CEO Wigroup: Tâm lý găm giữ đang tạo áp lực lên tỷ giá, lượng USD chảy ra nước ngoài không quá lớn
Trong phiên đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức điều chỉnh nới biên độ tỷ giá thêm 2%. Điều này đồng nghĩa với việc tỷ giá trần/sàn sẽ được nới rộng thêm so với tỷ giá trung tâm của NHNN.
Trước động thái của NHNN, các chuyên gia cho rằng, biện pháp này sẽ giảm bớt sức ép can thiệp vào thị trường song cũng là phương án cần thiết và phù hợp trong lúc này khi đồng USD ngày càng mạnh lên sau quyết định tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Sáng nay (20/10), tỷ giá trung tâm niêm yết tiếp tục tăng thêm 19 đồng so với phiên trước đó, lên mức 23.682 VND/USD. Với biên độ +/-5% đang áp dụng, tỷ giá trần hôm nay là 24.866 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.498 VND/USD.
Trước những diễn biến mới của thị trường tỷ giá, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup.
- Thưa ông, ngày 17/10, Ngân hàng Nhà nước đã nới biên độ tỷ giá từ 3% lên 5%, ông đánh giá như thế nào về tác động đến tỷ giá của chính sách này?
Ông Trần Ngọc Báu: Hành động này thể hiện việc NHNN đã chấp thuận tỷ giá trong tương lai sẽ biến động trong một vùng lớn hơn so với tỷ giá trung tâm, đồng nghĩa với việc sức ép can thiệp liên tục vào thị trường cũng giảm bớt.
Tuy nhiên về ngắn hạn thì quyết định này sẽ tạo tâm lý tiêu cực đối với sự ổn định của đồng VND, đẩy mạnh hơn nữa kỳ vọng găm giữ ngoại tệ ở cả các tổ chức kinh tế và dân cư, không kiểm soát tốt sẽ tác động ngược làm tỷ giá tiếp tục tăng mạnh hơn.
- Động thái nới biên độ tỷ giá được đưa ra trong bối cảnh sức ép tỷ giá tăng cao, lãi suất và dự trữ ngoại hối đều không còn nhiều dư địa. Vậy theo ông, các yếu tố như: Lãi suất và dự trữ ngoại hối tác động như thế nào đến tỷ giá và ngược lại?
Ông Trần Ngọc Báu: Theo chủ trương của Chính phủ là duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19. NHNN muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp khi mà các quốc gia khác trên toàn cầu tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát thì buộc phải chấp nhận dòng tiền sẽ bị rút ròng ra khỏi Việt Nam.
Để bù đắp lượng hút ròng này và giữ ổn định tỷ giá thì chúng ta bắt buộc phải sử dụng đến dự trữ ngoại hối. Nếu mức độ rút ròng không quá mạnh và gấp gáp thì với lượng dự trữ ngoại hối dồi dào như cuối năm 2021, NHNN có thể can thiệp nhanh chóng.
Tuy nhiên, năm nay Fed tăng lãi suất quá nhanh, đồng USD mạnh vượt xa kỳ vọng của thị trường đã gây ra những bất ngờ và ảnh hướng quá lớn, chỉ dựa vào duy nhất yếu tố dự trữ ngoại hối không thể cân đối được trong lúc này. Do đó, NHNN bắt buộc phải chấp nhận tăng lãi suất để giảm thiểu áp lực rút ròng ngoại tệ.
Từ đầu năm đến nay NHNN đã sử dụng cả hai công cụ, một mặt bán USD, một mặt nâng lãi suất. Điều này đã giúp VND là một trong những đồng tiền ổn định nhất so với đồng USD. Có thể nói, NHNN đã làm rất tốt trong giai đoạn vừa qua.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại áp lực vẫn còn rất lớn khi sự kỳ vọng và tâm lý găm giữ USD tại Việt Nam chưa giảm bớt mà hai công cụ bán dự trữ USD và nâng lãi suất không còn nhiều dư địa thực hiện. Đây là một điều tiêu cực với tỷ giá mà chúng ta cần phải nhìn nhận.
