|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Câu hỏi lớn từ vụ xây lụi các công trình hàng trăm tỉ

07:37 | 04/09/2019
Chia sẻ
Nhiều công trình hàng trăm tỉ không phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra tràn lan như thách thức chính quyền địa phương nơi đây.

Ngày 3-9, sau khi Pháp Luật TP.HCM đăng bài Đồng Nai: Nhiều công trình hàng trăm tỉ đồng xây lụi”, PV đã liên hệ với chính quyền địa phương để tìm câu trả lời vì sao đến nay Đồng Nai vẫn chưa xử lý dứt điểm các vụ việc này nhưng đều không nhận được câu trả lời nào từ phía chính quyền.

Hàng loạt câu hỏi lớn mà người dân đặt ra là trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương như xã, huyện, TP, tỉnh; trách nhiệm quản lý của trật tự xây dựng, trách nhiệm cá nhân ở đâu khi để xảy ra tình trạng xây dựng không phép kéo dài như vậy? 

Một cụm công nghiệp (CCN) xây không phép từ năm 2015 đến giữa năm 2018 mới phát hiện. Một khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp, một tòa nhà bốn tầng cũng chỉ bị phát hiện xây dựng không phép khi đã xây xong. Tuy nhiên, những câu hỏi này đến nay vẫn chưa có lời đáp.

Chính quyền ở đâu?

Trước việc để xảy ra tình trạng cả một khu công nghiệp xây lụi tại xã Phước Tân, TP Biên Hòa, trong buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai đầu năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Trưởng Đoàn giám sát, cũng đã đặt câu hỏi: “Việc CCN xây dựng trái phép với gần 50 nhà xưởng to đùng như vậy nhưng sao chính quyền không biết? Trách nhiệm của từng đơn vị quản lý địa phương, đơn vị cấp điện, cấp nước cho cả một CCN trái phép này hoạt động ở đâu…?”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh, sau khi phát hiện các công trình sai phạm, cơ quan chức năng đều buộc chủ đầu tư ngưng hoạt động. 

Tuy nhiên, qua xem xét nếu phù hợp quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch xây dựng thì cho họ thời gian 60 ngày để hoàn tất các thủ tục và được cấp phép xây dựng. 

Những trường hợp xây dựng trái phép không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng thì buộc phải tháo dỡ, nếu chủ đầu tư không tự tháo dỡ, địa phương sẽ cưỡng chế để trả về nguyên trạng ban đầu.

Theo tìm hiểu của PV, trên thực tế đối với các công trình xây dựng không phép quy mô lớn, chính quyền các cấp ở Đồng Nai mới dừng ở việc lập biên bản, xử phạt hành chính và cho dừng xây dựng. Còn áp dụng các biện pháp tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu hầu như chưa thực hiện được.

Câu hỏi lớn từ vụ xây lụi các công trình hàng trăm tỉ - Ảnh 1.

Công ty, nhà kho xây dựng trái phép trong cụm công nghiệp Phước Tân. Ảnh: VŨ HỘI

“Những lý giải của cơ quan chức năng địa phương là không hề hợp lý. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ có hay không việc bao che, làm ngơ cho những vi phạm này. Điều nghịch lý là khi bị phát hiện thì đại diện chính quyền lại cho rằng do lực lượng chức năng mỏng, các công trình này xây dựng vào ban đêm, ban ngày nghỉ nên khó giám sát, phát hiện” - ông Nguyễn Tấn Hưng, một người dân ở đây bức xúc.

“Để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng nhà ở trái phép nhiều là do chính quyền địa phương chưa quản lý chặt chẽ. Không lý nào người dân xây dựng cả một căn nhà mà chính quyền xã, phường, ấp, khu phố không biết. 

Những vấn đề nào đã làm sai thì phải sửa sai, đồng thời dứt khoát phải xử lý những vụ việc phức tạp xảy ra đã lâu mà chưa xử lý được và kiên quyết xử lý các tập thể, cá nhân liên quan” - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường đã nhấn mạnh trong một buổi họp giao ban mới đây.

Mới chỉ có một cá nhân bị xử lý?

Với những sai phạm buông lỏng trong quản lý xây dựng, mới đây UBND tỉnh Đồng Nai đã có công văn yêu cầu Thanh tra tỉnh Đồng Nai làm rõ sai phạm và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đến CCN phường Phước Tân, TP Biên Hòa. 

Đối tượng thanh tra gồm: Các doanh nghiệp hoạt động tại CCN Phước Tân, UBND TP Biên Hòa, UBND huyện Long Thành, UBND phường Phước Tân, các sở, ngành thuộc UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước có liên quan đến nội dung thanh tra và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kết luận gì về việc này.

Vào tháng 6-2018, TP Biên Hòa đã có quyết định cho ông Mai Tấn Tài thôi chức chủ tịch UBND xã Phước Tân. Ông Tài được điều về UBND TP Biên Hòa để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý đất đai, để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan trên địa bàn mình phụ trách.

Trước đó, với sai phạm xây dựng trái phép cả CCN Phước Tân, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ những dấu hiệu sai phạm liên quan. Việc này chưa xử lý xong thì trên địa bàn tỉnh Đồng Nai lại xuất hiện thêm hàng loạt công trình quy mô lớn ngang nhiên xây dựng không phép.

Thống kê của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai năm 2018, toàn tỉnh phát hiện 612 vụ vi phạm về xây dựng. Trong đó có 402 trường hợp không phép, buộc phá dỡ 209 công trình, tập trung nhiều ở TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Vĩnh Cửu, Trảng Bom.

Chủ tịch UBND TP Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho biết trong năm qua TP đã xử lý kỷ luật và luân chuyển hơn 20 cán bộ phường, xã vì để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép.

Vũ Hội

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.