|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam (Kỳ 2)

15:21 | 03/05/2017
Chia sẻ
Ở thời điểm nâng hạng trong tương lai, số lượng cổ phiếu Việt Nam thỏa mãn điều kiện của MSCI có thể còn cao hơn Pakistan. Điều này rất quan trọng để tăng tỷ trọng của Việt Nam, trực tiếp tác động đến dòng vốn.

Lời tòa soạn: Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc khối phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã có chuỗi bài viết chi tiết về câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tòa soạn NDH xin trích lại phần tiếp theo trong chuỗi bài này.

cau chuyen nang hang thi truong chung khoan viet nam ky 2

>> Câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam (Kỳ 1)

Một vấn đề rất được quan tâm đó là bao nhiêu tiền sẽ đổ vào Việt Nam khi được nâng hạng. Nếu đó là con số nhỏ, việc nâng hạng có lẽ không thực sự cấp bách. Nhưng nếu đó là con số lớn, thậm chí rất lớn, việc nâng hạng cần phải đặc biệt ưu tiên.

Trong kỳ 2 của Câu chuyện nâng hạng, chúng tôi tập trung phân tích và ước tính lượng vốn nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam khi được nâng hạng. Chúng tôi tiếp cận theo hai hướng. Hướng thứ nhất phân tích quy mô các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi và hướng thứ 2 phân tích tác động của nâng hạng lên dòng vốn nước ngoài trong một trường hợp điển hình là Pakistan.

cau chuyen nang hang thi truong chung khoan viet nam ky 2

Dòng vốn vào Việt Nam từ các quỹ đầu tư thị trường mới nổi (Emerging market funds)

Theo thống kê của EPFR Global, hiện tại có 491 quỹ đầu tư trên toàn cầu đang sử dung MSCI Emerging Markets Index làm chỉ số tham chiếu (benchmark) với tổng tài sản là 435 tỷ USD, trong đó ETF là 22 quỹ với 44 tỷ USD và quỹ tương hỗ (mutual fund) là 469 quỹ với 391 tỷ USD.

Giống như các ETF đầu tư vào Việt Nam như db x-trackers FTSE VIETNAM UCITS ETF hay VanEck Vectors Vietnam ETF, khi chỉ số tham chiếu của các quỹ thay đổi, các quỹ sẽ phải cơ cấu lại danh mục để sao cho giống với chỉ số đó nhất.

Nếu được MSCI nâng hạng lên emerging market, các cổ phiếu đủ điều kiện của Việt Nam đương nhiên sẽ được bổ sung vào trong chỉ số MSCI Emerging Markets Index và vì vậy các quỹ đang sử dụng chỉ số này làm tham chiếu sẽ tự động mua các cổ phiếu của Việt Nam. Tổng giá trị mua phụ thuộc vào tỷ trọng của Việt Nam trong chỉ số.

MSCI Emerging Markets Index hiện bao gồm hơn 800 cổ phiếu thuộc 24 nước (tính cả Pakistan). Nước có tỷ trọng lớn nhất là Trung Quốc, 26.92%, tiếp theo là Hàn Quốc, Đài Loan, 14.75% và 12.1%. Pakistan có tỷ trọng thấp đứng thứ 2 từ dưới lên là 0.17%.

Tỷ trọng của từng nước trong chỉ số không hoàn toàn phụ thuộc vào tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán nước đó mà phụ thuộc nhiều hơn vào những cổ phiếu lớn, đủ điều kiện để vào chỉ số. Đây cũng chính là các cổ phiếu để MSCI xem xét đánh giá nâng hạng thị trường với 3 tiêu chí: (i) Vốn hóa ≥ 1,269 tỷ USD; (ii) Vốn hóa tự do chuyển nhượng ≥ 635 triệu USD và (iii) ATVR (giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng) ≥ 15%.

Nếu so sánh với Pakistan, tổng vốn hóa thị trường và các cổ phiếu lớn của Việt Nam có phần nhỉnh hơn. Cụ thể tổng vốn hóa của TTCK Việt Nam là 101 tỷ USD, cao hơn của Pakistan là 94 tỷ USD. Cổ phiếu lớn nhất của Pakistan là Oil & Gas Development Company có vốn hóa 6,5 tỷ USD, thấp hơn nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn nhất Việt Nam là Vinamilk, 9,2 tỷ USD. Nếu so sánh với Peru, tổng vốn hóa thị trường của Việt Nam và Pakistan đều lớn hơn, tuy nhiên tỷ trọng của Peru lại lên tới 0,35%, cao gấp đôi Pakistan do Peru có một số công ty lớn với tỷ lệ tự do chuyển nhượng cao.

