|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cao su Phước Hoà (PHR) đặt mục tiêu trả cổ tức bằng tiền, ít nhất 4.000 đồng/cp

08:26 | 19/03/2021
Chia sẻ
Năm 2021, Cao su Phước Hoà (PHR) đặt kế hoạch giảm lãi và giảm mục tiêu doanh thu so với thực hiện 2020.

CTCP Cao su Phước Hòa (mã: PHR) công bố báo cáo thường niên năm 2020, trong đó đặt mục tiêu kinh doanh năm 2021 đi lùi. 

Cụ thể, năm 2021, PHR đặt kế hoạch tổng doanh thu thuần đạt 1.921 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 751 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 35% so với thực hiện năm trước. Sản lượng cao su khai thác năm 2021 dự kiến đạt 20.900 tấn, giá bán kỳ vọng 34 triệu đồng/tấn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đặt kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng tiền với tỷ lệ không thấp hơn 40%, tức thấp nhất mỗi cổ đông sở hữu cổ phiếu sẽ nhận về 4.000 đồng/cp.

Như vậy với hơn 135 triệu cổ phiêu đang lưu hành, ước tính số tiền tối thiểu Cao su Phước Hoà dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông là 540 tỷ đồng.

Nhận định về tình hình kinh doanh năm 2021, lãnh đạo PHR dự báo sản lượng tiêu thụ cao su tự nhiên trên thế giới sẽ phục hồi trở lại, đạt 13,43 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2020. 

Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 và việc Mỹ gây sức ép đến các hợp đồng dầu trong tương lai, kéo theo dự báo triển vọng nhu cầu nhiên liệu vẫn u ám trong năm 2021, ảnh hưởng lớn tới giá mủ cao su.

Theo giới chuyên môn, tình hình xuất khẩu năm 2021 cũng còn nhiều thách thức bởi thiếu hụt lượng container để vận chuyển. Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chậm lại bởi nước này đã mua mạnh trong những quý cuối cùng của năm 2020.

Về triển vọng trong nước, PHR nhận định đây tiếp tục là một năm khó khăn đối với các hoạt động khai thác mủ cao su. Khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt.

Ngoài ra, khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Từ năm 2021 trở đi, các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản.

Nói thêm về vấn đề này, theo báo cáo CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đầu tháng 2/2021, Khu công nghiệp (KCN) VSIP III đã nhận được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chuyển đổi đất của chính phủ và tỉnh Bình Dương.

Với diễn biến mới này, VCSC ước tính Cao su Phước Hoà sẽ nhận được khoản đền bù 898 tỷ đồng thu nhập bồi thường từ việc chuyển đổi đất sang KCN VSIP III vào năm 2021, chiếm khoảng 63% dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2021 của PHR.

Ngoài ra, VCSC cho biết Cao su Phước Hòa sẽ ghi nhận 20% thu nhập được chia từ doanh số bán đất tại KCN VSIP III và 20% lợi nhuận được chia từ cổ phần trong dự án KCN này.

Trước đó, PHR đã ký hợp đồng với Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) để thực hiện bồi thường và hỗ trợ thiệt hại khi Phước Hòa bàn giao 691 ha cho VSIP thực hiện dự án KCN VSIP III vào năm 2019.

Đến nay, các dự án KCN tự phát triển khác của Cao su Phước Hòa, bao gồm KCN Tân Bình Mở rộng với tổng diện tích 1.055 ha và KCN Hội Nghĩa với tổng diện tích là 715 ha dự kiến sẽ được đưa vào quy hoạch tổng thể của tỉnh Bình Dương cho giai đoạn 2021 - 2025 có thể được phê duyệt vào năm 2021.

Theo VCSC, dự án KCN tiếp theo của Cao su Phước Hòa là KCN Tân Lập I với tổng diện tích 200 ha đã được đưa vào quy hoạch tổng thể của tỉnh và đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ để xin Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư dự án.

Thiên Trường

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.