CEO ABA Cooltrans: Chuỗi cung ứng lạnh cần được hiểu đúng giá trị
Theo số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ công bố năm 2018, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam hơn 40%.
Đối với các sản phẩm rau quả, trái cây, tùy theo phương thức chế biến, vận chuyển, tỷ lệ thất thoát có thể lên tới 45%; với hải sản là 35%.
Với việc khu vực nông - lâm - thủy sản đóng góp khoảng 14,5% GDP (số liệu từ GSO năm 2018), đây thực sự là tổn thất không nhỏ cho nền kinh tế.
Thất thoát không chỉ gây lãng phí, mà còn khiến giá cả nông sản trở nên đắt đỏ hơn, chưa kể việc các sản phẩm hư hỏng có thể thâm nhập vào thị trường và đến chính tay người tiêu dùng sử dụng theo cách này hay cách khác.
Giải bài toán thất thoát bằng "Dịch vụ một cửa"
Việc cung ứng thực phẩm tươi hiện nay vẫn chủ yếu theo phương thức từ đồng ruộng, trang trại đến các chợ truyền thống hay siêu thị mà ít qua xử lí bảo quản. Theo các chuyên gia, việc thất thoát chủ yếu xảy ra ở các khâu sản xuất và vận chuyển hàng hóa, do đó để khắc phục Việt Nam cần tìm cách giải các bài toán này.
Xuất thân trong một gia đình nông dân ở Quảng Nam, ông Lương Quang Thi, sáng lập và là CEO Công ty CP Giải pháp Thương mại ABA (ABA Cooltrans), hiểu hơn ai hết điệp khúc được mùa, mất giá. Nông sản chủ yếu bán cho khu vực lân cận hoặc cho các thương lái mà không thể đem đi xa.
Trăn trở này là nguồn cảm hứng giúp ông Thi thành lập nên ABA Cooltrans từ những năm 2008, hiện tại đây là một trong số ít đơn vị tại Việt Nam hướng đến làm trọn vẹn chuỗi cung ứng lạnh xuyên suốt từ vận chuyển đến lưu trữ và phân phối hàng hóa.
CEO Cooltrans gọi đó là "dịch vụ một cửa", nơi khách hàng chỉ cần tập trung làm việc với một đơn vị duy nhất mà có thể giải quyết tất cả các nhu cầu từ đầu tới cuối, giúp cho việc phân phối trở nên đơn giản hơn với một nhà sản xuất.
"Nhà sản xuất tập trung vào khâu mạnh nhất của họ là sản xuất, còn đơn vị cung cấp dịch vụ giải pháp chuỗi cung ứng sẽ làm phần còn lại, phần họ mạnh nhất", ông Thi cho biết.
"A be A", với ý đồ thể hiện cam kết của doanh nghiệp, giữ nguyên được đặc tính của sản phẩm "Đúng nhiệt độ, đúng giờ, đúng hàng".
ABA Cooltrans tập trung vào thị trường phân mảnh hơn, chuỗi cung ứng lạnh, là sự kết hợp giữa chuỗi cung ứng thông thường và việc kiểm soát nhiệt độ. Bao gồm từ làm mát khâu sản xuất, vận chuyển lạnh, lưu trữ kho lạnh, tiếp tục vận chuyển cho đến khi bày bán trên kệ của các cửa hàng hay siêu thị…
Chuỗi cung ứng lạnh thường được áp dụng đối với các sản phẩm như rau củ quả (F&V), thịt - thủy sản, hoa tươi, sữa, dược phẩm… dải nhiệt bảo quản từ âm 30 độ C cho đến 14 độ C tùy loại.
Chuỗi cung ứng lạnh trên thế giới
Thị trường chưa hiểu đúng nghĩa về chuỗi cung ứng lạnh
Báo cáo nghiên cứu ngành logistics của FinnGroup nhận định, chuỗi cung ứng lạnh là một trong những phân ngành hết sức tiềm năng tại Việt Nam trong tương lai do nhu cầu tăng nhanh của các sản phẩm F&V, thủy sản, vắc - xin…; và tốc độ phát triển ấn tượng của các kênh bán lẻ hiện đại.
