Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 28/5: Mỹ vượt mốc 100.000 ca tử vong, Việt Nam còn 49 ca đang điều trị
Xem thêm: Cập nhật tình hình dịch virus corona ngày 29/5
Tính đến 7h sáng nay (28/5), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 5,7 triệu người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Trong đó, có 356.825 người đã tử vong và gần 2,5 triệu người đã hồi phục (theo trang thống kê toàn cầu Worldometer.
Đại dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi bùng phát tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) vào tháng 12/2019.
Việt Nam: Còn 49 ca đang điều trị
Theo cập nhật từ Bộ Y tế, đến sáng nay (28/5), Việt Nam không ghi nhận thêm ca nhiễm mới, tổng số ca dương tính với COVID-19 là 327. Trong đó, có tổng cộng 187 ca nhiễm nhập cảnh được cách li ngay.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách li) là 8.869, trong đó cách li tập trung tại bệnh viện là 49; cách li tập trung tại cơ sở khác là 7.008; cách li tại nhà, nơi lưu trú là 1.812.
Tính đến sáng nay, đã có 278 ca được điều trị khỏi bệnh. Hiện còn 49 ca đang được điều trị tại các cơ sở y tế. Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 6 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 và 17 bệnh nhân có kết quả âm tính 2 lần trở lên.
Như vậy, Việt Nam đã bước sang ngày thứ 42 không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trên thế giới: Nga đã qua đỉnh dịch
Ghi nhận đến sáng nay, Mỹ tiếp tục là ổ dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với tổng cộng 1,74 triệu ca nhiễm và 102.094 ca tử vong, tăng lần lượt 20.390 và 1.522 ca so với một ngày trước đó.
Toàn bộ 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở những mức độ khác nhau.Tổng thống Donal Trump cho phép tụ tập tối đa 10 người, miễn là duy trì qui tắc cách biệt cộng đồng.
Thị trưởng khu vực thủ đô Washington của Mỹ ngày 27/5 thông báo sẽ bắt đầu gỡ bỏ các giới hạn được áp đặt nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Dự kiến giai đoạn 1 của việc mở cửa trở lại sẽ bắt đầu từ ngày 29/5 và kéo dài đến hết ngày 24/7.
Trong giai đoạn 1 của quá trình mở cửa trở lại, người dân thủ đô không bị giới hạn ở trong nhà nhưng vẫn phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m đồng thời được khuyến cáo tiếp tục sử dụng khẩu trang khi ra ngoài. Các cơ sở kinh doanh bán lẻ không thiết yếu được phép hoạt động với các dịch vụ giao nhận hàng, không cho phép phục vụ khách hàng bên trong cửa hàng.
Trong khi đó, bang California đông dân nhất của Mỹ đã tiến thêm một bước trong lộ trình dỡ bỏ phong tỏa do dịch COVID-19, theo đó từ ngày 26/5 cho phép các hiệu làm tóc ở hầu hết các hạt mở cửa trở lại sau hai tháng.
Brazil hiện đang là ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới với tổng cộng 411.821 ca nhiễm và 25.598 ca tử vong. Thành phố Manaus, thủ phủ bang Amazon, là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 ở Brazil, theo AP.
Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington, Mỹ, cảnh báo tổng số ca tử vong tại Brazil có thể tăng gấp 5 lần, lên mức 125.000 người vào đầu tháng 8.
Các chuyên gia cũng dự kiến GDP của Brazil sẽ giảm 6 đến 10% trong năm nay và tỉ lệ thất nghiệp tăng lên hơn 18%.
Nga đang là ổ dịch lớn thứ 3 thế giới. Trong vòng 24h qua, quốc gia này ghi nhận thêm 8.338 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 370.680 ca, trong đó có 3.968 ca tử vong (tăng 161 ca).
Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế Maksim Reshetnikov hôm 27/5 cho biết, tổng chi phí cho các biện pháp chống khủng hoảng để hỗ trợ nền kinh tế Nga nhằm chống lại hậu quả của đại dịch Covid-19 là 3.300 tỉ rúp.
Trong khi đó,Tông thống Nga Vladimir Putin cho rằng tình hình dịch COVID-19 tại nước này đang dần ổn định và thủ đô Matxcơva đã tránh được kịch bản tồi tệ nhất. Trong cuộc họp trước đó, ông Putin cũng tuyên bố, nước này đã qua đỉnh dịch.
Tây Ban Nha đang là ổ dịch lớn thứ 4 trên thế giới, ghi nhận đến sáng nay có tổng cộng 283.849 ca nhiễm và 27.118 ca tử vong, tăng lần lượt 510 và 1 ca trong vòng 24h qua.
Ngày 27/5, khắp các tòa nhà ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha đã treo cờ rủ khi chính phủ tuyên bố 10 ngày quốc tang chính thức để tưởng niệm gần 30.000 người thiệt mạng do đại dịch COVID-19. Trong 10 ngày quốc tang, dài nhất trong lịch sử Tây Ban Nha, cờ sẽ được treo rủ tại các tòa nhà công và trên các tàu của Hải quân.
Anh đang là ổ dịch lớn thứ 5 trên thế giới với tổng cộng 267.240 ca nhiễm và 37.460 ca tử vong, tăng lần lượt 2.013 và 412 ca so với một ngày trước đó.
Chiến dịch "xét nghiệm và truy vết" tại Anh sẽ bắt đầu từ hôm nay (28/5). Theo đó, cho phép bất cứ ai có triệu chứng được xét nghiệm, những người đã tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19 sẽ được truy vết và yêu cầu cách li trong 14 ngày, ngay cả khi họ không có triệu chứng.
Italy, ổ dịch COVID-19 lớn thứ 6 thế giới hôm qua ghi nhận thêm 191 ca nhiễm và 66 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 231.139 và 33.072 ca.
Bộ trưởng Roberto Speranza cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát lần hai tại nước này, song khẳng định Italy đã chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với đợt bùng phát mới.
Liên quan đến việc khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 gây ra, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 27/5 công bố đề xuất quĩ phục hồi kinh tế trị giá 750 tỉ euro cho các nước thành viên EU.
Theo đề xuất, Italy sẽ được viện trợ trực tiếp 81,8 tỉ euro trong 3 năm tới, trong khi Tây Ban Nha sẽ nhận được 77,3 tỉ euro. Tuy nhiên, để được thông qua, đề xuất này cần phải giành được sự ủng hộ của các nước thành viên. Hiện vẫn còn 1 số quốc gia trong châu Âu đã phản đối đề xuất này.