|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

CEO Techcombank: 'Chúng tôi đặt cược vào công nghệ, tiêu chuẩn hiện không dừng ở ASEAN mà đã theo chuẩn mực toàn cầu'

17:07 | 24/10/2024
Chia sẻ
"Nếu bạn so sánh vị trí của chúng tôi 4 năm trước với vị trí hiện tại về mặt dữ liệu hoặc so với những tên tuổi quen thuộc, tôi nghĩ có lẽ tiêu chuẩn của chúng tôi không chỉ ở ASEAN mà đã theo chuẩn mực toàn cầu”, CEO của Techcombank nói tại cuộc phỏng vấn với CNBC.

Tại cuộc phỏng vấn mới đây trên chuyên mục ASEAN của kênh CNBC, ông Jens Lottner, CEO Techcombank đã có những chia sẻ về định hướng của ngân hàng này. Ông cho biết, ngay từ khi đảm nhận vị trí lãnh đạo tại Techcombank cách 4 năm, ông đã tập trung rất nhiều vào công nghệ.

Ông Jens nói: "Những gì chúng tôi đã làm cách đây ba hoặc 4 năm đó là đặt cược rất lớn vào công nghệ. Trong vài năm qua, chúng tôi đã đầu tư 500 triệu USD cho việc nâng cấp công nghệ của ngân hàng và dữ liệu”. 

“Nếu bạn so sánh vị trí của chúng tôi 4 năm trước với vị trí hiện tại về mặt dữ liệu hoặc so với những tên tuổi quen thuộc, tôi nghĩ có lẽ tiêu chuẩn của chúng tôi không chỉ ở ASEAN mà đã theo chuẩn mực toàn cầu”, CEO của Techcombank nói tại cuộc phỏng vấn.

Tiêu chuẩn này được thể hiện trong mảng dữ liệu và cách Techcombank làm sạch dữ liệu. Điều đó giúp triển khai Gen AI và các công nghệ hiện đại theo một cách rất khác so với các ngân hàng sử dụng hệ thống cũ, bởi Techcombank đã xử lý và loại bỏ tất cả những hệ thống đó. 

Ngay cả khi làm việc với các tên tuổi lớn nhất trong ngành, có thể nói rằng Techcombank cũng không cần phải sử dụng thông tin mà họ đưa vào hệ thống của mình, bởi tất cả đều đã được lưu trữ tập trung. 

“Chúng tôi tự thực hiện mọi việc trên và chỉ cần kết nối với hệ thống của họ. Điều này mang lại cho chúng tôi một sự hiểu biết tập trung duy nhất về khách hàng”, ông nói. 

Ông Jens Lottner, CEO Techcombank. (Ảnh: Techcombank).

Hiện tại, Techcombank lưu trữ 5 tỷ điểm dữ liệu mỗi ngày và mỗi khách hàng được định nghĩa bởi khoảng 7.000 thuộc tính, con số này tăng lên hàng ngày. 

“Tôi nghĩ rằng dữ liệu chính là nơi đã có sự thay đổi lớn nhất và điều đó cho phép chúng tôi tạo sự khác biệt rõ rệt trong việc cá nhân hóa, cải thiện năng suất và nhiều thứ khác, thậm chí còn hơn cả công nghệ thông thường”, ông Jens Lottner nói. 

Điều này cũng là một phần trong nỗ lực triển khai các giải pháp AI của Techcombank. Tuy nhiên, cũng có những thách thức cần vượt qua để thực hiện mục tiêu số hoá. Đầu tiên là về nguồn nhân lực, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, Techcombank đã thực hiện thu hút nhiều chuyên gia, cán bộ người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài.

"Trái ngược với một số đối thủ cạnh tranh khác, chúng tôi đã tổ chức các buổi roadshow tới Sydney, Singapore, London, Thung lũng Silicon và cố gắng thu hút các Việt kiều mọi quay trở lại". 

Về cơ bản, rất nhiều người trong số họ nói rằng họ rời Việt Nam vì chưa thể phát triển nhiều như mong muốn, nhưng 10, 15 năm sau, khi đã làm việc ở Amazon hoặc Microsoft nhưng ở Việt Nam, có lẽ họ đã có cơ hội với mức tăng trưởng GDP liên tục dẫn đầu khu vực, ông Jens cho biết.

 “Vì vậy, chúng tôi cần thực hiện các buổi roadshow tại nước ngoài và nói rằng có cơ hội thực sự cho bạn Việt Nam - nơi có doanh nghiệp hoạt động tương tự như các tập đoàn toàn cầu”, CEO Techcombank nói trên CNBC. 