Trong công đoạn vận chuyển, Việt Nam hiện có những "gã khổng lồ" như Gemadept hay Vinafco tham gia vận chuyển các container lạnh; trong phân khúc xe tải lạnh dưới 14 tấn bên cạnh ABA Cooltrans có những cái tên như Quang Minh, Bình Minh tải, Tân Bảo An…
"Chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam đã phát triển đáng ghi nhận trong những năm gần đây, tuy nhiên tỷ lệ áp dụng chuỗi cung ứng lạnh cho thị trường mới chỉ ở mức 10%; thậm chí những mặt hàng như trái cây, rau củ còn dưới 10%", CEO ABA Cooltrans cho biết.
Theo quan điểm của ông Thi, Việt Nam chưa có một chuỗi cung ứng lạnh đúng nghĩa giúp cho việc bảo quản và phân phối thực phẩm một cách phù hợp. Thực tế cho thấy, cơ hội của việc phát triển chuỗi cung ứng lạnh là rất tiềm năng, thị trường sẽ phát triển và hoàn toàn có đủ dư địa cho tất cả các người chơi tham gia.
Nhưng một trong những yếu tố khiến cho tỷ lệ áp dụng của chuỗi cung ứng lạnh còn thấp là do giá trị của chuỗi chưa được hiểu đúng.
"Người ta cho rằng chuỗi cung ứng lạnh là dịch vụ giá trị gia tăng, là giá trị cộng thêm cho sản phẩm, thực chất không phải vậy. Nhiệm vụ của chuỗi cung ứng lạnh là giữ cho sản phẩm giữ nguyên bản chất, ở nguyên trạng thái tốt nhất trong thời gian lâu nhất.
Với sản phẩm tươi sống, phải giữ tươi lâu nhất. Đối với sản phẩm cần làm mát thì phải giữ trong điều kiện mát tốt nhất. Đặc biệt là không để xảy ra các tình trạng sốc nhiệt độ, giữ tình trạng sản phẩm trong điều kiện dinh dưỡng tốt nhất, không bị biến chuyển về cấu trúc, giúp sản phẩm chất lượng tươi ngon nhất.
Đối với mặt hàng đông lạnh, chuỗi cung ứng lạnh giúp bảo quản và ngăn chặn việc tiếp xúc của các vi khuẩn vào sản phẩm, giúp sản phẩm được bảo vệ, bảo quản an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Do mình chưa hiểu được điều này quan trọng như vậy nên người ta hay sử dụng các xe tải thông thường hoặc những điều kiện vận tải thông thường để vận chuyển hàng đông lạnh", ông Thi chia sẻ.
"Ngoài ra, một vấn đề khác là rào cản chi phí tài chính lớn khi đầu tư vào chuỗi lớn; chuỗi cung ứng lạnh cần xe, kho, các công cụ bảo quản, phương tiện theo dõi, kiểm soát nhiệt độ hay con người vận hành phải có đủ chuyên môn…
Điều này khiến cho chi phí đầu tư cho chuỗi cung ứng lạnh lớn hơn nhiều so với đầu tư các chuỗi cung ứng thông thường, không phải ai cũng sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi dài hạn cho thị trường này".
Triển vọng nào cho chuỗi cung ứng lạnh?
Theo số liệu nghiên cứu mới nhất từ FinnGroup, thị trường chuỗi cung ứng lạnh của Việt Nam đang có giá trị 170 triệu USD, trong đó 80% nhu cầu đến từ lĩnh vực thực phẩm.
Hệ thống kho lạnh trên toàn quốc có hơn 600.000 pallets cuối năm 2018, tăng 33% so với hai năm trước đó. Năng lực kho lạnh chủ yếu tại miền Nam với 88%; tại miền Bắc đang đối mặt với tình trạng dư cung tạm thời do nhu cầu sử dụng thấp, tuy nhiên được dự báo sẽ quay trở về mức cân bằng trong 2 - 3 năm tới. Hệ thống xe tải trong phân phối lạnh theo thống kê đạt hơn 700 chiếc…
Ngoài ra kênh bán lẻ hiện đại tăng trưởng với tốc độ hơn 40% trong năm vừa rồi, đạt hơn 4.200 cửa hàng trên toàn quốc; lớn nhất trong số này là hệ thống Vinmart+ thuộc Tập đoàn Vingroup.