Ước tính một cách thận trọng, chúng tôi giả định Việt Nam có tỷ trọng 0,2% trong chỉ số MSCI Emerging Markets Index. Với tỷ trọng này, tổng lượng tiền mà các quỹ đang sử dụng MSCI Emerging Markets Index làm tham chiếu phải mua các cổ phiếu đủ điều kiện của Việt Nam là 871 triệu USD.

cau chuyen nang hang thi truong chung khoan viet nam ky 2

Có một số điểm cần lưu ý ở đây như sau:

1. MSCI Emerging Markets Index chỉ là một trong nhiều chỉ số liên quan đến Emerging Markets của MSCI. MSCI còn có các chỉ số khác như MSCI Emerging Markets IMI, MSCI Emerging Markets Large Cap, Mid Cap, Small Cap … Tương ứng với mỗi chỉ số lại có một số quỹ sử dụng làm tham chiếu. Ví dụ chỉ số MSCI Emerging Markets SmallCap đang có 24 quỹ làm tham chiếu trong đó có 3 ETF và 21 quỹ tương hỗ với tổng tài sản là 4,8 tỷ USD. Theo thống kê của MSCI, hiện có tới 1.6 nghìn tỷ USD tài sản đang sử dụng các bộ chỉ số liên quan đến Emerging Market của MSCI. Điều này có nghĩa lượng tiền thực tế từ các quỹ sử dụng chỉ số của MSCI sẽ lớn hơn nhiều con số 871 triệu USD.

2. Ngoài MSCI còn có 2 tổ chức cung cấp chỉ số khác là FTSE Russell và S&P Dow Jones. Hiện cũng có nhiều quỹ đang sử dụng chỉ số của 2 tổ chức này. Theo thống kê của EPFR Global, có 6 quỹ đang dùng FTSE Emerging Markets Index làm tham chiếu trong đó có 3 ETF và 3 quỹ tương hỗ, tổng giá trị tài sản đang quản lý là 5.1 tỷ USD. Tương tự MSCI, FTSE Russel có nhiều chỉ số liên quan đến Emerging Market, trong đó chỉ riêng 1 chỉ số là FTSE Emerging Markets All Cap China A Inclusion Index đã có 1 quỹ của Vanguard với quy mô tới 51 tỷ USD làm tham chiếu. Điều này có nghĩa lượng tiền từ các quỹ sử dụng chỉ số của FTSE Russell và S&P Dow Jones đổ vào Việt Nam cũng rất lớn.

3. Ngoài nhân tố khách quan là quy mô tài sản của các quỹ, còn một nhân tố chủ quan ảnh hưởng đến lượng tiền đổ vào Việt Nam đó là vốn hóa và đặc biệt là tỷ lệ tự do chuyển nhượng trong các công ty vốn hóa lớn, yếu tố quyết định tỷ trọng của cổ phiếu trong chỉ số. Ví dụ tại Peru, Southern Copper Corp có vốn hóa 8,4 tỷ USD nhưng chỉ chiếm tỷ trọng ~0,1% trong khi Credicorp có vốn hóa 3,7 tỷ USD lại có tỷ trọng ~0,2% do tỷ lệ tự do chuyển nhượng của Credicorp là 65% trong khi Southern Copper Corp là 11%. Điều này có nghĩa Việt Nam có thể nâng được tỷ trọng, tăng dòng tiền vào Việt Nam nếu có chiến lược sớm về thoái vốn, tăng tỷ lệ tự do chuyển nhượng bên cạnh việc thúc đẩy các công ty lớn lên sàn.

4. Dòng tiền đổ vào Việt Nam khi được nâng hạng đương nhiên sẽ không chỉ đến từ những quỹ đầu tư theo chỉ số. Sẽ có nhiều quỹ, nhiều nhà đầu tư khác quan tâm đến Việt Nam khi Việt Nam được nâng hạng do khi đó độ mở, khả năng đầu tư và tính công khai minh bạch của Việt Nam đã lên một tầm cao mới. Đây mới là yếu tố hấp dẫn mang tính dài hạn của TTCK Việt Nam.

