Cha đẻ thảm hoạ tiền số TerraUSD sẵn sàng cho sự trở lại với Luna 2
Do Kwon là người xây dựng đế chế tiền mã hoá sụp đổ hồi tháng trước trong một cú sốc trị giá 40 tỷ USD. Giờ thì, bất chấp sự sự tức giận của các nhà đầu tư, hoạt động điều tra của chính phủ và thị trường tiền mã hoá đi xuống, doanh nhân người Hàn Quốc này đang chuẩn bị cho một sự trở lại.
“Tôi có niềm tin vào khả năng xây dựng lại mạnh mẽ hơn những gì chúng tôi đã từng”, ông Kwon nói với WSJ.
Do Kwon đang nói đến việc ra mắt một phiên bản mới của Terra, mạng blockchain của những đồng tiền "thảm hoạ" TerraUSD và Luna. TerraUSD là đồng stablecoin được thiết kế để duy trì giá trị ở mốc 1 USD. Dù vậy, hiện giá trị của nó còn chưa tới 0,01 USD. Sự sụp đổ của TerraUSD cũng khiến Luna mất 99% giá trị. Luna là đồng tiền “chống lưng” cho liên kết của TerraUSD với USD.
Đợt sụp đổ của TerraUSD và Luna đã khiến hàng nghìn nhà đầu tư trên thế giới tổn thương, trong đó có nhiều người đã đổ toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình vào Anchor Protocol, một loại hình ngân hàng mã hoá chào mời lãi suất cao cho các khoản tiền gửi bằng TerraUSD.
Từ khi TerraUSD sụp đổ, các nhóm đại diện cho hơn 90 người ở Hàn Quốc đã đệ đơn kiện Do Kwon vì hành vi lừa đảo và gọi vốn bất hợp pháp. Một người phát ngôn của Văn phòng công tố quận phía nam Seoul xác nhận đang điều tra trường hợp của Luna và TerraUSD song từ chối chia sẻ chi tiết.
Một nhà đầu tư đã tìm đến nhà của Do Kwon ở Seoul khiến vợ Do Kwon phải tìm kiếm sự hỗ trợ của cảnh sát, theo truyền thông địa phương. Một nhà đầu tư khác thì nói rằng anh đã mất rất nhiều tiền vì Luna và muốn nói chuyện với Do Kwon trực tiếp.
Tuần trước, một công ty luật Mỹ đại diện cho một nhà đầu tư Chicago bị lỗ vì TerraUSD cũng đệ đơn kiện Do Kwon, công ty Terraform Labs và một số công ty khác vì tội lừa đảo và bán loại hình chứng khoán chưa được đăng ký.
Về phần mình, Terraform Labs cho biết sẽ không bình luận về các hoạt động điều tra. Công ty này cho rằng các vụ kiện là vô nghĩa và công ty sẽ tự bào chữa.
Do Kwon chia sẻ với WSJ rằng: “Tôi tuyệt vọng vì những sự kiện gần đây và hy vọng tất cả gia đình bị ảnh hưởng hãy chăm sóc bản thân và những người họ yêu quý”.
Đầu năm nay, khi Luna giao dịch ở mốc gần 100 USD, các nhà phân tích nói rằng Do Kwon đã trở thành một tỷ phú. Do Kwon không phủ nhận điều này song người đàn ông 30 tuổi này nói rằng anh “chưa bao giờ đếm tiền” và cũng đã mất tất cả sau sự sụp đổ của TerraUSD. “Tôi cũng không bận lòng vì tôi sống một cuộc sống khá đơn giản”, anh chia sẻ.
Mạng blockchain Terra mới ra mắt vào cuối tháng 5 sau khi phần lớn những người nắm giữ Luna chấp thuận động thái này. Phiên bản cũ gần như vô giá trị của Luna được đổi tên thành “Luna Classic” và những người nắm giữ TerraUSD và Luna Classic được cấp một đồng tiền mới có tên Luna.
Cho đến thời điểm này, mọi thứ không quá suôn sẻ: Đồng Luna mới bắt đầu giao dịch ở mốc 18,87 USD vào hôm 28/5. Ngay sau đó, đồng tiền này giảm giá và gần đây giao dịch ở mốc 1,97 USD, theo CoinGecko.
