|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CEO Bidiphar (DBD): Công ty hướng tới mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ và sản xuất thuốc ung thư dạng viên vào 2026

10:27 | 23/09/2023
Chia sẻ
Tại hội thảo nhà đầu tư diễn ra ngày 22/9, ban lãnh đạo CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar - Mã: DBD) đã chia sẻ về tình hình hoạt động, định hướng kinh doanh. Trong đó, công ty dự kiến đến 2026 sẽ sản xuất thuốc điều trị ung thư dạng viên.

Đánh giá về xu hướng phát triển ngành dược, theo Bidiphar, các doanh nghiệp dược đang đầu tư nâng cấp tiêu chuẩn thực hành sản xuất GMP cho nhà máy từ WHO sang EU hoặc tương đương. Tính đến tháng 5, các nước đã có 16 nhà máy đạt GMP-EU và 4 nhà máy đạt GMP-Japan.

Tổng thị trường dược đến quý II đạt khoảng 8,2 tỷ USD, trong đó kênh OTC (thuốc không kê đơn) chiếm 61%, ETC (thuốc có kê đơn) chiếm 39%. Các ngành giúp thị trường tăng trưởng nhanh bao gồm kháng sinh, thuốc ung thư, thuốc tim mạch, tiểu đường. Trong khi đó, các ngành hàng thuốc OTC lại tăng trưởng thấp hoặc giảm.

Kênh ETC tiếp tục tăng trưởng nhanh khi sắp tới có nhiều đàm phán giá được công bố kết quả và danh mục thuốc được thanh toán bảo hiểm được cập nhật.

Thuốc điều trị ung thư là thị trường có liên quan đến Bidiphar. Theo công ty, tổng giá trị thị trường này đạt 335 triệu USD vào năm 2022, tăng trưởng 38%. Thuốc sản xuất trong nước mới chỉ chiếm 8% tỷ trọng và tập trung vào các thuốc hóa dược. Nhóm thuốc công nghệ sinh hoạt chiếm tỷ trọng 42% và tăng trưởng 43%.

(Hội thảo nhà đầu tư do Bidiphar tổ chức ngày 22/9. (Ảnh: X.N).

Lợi nhuận 9 tháng ước tăng 22% so với cùng kỳ

Về Bidiphar, công ty cho biết hơn 300 sản phẩm của mình đã có mặt tại 99% bệnh viện trong nước và hơn 20.000 nhà thuốc trên toàn quốc. Đơn vị hiện đứng đầu về thị phần nhóm thuốc ung thư và thứ hai thị phần dịch thận. Công ty đã xuất khẩu hơn 70 sản phẩm sang hơn 10 nước trên thế giới như: Lào, Yemen, Mông Cổ, Myanmar, Campuchia

(Nguồn: Bidiphar).

Cập nhật qua về tình hình kinh doanh, Bà Phạm Thị Thanh Hương, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc (CEO), cho biết ước tính lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của Bidiphar tăng trưởng khoảng 22% so với cùng kỳ năm trước, đạt 252 tỷ đồng.

(Nguồn: Bidiphar).

Bà Hương chia sẻ doanh thu thuốc từ kênh ETC chậm lại trong quý III. Tuy nhiên, dự kiến kênh ETC vẫn hoàn thành hoặc vượt kế hoạch năm. Nhìn chung thị phần ETC vẫn đang tiến triển tốt, ổn định. Doanh thu tăng hay giảm trong một giai đoạn ngắn chỉ mang tính tức thời, có thể do ảnh hưởng thời điểm chốt thầu/đầu thầu.

Năm 2024, Bidiphar đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20% về doanh thu. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cho hay mức tăng lợi nhuận có thể không tương ứng, do công ty đang chú trọng đầu tư, marketing... nhằm tạo nền cho phát triển các năm tiếp theo.

Công ty dự báo mảng OTC sẽ tăng trưởng thấp hơn so với ETC. Theo thống kê, thị trường OTC đang giảm 5% so với năm trước. Riêng Bidiphar, công ty dự kiến không đạt mục tiêu 2023 tại kênh OTC, song vẫn tăng trưởng 2%. Năm 2024, ban lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng 20% đối với OTC và 10% đối với ETC.

Công ty dự kiến duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu 15 - 20% mỗi năm. "Mục tiêu đến 2026, Bidiphar sẽ gia nhập câu lạc bộ doanh nghiệp 3.000 tỷ đồng", vị CEO kỳ vọng.