Với câu hỏi về các lĩnh vực giúp Techcombank tăng trưởng, ông Jens Lottner cho biết,bất động sản vẫn là một lĩnh vực rất quan trọng trong nền kinh tế. “Nguồn cung nhà ở tại Việt Nam vẫn thiếu hụt lớn, đặc biệt là lĩnh vực nhà ở xã hội dành cho phân khúc giá thấp. Vì vậy, đây sẽ là lĩnh vực còn nhiều dư địa tăng trưởng mà Techcombank sẽ hoạt động tích cực”, ông Jens nói.

Theo ông, có rất nhiều mối quan tâm đến bất động sản như một hoạt động đầu tư và nhiều lĩnh vực khác thực sự được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước khi mức thu nhập chung đang tăng lên. 

“Tôi nghĩ đến một lĩnh vực mà chúng tôi muốn tham gia, đó là du lịch giải trí” ông nói và cho biết, tất cả các lĩnh vực thực sự được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước chứ không phải do xuất khẩu nhiều, bởi vì theo thời gian xuất khẩu có thể sẽ giảm xuống một chút khi nền kinh tế trong nước ngày càng phát triển.

Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% của Ngân hàng Nhà nước , ông Jens nói: "Thông thường, khi các mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra, có những ngân hàng có thể cao hơn, có những ngân hàng có thể thấp hơn. Hạn mức cao hơn thường được giao cho các ngân hàng tăng trưởng tốt hơn". 

Trong những năm qua, tăng trưởng tín dụng của Techcombank ở mức khoảng 20%​. Ngay cả trong nửa đầu năm nay, Techcombank vẫn tăng trưởng tín dụng ở mức 11, 12%, trong khi phần còn lại của ngành ngân hàng có lẽ chỉ tăng khoảng 6%. 

“Tôi nghĩ hiện tại chúng tôi đang tiến rất gần đến hạn mức được giao, tức là 18 hoặc 19%. Chúng tôi thực sự có thể kết thúc năm ở mức cao hơn nữa, bởi vì thông thường vào cuối năm, chính phủ vẫn cấp thêm hạn mức, đặc biệt là cho những ngân hàng tăng trưởng nhiều nhất. Tôi khá chắc chắn rằng chúng tôi sẽ có hạn mức cao hơn”, ông nói.

Với câu hỏi về việc những mục tiêu tăng trưởng “táo bạo” của Techcombank có làm tăng rủi ro hay không? Và Techcombank quản lý điều đó như thế nào để đảm bảo vừa đạt mục tiêu vừa không làm tăng nợ xấu, ông Jens cho biết tổng nợ xấu của Techcombank thường ở mức thấp nhất trong ngành, 1,2 - 1,3%. 

“Tôi nghĩ vấn đề thực sự phụ thuộc vào cách bạn chọn rủi ro,? Ví dụ, về lĩnh vực bất động sản vốn có rất nhiều rắc rối. Vì vậy chúng tôi chỉ làm việc với số lượng hạn chế các nhà phát triển. Tất cả họ đều rất, rất mạnh trên bảng cân đối kế toán. Mọi giấy tờ pháp lý đều rất tốt và có rất nhiều yêu cầu cao với sản phẩm của họ”, ông nói. 

"Nếu bạn quản trị được rủi ro, bạn sẽ làm rất tốt. Với chúng tôi, điều quan trọng nhất là phải hết sức thận trọng. Nhưng tôi nghĩ nếu doanh nghiệp mạnh thì có thể đi nhanh. Bạn thực sự có dịch vụ tốt thì cũng dễ dàng phát triển nhanh hơn thị trường. Nếu thị trường tăng trưởng ở mức 14 hoặc 15% thì 20% thực sự không quá cao”, CEO Techcombank chia sẻ.

Khi nhìn vào Việt Nam, có thể thấy rất nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào mặc dù cũng còn nhiều vấn đề và sự bất định có thể xảy ra. Techcombank cũng đang đẩy mạnh cho vay FDI. 

Vốn FDI đang đổ vào lĩnh vực sản xuất theo chiến lược “Trung Quốc + 1 . Vì vậy, ông Jens cho rằng dòng vốn này phần lớn đang đi vào lĩnh vực sản xuất và một phần là bất động sản do cuộc khủng hoảng tài sản vừa qua tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thu mua lại dự án với giá hợp lý hơn. “Vậy nên, sản xuất, một phần bất động sản và du lịch là những lĩnh vực lớn nhất chúng tôi đang xem xét”, CEO của Techcombank cho hay.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bích Thu