|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể

20:20 | 13/03/2022
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng việc xây dựng các dự án giao thông cần có tầm nhìn chiến lược, tránh chưa làm đường đã đếm xe, chưa làm sân bay đã đếm khách.

Trong chuyến làm việc với tỉnh Khánh Hòa vào ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi khảo sát, nghe báo cáo về các phương án hướng tuyến dự án cao tốc Buôn Ma Thuột - Vân Phong.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ và chất lượng hồ sơ trình cấp có thẩm quyền về dự án này; cân đối bố trí, huy động các nguồn vốn cho dự án.

Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới.

Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa chiến lược của dự án với phát triển khu vực Tây Nguyên và phát huy tiềm năng, lợi thế, cơ hội của Vân Phong, cùng các các tuyến cao tốc, các dự án giao thông trọng điểm khác trong khu vực.

Việc xây dựng các dự án giao thông cần có tầm nhìn chiến lược, tránh "chưa làm đường đã đếm xe, chưa làm sân bay đã đếm khách". Thực tiễn nhiều dự án sau khi hoàn thành có lưu lượng xe và khách vượt xa dự tính ban đầu, bởi các dự án mở ra không gian phát triển mới, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế - xã hội khu vực có dự án và nhu cầu giao thông vận tải.

Trước đó, ngày 1/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các địa phương về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với 5 dự án giao thông trọng điểm quốc gia. Trong đó, có dự án Buôn Ma Thuột - Vân Phong.

Tuyến cao tốc này có quy mô là 4 làn xe, dài khoảng 117,5 km (qua Khánh Hòa khoảng 32,7 km, qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8 km).

Dự án đầu tư theo quy mô phân kỳ là khoảng 21.935 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị 15.677 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 2.300 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 1.097 tỷ đồng; chi phí dự phòng 2.861 tỷ đồng.

Để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành dự án, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

Dự kiến thời gian thi công kéo dài khoảng ba năm. Cụ thể, chuẩn bị dự án trong giai đoạn 2021 - 2023; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2024; khởi công năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.

Bộ Giao thông vận tải dự kiến chia dự án thành ba dự án thành phần. Trong đó, thành phần 1 (Km0 000 - Km32 000) với chiều dài khoảng 32 km cơ bản trên địa phận tỉnh Khánh Hòa, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.632 tỷ đồng sẽ do UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 2 (Km32 000 - Km69 500) dài khoảng 37,5 km trên địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9.818 tỷ đồng do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3 (Km69 500 - Km117 866) với chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng do UBND tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Huy Hoàng