(Nguồn: Bidiphar).

Thuốc ung thư dạng viên sẽ đóng góp đáng kể vào mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ

Ban lãnh đạo đã có nhiều chia sẻ về định hướng của sản phẩm thuốc điều trị ung thư. Đây là sản phẩm công ty đang có lợi thế, gần như “một mình một sân” khi trên thị trường chưa có sản phẩm có thương hiệu nào. Sản phẩm này cũng là đóng góp cho hoạt động điều trị ung thư, được sự ủng hộ của Nhà nước, các bệnh viện, người dân. 

Như đã đề cập, công ty sắp tới sẽ nộp hồ sơ chứng nhận GMP-EU. Nhà máy đã đầu tư xong và công ty đang áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, nâng cao nang lực cán bộ nhân viên để đáp ứng GMP-EU.

“Nếu đạt chứng nhận GMP-EU sẽ nâng sản phẩm thuốc điều trị ung thư Bidiphar lên một tầm cao nữa. Hiện chưa được chứng nhận, nhưng chúng tôi cũng đã nhận được nhiều lời đề nghị xuất khẩu thuốc ung thư ra nước ngoài, cho thấy đây là một tiềm năng lớn.”, bà Hương nhận định.

Theo lộ trình, thời gian dự kiến nộp hồ sơ sản phẩm là tháng 11/2024, dự kiến nộp hồ sơ sản phẩm để đăng ký với cơ quan chính phủ tại lãnh thổ là tháng 3/2025. Đến 2026, nếu thuận lợi, công ty sẽ sản xuất ra thuốc ung thư dạng viên. Công ty đã có nhà máy và được chứng nhận GMP, bây giờ chỉ còn chờ được cấp chứng nhận thuốc thì mới được sản xuất.

Theo ban lãnh đạo, dự kiến khi đưa vào sản xuất, thuốc ung thư dạng viên có thể đóng góp khoảng 300 tỷ đồng vào doanh thu, hỗ trợ cho mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng vào 2026.

Mặt khác, Bidiphar cũng dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược. Phương án này đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua. Giá tối thiểu không thấp hơn 50.000 đồng/cp.

Ban lãnh đạo đang làm việc với các đối tác chiến lược theo quy trình nội bộ (chưa tiết lộ). Nhà đầu tư chiến lược cần sở hữu năng lực tài chính, công nghệ, năng lực quản lý... Bidiphar lấy mức tham chiếu theo hệ số EBITDA, P/E, P/B các giao dịch lịch sử của các công ty dược niêm yết trong Top10 tại Việt Nam đã thực hiện để tham khảo, nhưng vẫn cố gắng bảo vệ lợi ích cổ đông hiện hữu.

CEO Phạm Thị Thanh Hương trả lời các câu hỏi của nhà đầu tư. (Ảnh: X.N).

Ưu tiên R&D và đầu tư dự án trong gian đoạn tới

Về định hướng phát triển, công ty sẽ ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) - nhận chuyển giao công nghệ, tập trung vào các nhóm sản phẩm: thuốc điều trị ung thư, dung dịch thẩm phân, kháng sinh và các thuốc đặc trị (như tim mạch, tiểu đường).

Định hướng thứ hai, công ty muốn phát triển dược liệu hữu cơ, với vùng trồng dược liệu 75 ha, đã được Bộ Y tế công nhận tiêu chuẩn GACP-WHO.

Về các dự án đầu tư, Bidiphar đã hoàn tất đầu tư nhà máy thuốc ung thư tại khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Công ty vẫn đang tiếp tục các hồ sơ để cấp chứng nhận GMP-EU. Đối với nhà máy thuốc vô trùng thể tích nhỏ, dự án đã được cấp chứng nhận chủ trương đầu tư của tỉnh Bình Định. Công ty đang bắt đầu triển khai và dự kiến đến 2027 sẽ đóng góp doanh thu đáng kể, khoảng 580 tỷ đồng.

Ở mảng bất động sản, công ty muốn đầu tư dự án văn phòng cho thuê với quy mô 55 tỷ đồng. Dự án có diện tích 758 m2, 7 tầng, tọa lạc tại 34 Ngô Mây, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo kế hoạch, thủ tục đầu tư hoàn tất vào quý IV/2023 và tòa nhà sẽ đi vào hoạt động từ quý II/2025.

Xuân Nghĩa

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.