Thống kê số lượng và giá trị tài sản các quỹ đang dùng các chỉ số làm tham chiếu

cau chuyen nang hang thi truong chung khoan viet nam ky 2

Quy mô thị trường chứng khoán và tỷ trọng trong MSCI EM Index của một số thị trường

cau chuyen nang hang thi truong chung khoan viet nam ky 2

Những cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của Việt Nam, Pakistan và Peru

cau chuyen nang hang thi truong chung khoan viet nam ky 2

Tóm lại, con số 871 triệu USD từ các quỹ chuyên dùng MSCI EM Index làm tham chiếu chỉ là một phần nhỏ của dòng vốn nước ngoài sẽ đổ vào Việt Nam khi được nâng hạng. Một số tiền lớn đổ vào trong một thời gian ngắn, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất, có tác động nhiều nhất đến chỉ số chắc chắn sẽ là động lực mạnh cho tăng trưởng của TTCK.

Tác động cụ thể của nâng hạng lên dòng vốn tại Pakistan

Pakistan được MSCI nâng hạng lên EM trong kỳ xét duyệt tháng 6/2016. Trước đó Pakistan đã từng bị loại khỏi EM khi khủng hoảng tài chính 2008 đã khiến thị trường chứng khoán nước này ngừng giao dịch trong hơn 3 tháng. 1 năm sau khi được nâng hạng, các chỉ số của MSCI mới bổ sung các cổ phiếu của Pakistan. Điều này có nghĩa trong kỳ tái cơ cấu danh mục tháng 5/2017, hoạt động đảo danh mục mới chính thức diễn ra. Tuy nhiên ngay từ tháng 6/2016 khi Pakistan được công bố nâng hạng, dòng vốn vào nước này đã có sự cải thiện rõ rệt.

cau chuyen nang hang thi truong chung khoan viet nam ky 2

Theo thống kê của EPFR Global, kể từ cuối tháng 6, dòng vốn vào Pakistan đã tăng mạnh và gần như liên tục. Trong khi các quỹ đầu tư tại EM Châu Á nói chung đối mặt với áp lực rút vốn do FED tăng lãi suất và bất ổn kinh tế, chính trị khu vực gia tăng, dòng vốn vào Pakistan vẫn duy trì ổn định và có tăng trưởng. Rõ nhất là vào đầu năm 2017, dòng vốn vào Pakistan tăng gần gấp đôi so với quãng thời gian tháng 6 - 7/2016. Khi chính thức được vào chỉ số, dòng vốn vào Pakistan sẽ còn tiếp tục gia tăng. Với tỷ trọng 0,17% trong MSCI EM Index, Pakistan sẽ nhận được ít nhất 740 triệu USD phân bổ tài sản từ các quỹ sử dụng MSCI EM Index làm tham chiếu. Số tiền này nhiều khả năng sẽ được giải ngân trong vòng 4 tháng từ tháng 5 đến tháng 8/2017.

Còn một thời gian dài để Việt Nam chuẩn bị cho việc nâng hạng, trong thời gian này số lượng công ty lớn lên niêm yết sẽ còn tăng. So với Pakistan, hiện tại Việt Nam đã vượt về quy mô cũng như số lượng công ty niêm yết. Ở thời điểm nâng hạng trong tương lai, số lượng cổ phiếu Việt Nam thỏa mãn điều kiện của MSCI có thể còn cao hơn Pakistan. Điều này rất quan trọng để tăng tỷ trọng của Việt Nam, trực tiếp tác động đến dòng vốn.

Philippines, nước có tỷ trọng thấp nhất trong các nước ASEAN nằm trong nhóm EM cũng đạt được tỷ trong 1,2%, tương đương 5,2 tỷ USD (nhóm các quỹ dùng MSCI EM Index làm tham chiếu). Đây là một con số tham khảo cũng là một mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được nếu Việt Nam có chiến lược nâng hạng đúng.

Trong báo cáo kỳ 1, chúng tôi nêu ra tầm quan trọng của các tiêu chí định tính. Trong báo cáo kỳ 2, chúng tôi quay lại các tiêu chí định lượng bởi nếu có ít công ty được vào chỉ số, hoặc vào chỉ số nhưng với tỷ trọng thấp so với tiềm năng, tác dụng của việc nâng hạng sẽ giảm đi nhiều. Tăng trưởng về quy mô công ty niêm yết bằng cả cơ hữu lẫn M&A đi kèm với thoái vốn, nâng tỷ lệ tự do chuyển nhượng là bước đi cần thiết và cần có lộ trình sớm để có thể tối đa hóa dòng vốn khi Việt Nam được nâng hạng.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, giám đốc khối phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.