở mảng nội dung video ngắn. Colin Huang, người sáng lập Pinduoduo, cũng từ bỏ vị trí chủ tịch startup  này hồi tháng 3 sau khi rời ghế CEO từ năm ngoái.

Theo ônt William Bao Bean, đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm SOSV, nhận định việc chuyển giao quyền lực lãnh đạo là một bằng chứng cho thấy ngành Internet Trung Quốc đã đạt đến độ chín.

"Vai trò lãnh đào của một công ty Internet lớn, đặc biệt là ở Trung Quốc, có hai mặt: quan hệ nhà đầu tư và quan hệ với chính phủ", ông chia sẻ. "Vì thế, khả năng xây dựng sản phẩm tuyệt vời và khiến người dùng hài lòng để sau đó kiếm tiền thông qua một mô hình kinh doanh sáng tạo không nhất thiết là kỹ năng cần thiết để trao đổi hàng quý với các nhà đầu tư", ông chia sẻ thêm.

ByteDance được cho là đang lên kế hoạch thực hiện IPO ở Hong Kong, dù vậy công ty này đã lên tiếng phủ nhận kế hoạch này. Trước đó, hồi tháng 2, Kuaishou kêu gọi thành công 5,3 tỷ USD thông qua niêm yết tại Hong Kong.

"Zhang Yiming có nhiều đóng góp đến sự phát triển của ByteDance trong vài năm qua nhưng ông cũng đã để lỡ nhiều cơ hội lớn", ông Zhang Yi, nhà phân tích trưởng tại công ty khai thác dữ liệu iiMedia, nói. Ông Zhang Yi cho rằng việc ByteDance dấn thân vào mảng trò chơi và thương mại điện tử nhưng không có tác động lớn là một trong số đó.

"Zhang giống một nhân sự kỹ thuật, vì thế ông thiếu đi tầm nhìn chiến lược liên quan đến mở rộng thương mại", ông Zhang Yi nhận định.

Trong một thông tin điệp bộ, ông Liang nói rằng ByteDance sẽ được sắp xếp lại thành 6 mang kinh doanh khác nhau.

Thay đổi này sẽ khiến TikTok và Douyin (phiên bản TikTok tại Trung Quốc) trở thành mảng kinh doanh độc lập với các mảng khác nhau trò chơi, công nghệ hỗ trợ làm việc và dạy nghề. Trước đó, bước ngoặt thành công đầu tiên của ByteDance tại Trung Quốc là sự phổ biến của Jinri Toutiao, một ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo để gợi ý nội dung tin tức cho người dùng.

Trong khi đó, ông Shou Zi Chew, người gia nhập ByteDance vào tháng 3 trong vài trò giám đốc tài chính, trở thành CEO TikTok vào hồi tháng 5.

Mới đây, ByteDance áp dụng quy định mới để hạn chế việc nhân sự công ty làm việc quá giờ. ByteDance là một trong những công ty công nghệ lớn đầu tiên tại Trung Quốc phản đối văn hoá làm việc "996" (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần).

Theo thông tin nội bộ, nhân sự ByteDance được yêu cầu không làm việc sau 7 giờ tối và phải xin phê duyệt nếu cần phải ở lại công ty sau khung giờ này. Những người làm việc nhiều giờ hơn quy định chưa xin phép trước đó cũng có thể được nhận lương ngoài giờ hoặc ngày nghỉ phép.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, chính sách làm việc mới tại ByteDance được gọi là "1075" (làm việc từ 10 giờ sáng đến 7 giờ tối, 5 ngày một tuần). Trước đó, văn hoá làm việc "996" khắc nghiệt vẫn phải nhận nhiều chỉ trích từ cộng đồng và chính phủ Trung Quốc.

Dù vậy, trong bối cảnh chính phủ Trung Quốc tăng cường kiểm soát các công ty công nghệ, nhiều công ty cũng bắt đầu nới lỏng các quy định của mình. Ví dụ, Meituan và Kuaishou đã bỏ một chính sách trong đó chỉ cho phép nhân viên được nghỉ cả cuối tuần cách tuần.

Nam Khánh