Khi hai công cụ tốt nhất để điều hành tỷ giá không còn dư địa thì bắt buộc NHNN phải để tỷ giá biến động mạnh hơn. Sắp tới Fed có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất, NHNN vẫn cho biết có thể bán dự trữ ngoại hối nếu cần thiết. Nếu tình hình căng thẳng hơn nữa, có thể sẽ phải sử dụng đến những công cụ có tính chất hành chính rất cao như kết hối chẳng hạn.
- Sắp tới NHNN còn công cụ nào để điều hoà tỷ giá hay không hay bắt buộc phải “lùi” ở mặt trận tỷ giá để đạt được những mục đích khác?
Ông Trần Ngọc Báu: Như tôi đã nói ở trên, bán USD và nâng lãi suất là hai công cụ quan trọng nhất để can thiệp tỷ giá. Ngoài ra nếu mọi thứ tiếp tục diễn biến tiêu cực thì NHNN có thể sẽ suy nghĩ đến những công cụ mạnh hơn nhưng phi thị trường như: Kết hối, thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, gia tăng nợ công USD,… hoặc những công cụ có điều kiện và chỉ sử dụng trong trạng thái mất kiểm soát thanh khoản như Central bank liquidity swap, Fima Repo,….
Trong những công cụ này có lẽ kết hối là công cụ gây nhiều tranh cãi nhất. Bởi khi đã thực thi kết hối thì đây là một “mệnh lệnh” ép buộc tất các doanh nghiệp có USD phải bán cho ngân hàng và cơ quan quản lý cấp hạn mức cho từng nhu cầu.
Chính sách này sẽ xử lý nhanh gọn vấn nạn găm giữ USD trong tài khoản của các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, công cụ này lại phá hủy tính chất thị trường và làm mất niềm tin của giới đầu tư nhanh chóng.
Theo tôi kết hối là biện pháp cuối cùng và mọi thứ quá tệ NHNN mới phải xem xét thực hiện.
Hiện tại tôi cho rằng mọi thứ căng thẳng, nhưng đang ở đỉnh điểm của sự căng thẳng và áp lực từ tâm lý găm giữ là chủ yếu, lượng USD chảy ra khỏi Việt Nam ít hơn rất nhiều con số NHNN đã can thiệp. Vậy nên tôi không nghĩ trong tương lai gần NHNN sẽ phải sử dụng đến những công cụ này.
- Một yếu tố đáng chú ý hiện nay là thanh khoản hệ thống căng thẳng, room tín dụng kịch trần, đây có phải là bài toán quan trọng cần giải quyết đối với nền kinh tế trong lúc này?
Ông Trần Ngọc Báu: Hiện tại tất cả các kênh huy động vốn của nền kinh tế như cổ phiếu, trái phiếu và tín dụng đều đang bị chững lại rõ ràng. Doanh nghiệp gặp khó trong việc tiếp cận vốn sẽ không thể mở rộng đầu tư, tệ hơn nữa là nhu cầu đảo nợ bị ngắt mạch cũng sẽ gây ra rủi ro về mất khả năng thanh toán. Ngoài ra áp lực từ lãi suất cho vay tăng mạnh cũng sẽ nhanh chóng đè nặng lên đầu doanh nghiệp có tỷ lệ nợ vay cao.
Hiện tại vấn đề căng thẳng thanh khoản của ngân hàng hay khó tiếp cận vốn của doanh nghiệp sẽ chưa thẩm thấu quá lớn vào doanh nghiệp bởi bản thân doanh nghiệp thường duy trì một lượng vốn lưu động nhất định để cầm cự.
Tuy nhiên nếu bối cảnh hiện tại duy trì trong vòng 6 tháng đến 1 năm tới thì thực sự đây sẽ là một vấn đề rất lớn, có thể là lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Xin cảm ơn ông!