“Tôi không thể hiểu nổi bất kỳ ai suy nghĩ cẩn thận lại đầu tư vào Luna 2 sau khi chứng khiến Luna 1 sụp đổ khủng khiếp đến thế”, Mati Greenspan, người sáng lập công ty nghiên cứu mã hoá Quantum Economics, nói.
Những người ủng hộ Luna hy vọng các nhà phát triển sẽ xây dựng nhiều ứng dụng dựa trên công nghệ Terra. Bằng cách này, Luna mới có thể sẽ tăng giá trở lại. “Nhiều nhà phát triển đang trong quá trình ra mắt lại ứng dụng trên mạng blockchain mới”, Do Kwon tiết lộ.
Trong mắt nhiều người, việc ra mắt Luna mới dường như là hành động cứu vớt hình ảnh của Do Kwon.
“Tôi cảm thấy thực sự tệ cho Do vì tên anh ấy đã bị kéo xuống bùn lúc này”, Ronald AngSiy, lãnh tạo tại Intellabridge Technology Corp, một công ty giúp người dùng kiếm lãi dựa trên các khoản tiền gửi bằng cách đầu tư vào thị trường mã hoá, nói.
Ông Ronald AngSiy cho biết đã trao đổi với Do Kwon trong nhiều cuộc họp và từng là một “đại sứ” cho Terra. Ông cũng đã mất hơn 1 triệu USD tiền đầu tư cá nhân cho Luna song vẫn đánh giá cao Do Kwon. “Trên Twitter, anh ấy có thể xuất hiện như một người theo chủ nghĩa tự do nhưng ngoài đời thì không phải vậy”, ông chia sẻ.
Nhiều người khác trong cộng đồng tiền mã hoá thì nói rằng Do Kwon đã vận hành một mô hình lừa đảo phức tạp. “Rất rõ ràng để thấy điều này khi đọc các dòng tweet trên Twitter, cách anh ta nói chuyện trước ống kính và cách thể hiện bản thân”, Cory Klippsten, CEO công ty tiền mã hoá Swan Bitcoin, nhận định.
Do Kwon phủ nhận điều này và nhấn mạnh nhiều người nổi tiếng trong ngành công nghiệp cũng đã chia sẻ niềm tin của Do Kwon vào tương lai của TerraUSD. Anh nói thêm rằng bản thân cũng đã mất tiền sau đợt sụp đổ.
“Tôi đưa ra các khẳng định tự tin về UST vì tôi tin vào sự bền vững và giá trị của nó. Tôi cũng đã mất tiền nhưng 100% hành động chính là những gì tôi đã nói. Có sự khác biệt giữa thất bại và lừa đảo”, anh nói.
Từ khi thành lập, Terraform Labs đã kêu gọi được hơn 200 triệu USD từ các nhà đầu tư như Coinbase Ventures, theo PitchBook.
Do Kwon theo học một trường trung học ngoại ngữ danh giá ở Seoul. Anh đạt được nhiều thành tích trong các cuộc thi tranh luận bằng Tiếng Anh. Những người biết anh từ thời còn là một thiếu niên cho biết anh là một người lôi cuốn song thường thích nói những điều gây tranh cãi, khiêu khích bạn học.
Do Kwon tốt nghiệp Đại học Stanford với bằng khoa học máy tính vào năm 2016. Sau khi làm việc tại Microsoft, Apple và sáng lập một startup không thành công có tên Anyfi, anh chuyển hướng sang lĩnh vực tiền mã hoá.
Do Kwon sáng lập Terraform Labs vào năm 2018 cùng Daniel Shin, một nhân vật có tiếng trong cộng đồng startup Hàn Quốc, để phát triển blockchain Terra. Theo sách trắng dự án, sứ mệnh của nó là tạo ra một “gia đình” các đồng stablecoin Terra gắn với USD, won hoặc các đồng tiền pháp định khác. Bằng các này, mọi người có thể sử dụng chúng trong các giao dịch hàng ngày.
Stablecoin Terra không được “chống lưng” bằng USD hay các khoản đầu tư thực, thay vào đó nó sử dụng thuật toán tài chính để duy trì ổn định giá. Thiết kế này cũng khiến chính phủ khó kiểm soát được giao dịch hơn, Do Kwon nói. “Một nền kinh tế phi tập trung cần những đồng tiền phi tập trung”, anh chia sẻ.