Tốc độ tăng trưởng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam thuộc hàng cao nhất Châu Á (Dữ liệu: Deloitte)
Số lượng các TTTM, siêu thị và chợ truyền thống tại Việt Nam; các kênh hiện đại đang có xu hướng tăng nhông (Dữ liệu: Deloitte)
Nghiên cứu cho thấy các nhà bán lẻ có xu hướng thuê ngoài các dịch vụ hậu cần nhằm tối ưu hóa chi phí, điều này tạo triển vọng lớn cho chuỗi cung ứng lạnh.
ABA Cooltrans hiện sở hữu 262 xe tải chuyên dụng cho vận chuyển lạnh, đặt mục tiêu đạt 300 xe vào cuối năm nay; hệ thống kho lạnh sức chứa 45.000 pallets (15.000 tại Hà Nội và 30.000 tại TP HCM); công ty có năng lực vận chuyển hàng hóa hai chiều Nam - Bắc.
ABA đang áp dụng hệ thống Oracle (OTM) vào quản lý điều hành xe. Hệ thống giúp khách hàng theo dõi truy vết thông tin quá trình vận chuyển, biết được đường đi, nhiệt độ bảo quản của lô hàng từ đầu tới cuối.
Hà Nội và TP HCM hiện là hai thị trường chính của ABA Cooltrans, tuy nhiên mục tiêu của công ty là phát triển tại các thị trường tiềm năng khác trong tương lai như Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt, Hải Phòng và các tỉnh thành khác...
Theo nghiên cứu của FinnGroup, biên lợi nhuận ròng trung bình trong ngành cung ứng lạnh vào khoảng 11%, tức là doanh thu 100 đồng thì lãi ròng 11 đồng.
Trong đó, tỷ suất lợi nhuận không đều giữa các cấu phần; kho lạnh chỉ khoảng 6%, vận chuyển lạnh là 17%. Đối với các công ty làm được full chain như mô hình mà ABA Cooltrans hướng đến, tỷ suất lợi nhuận ròng có thể đạt đến 19%.
full chain: Tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng lạnh
Cung cấp dịch full chain trong cung ứng lạnh có thể đạt tỷ suất lợi nhuận ròng lên đến 19%. (BM tổng hợp - Dữ liệu: FinnGroup)
Tuy nhiên, dưới góc độ người làm chuỗi cung ứng chuyên nghiệp, cá nhân CEO của ABA Cooltrans cho rằng các chính sách khuyến khích chuỗi cung ứng lạnh phát triển tại Việt Nam thực tế còn xa vời và chưa đi vào thực tiễn; gần như phía doanh nghiệp chưa nhận được nhiều ưu đãi.
Ông Thi lấy ví dụ ở Châu Âu, những xe thực phẩm đông lạnh được ưu tiên vào thành phố so với xe hơi cá nhân; nhưng ở Việt Nam xe tải chở thực phẩm đông lạnh lại bị cấm trước.
"Chúng tôi hy vọng sắp tới có thể có những kiến nghị thích hợp trong lĩnh vực này", người sáng lập của ABA Cooltrans chia sẻ.
Ông Thi cũng nhấn mạnh vai trò của chuỗi cung ứng lạnh trong việc đối phó với những khủng hoảng ngành nông nghiệp, gần đây nhất là dịch tả heo Châu Phi (ASF) hay trước đó là vấn đề thừa cung các sản phẩm nông nghiệp.
Đối với việc cấp đông thịt heo để đảm bảo cho nguồn cung dài hạn, ông Thi cho biết tùy vào quy mô cấp đông chi phí có thể dao động từ 1.000 - 3.000 đồng/kg; còn chi phí lưu trữ thì không đáng kể.
Về chất lượng, thịt heo cấp đông sử dụng an toàn hơn nhiều so với thịt heo tươi vì khi cấp đông, gần như toàn bộ vi khuẩn và các yếu tố xâm hại thịt gần như bị tiêu diệt. Đồng thời, hạn chế việc tái xâm nhập lại của những vi khuẩn đó, góp phần giữ cho sản phẩm ở điều kiện an toàn nhất có thể.