|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC): Phát hành 10 triệu cp cho 1 NĐT chiến lược, chuyển sàn sang HOSE

19:17 | 25/11/2016
Chia sẻ
Nếu phát hành thành công, quy mô vốn của VKC sẽ là 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó VKC cũng có kế hoạch thay đổi niêm yết trong năm 2017.

Chiều nay (25/11), Công ty Cổ phần Cáp Nhựa Vĩnh Khánh (Mã: VKC) tổ chức buổi gặp gỡ với nhà đầu tư. Đây là sự kiện được VKC tổ chức ngay trước thềm Đại hội đồng Cổ đông bất thường vào ngày mai (26/11).

Ông Lương Minh Tuấn - Phó Tổng giám đốc VKC cho biết, dự kiến VKC sẽ phát hành bổ sung 10 triệu cổ phần cho một nhà đầu tư chiến lược để tăng quy mô vốn lên 300 tỷ đồng trong năm 2017.

Giá phát hành sẽ không thấp hơn giá trị EPS nhân với P/E, khoảng 22.000 đồng, ông Tuấn nói.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng thông báo với các nhà đầu tư về kế hoạch đấu thầu 2 gói cung cấp dịch vụ cáp của VNPT với tổng giá trị lên đến 1.600 tỷ ở Hà Nội và Tp.HCM trong năm tới. Dự kiến hai gói thầu này sẽ mở cửa đăng kí vào ngày 30/1/2017.

Trước câu hỏi về kế hoạch của công ty trong trường hợp đấu thầu thành công, ông Tuấn cho biết, VKC sẽ căn cứ vào tình hình thị trường để đưa ra quyết định phù hợp. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nhấn mạnh khả năng VKC sẽ liên doanh với một doanh nghiệp sản xuất khác để đảm bảo vốn và sản phẩm cung ứng ra thị trường, bên cạnh đó giúp nâng giá bán sản phẩm cáp sợi.

Trả lời nhà đầu tư về biến động của cổ đông lớn - ông Lin Yu Hsing thoái vốn khỏi VKC, ông Tuấn cho biết sở dĩ việc này xảy ra là do vị cổ đông này không nhất trí với phương án chi trả cổ tức của công ty.

Theo ông Tuấn, thời gian qua, VKC luôn duy trì thực hiện chi trả cổ tức tối thiếu 10% -15%/năm, tức là cao hơn lãi suất ngân hàng từ 5% - 7%.

"Các lãnh đạo người Đài Loan muốn phát triển theo hướng hạ lợi nhuận bằng 0 nhằm tránh đóng thuế và thực hiện chuyển giá. Do đó, VKC không thể chấp nhận lời đề nghị đó được, dẫn đến việc ông Lin Yu Sing bán khối lượng lớn, tới 2,5 triệu cổ phần" - ông Tuấn nói.

Liên quan đến vấn đề tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài sụt giảm từ 45% xuống còn 16%, ông Tuấn cho biết điều này chủ yếu đến từ việc Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty Lâm Quy Chương vừa nhập quốc tịch Việt Nam.

Ngoài ra, VKC có một số ngành nằm trong ngành hạn chế room ngoại (ngành kéo thép) do đó, phải duy trì tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn 49%.

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, hiện ông Chương đang sở hữu khoảng 4,8 triệu cổ phiếu, tương ứng với tỷ lệ 24%. Đồng thời, ĐHĐCĐ sắp tới gần như chắc chắn thông qua việc cho phép ông Chương mua thêm cổ phiếu để tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 25% mà không cần chào mua công khai.

Theo chia sẻ của ông Tuấn, trong năm tới, VKC dự định sẽ thay đổi niêm yết, chuyển từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE).

Nam Đức