Do Kwon thường chỉ ra sự khác biệt giữa Terra và các dự án đối thủ thông qua cách dùng đồng stablecoin của mình bằng ứng dụng thanh toán Hàn Quốc Chai. Chai do Chai Corp ra mắt vào năm 2019. Chai Corp là một startup được sáng lập bởi chính Daniel Shin.
Ban đầu, ứng dụng này dùng Terra để xử lý thanh toán. Khi Chai có vài triệu người dùng, những gì Do Kwon chia sẻ khiến nhiều người nghĩa rằng có một số lượng người ổn định đang dùng Terra để giao dịch. Đây có thể là một điểm tích cực để bình ổn giá trị đồng tiền giữa lúc thị trường rung lắc.
Dù vậy, WSJ, dựa trên các chia sẻ của Do Kwon trong quá khứ, cho rằng các chia sẻ của Do Kwon về mối liên hệ giữa các dự án blockchain của anh và Chai thường bị “nói quá”.
Một người phát ngôn của Chai cho biết ông Shin và Do Kwon đã dừng hợp tác vào tháng 3/2020. Vào thời điểm năm 2021, Chai không còn dùng công nghệ blockchain Terra hoặc tài sản số Terra để xử lý thanh toán hoặc lưu giữ giá trị. Chai và Terra chỉ còn duy trì một hợp tác về marketing từ 5/2021 đến 3/2022.
Dù vậy, Kwon vẫn chia sẻ trong một bài phỏng vấn vào tháng 4/2021 rằng 2,6 triệu người Hàn Quốc đang dùng stablecoin Terra để thanh toán. Lần gần nhất anh nhắc đến việc dùng Terra qua ứng dụng Chai được ghi nhận vào tháng 3 năm nay.
Terraform Labs và Do Kwon nói rằng họ luôn hướng đến sự trung thực khi mô tả về Terra và Chai. Họ nói rằng những chia sẻ của Do Kwon hoàn toàn chính xác dựa trên hợp tác với Chai, trong đó người dùng ứng dụng này chuyển từ đồng stablecoin won của Terra sang “Chai money” để thực hiện thanh toán.
Người phát ngôn của Chai cho biết tính năng trên, được ra mắt vào tháng 5 năm 2021 như một phần của quan hệ đối tác, đã bị thu hẹp phạm vi sau 4 tháng vì nhu cầu thấp. Hiện tại, không có dịch vụ nào của Chai được liên kết với Terra, người phát ngôn cho biết.
Một số thành viên của Terra đã nghỉ việc vào năm 2020 vì không cảm thấy thoải mái với những hướng đi mà Do Kwon vạch ra cho dự án. Một người chia sẻ rằng một trong số quan ngại lớn nhất liên quan đến việc Do Kwon muốn đưa ra một mức lãi suất cố định cho các khoản tiền gửi trong Anchor Protocol để thu hút người dùng đến với TerraUSD. Người này cho rằng đây là cách tiếp cận không bền vững và lãi suất thả nổi sẽ phản ánh đúng thực tế trên thị trường.
Khi Anchor ra mắt vào tháng 3/2021, nó áp dụng mức lãi suất 20%, một con số ấn tượng đến mức đã thu hút được hàng tỷ USD tiền đầu tư vào TerraUSD trước khi nó sụp đổ. Terraform Labs từ chối bình luận về các nhân sự cũ song nói rằng Anchor không còn sử dụng lãi suất cố định từ đầu năm nay.
Một lo lắng khác nằm ở việc Do Kwon liên tục thúc đẩy vuệc ra mắt Mirror Protocol, một dự án bị cho là vi phạm luật chứng khoán của Mỹ.
Khi TerraUSD phát triển, nhiều người vẫn đưa ra cảnh báo rằng đồng tiền này sẽ sụp đổ. Do Kwon phản đối các ý kiến này trên Twitter. Năm ngoái, khi blogger tài chính người Anh Frances Coppola chia sẻ quan ngại về TerraUSD, Do Kwon chỉ trích: “Tôi không tranh cãi với người nghèo và tôi cũng không có thay đổi nào dành cho cô ấy lúc này”.
“Anh ấy rất thô lỗ với tôi”, Coppola nói. Khi được hỏi về các dòng tweet này, Do Kwon nói với WSJ rằng: “Liệu tôi có hối hận vì những gì tôi từng nói trong quá khứ không? Có.”