|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cấp hạn ngạch đánh bắt thủy sản: Muốn thực hiện phải hỗ trợ ngư dân

22:28 | 26/03/2017
Chia sẻ
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội bàn về Luật Thủy sản (sửa đổi), Thượng tướng Phạm Ngọc Minh (ảnh) – Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam có đề xuất rất đáng chú ý là “cấp hạn ngạch để đánh bắt thủy sản, không thể để đánh bắt bừa, tận diệt”. Để làm rõ hơn đề xuất này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tướng Phạm Ngọc Minh.

Thưa Thượng tướng, đề xuất cấp hạn ngạch đánh bắt thủy sản của ông có phải dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia?

- Tôi đi thăm một số quốc gia, thấy ở các nước lớn họ có cấp hạn ngạch đánh bắt hải sản. Dựa trên tổng hạn ngạch chung của cả nước, họ quy định hạn ngạch cho từng loại thủy sản được đánh bắt là bao nhiêu, đánh bắt vào mùa nào...

Đề xuất của tôi phát biểu ở phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi góp ý về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi) là mang tính định hướng, còn để thực hiện được cần một quá trình lâu dài, như còn phải quy hoạch, hoạch định được nguồn hải sản vùng biển là bao nhiêu, một năm khai thác bao nhiêu, để lại bao nhiêu. Dù đề xuất đó chưa thể thực hiện được ngay, nhưng tôi nghĩ cần phải nghiên cứu.

Thành quả sau một chuyến biển của ngư dân huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. ảnh: L.H.T

Ông có nghĩ để thực hiện được đề xuất đó sẽ gặp nhiều khó khăn?

- Đúng là khó, vì hoạt động đánh bắt thủy sản nước ở nước ta còn theo truyền thống, tập quán. Tuy nhiên, như tôi đã nói, chúng ta cần phải nghiên cứu để có lộ trình, từ đó mới quy hoạch được ngành nghề đánh bắt thủy sản.

Như ông nói thì hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, nên nếu đặt vấn đề cấp hạn ngạch đánh bắt, cuộc sống của họ sẽ gặp khó khăn?

- Chắc chắn là có ảnh hưởng. Chính vì thế, muốn triển khai việc này cần phải có những cơ chế chính sách khác đi kèm, như chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, chuyển đổi các phương tiện đánh bắt thủy sản. Để làm đươc việc này, ngoài quy hoạch, hoạch định cần có thêm những cơ chế chính sách đi kèm và phải được thực hiện một cách đồng bộ.

Về đề xuất của mình, ý của tôi là cần nghiên cứu các mùa cá sinh sản, những khu vực cá vào sinh sản, những khu ven bờ, các đảo gần bờ, từ đó có hạn ngạch để đánh bắt cho phù hợp. Nhiều nước đã có quy định mùa cá sinh sản, những khu vực cá sinh sản, khu vực bảo tồn họ đều cấm đánh bắt ở đó.

Theo ông ngoài việc cấp hạn ngạch để đánh bắt cần có thêm những biện pháp gì để giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản?
- Thứ nhất phải có những luật như Luật Thủy sản (sửa đổi) đang được cho ý kiến, khi luật ban hành các quy định phải được thực hiện nghiêm, chế tài đủ mạnh. Thứ hai là lực lượng kiểm ngư, rồi lực lượng thực thi pháp luật trên biển phải đủ mạnh. Thứ ba phải tuyên truyền sâu rộng nâng cao ý thức cho người dân.

Theo ông, nguyên nhân nguồn thủy sản của chúng ta suy giảm nghiêm trọng có phải có cách đánh bắt kiểu tận diệt, cũng như đánh bắt không theo quy hoạch?

- Tôi có nói trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trước đây nhiều năm, chúng tôi đi biển thấy hải sản rất nhiều. Ví dụ đi các vùng đảo ven bờ như đảo Bạch Long Vỹ, Phú Quốc… anh em ở trên tàu chỉ cần sử dụng cách đánh bắt thô sơ như thả câu cũng đã được nhiều cá. Còn hiện nay đánh bắt theo kiểu đó hiếm hoi lắm mới được một con cá.

Điều đó cho thấy số lượng thủy sản trên biển nước ta đã suy giảm rất nhiều. Vì vậy cần phải có những biện pháp để duy trì các đàn cá nhất là ở các khu vực ven biển, các đảo gần bờ, khu vực lộng. Còn ngoài khơi, cá đi theo các đàn di trú, hôm nay ở chỗ này mai ở chỗ khác, việc đánh bắt không vấn đề gì.

Tình trạng suy giảm hải sản có nhiều nguyên nhân, do biến đổi khí hậu, do tác động của môi trường, cũng có lý do chúng ta đánh bắt bằng chất nổ, đánh bắt bằng xung điện, đèn công suất cao, lưới mắt nhỏ, đánh bắt vào mùa cá sinh sản... Việc khai thác của chúng ta theo hướng là đánh bắt là chính, chứ chưa có giải pháp để duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Chính vì thế khi nguồn lợi thủy sản trên biển nước ta bị suy giảm, ngư dân của chúng ta khi đi đánh bắt đã xâm phạm vùng biển của một số nước trong khu vực.

Việc ngư dân xâm phạm vào vùng biển nước khác bị bắt thì chính những ngư dân đó bị thiệt hại về kinh tế (chẳng hạn họ phá tàu hay phạt tiền - PV).

Xin cảm ơn Thượng tướng!

Lương Kết

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.