|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi kỷ lục năm 2021

07:29 | 19/03/2021
Chia sẻ
Sau năm COVID-19 thứ nhất ghi nhận nhiều doanh nghiệp báo lãi kỷ lục bất chấp nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sang tới năm 2021, hàng loạt các doanh nghiệp tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục được hỗ trợ bởi thông tin vắc xin COVID-19 đi kèm với nền kinh tế dự báo hồi phục so với năm trước.
Những doanh nghiệp dự kiến đạt đỉnh lợi nhuận năm 2021 - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

Nối tiếp tình hình kinh doanh hồi phục trong quý cuối cùng của năm 2020, bên cạnh những thông tin tích cực về vắc xin COVID-19, nhiều doanh nghiệp niêm yết đã tin tưởng đặt kế hoạch năm 2021 với mục tiêu tăng trưởng. Trong đó, nhiều công ty kỳ vọng năm 2021 sẽ là một năm đầy triển vọng, dự kiến lợi nhuận sẽ phá vỡ kỷ lục.

Những doanh nghiệp dự kiến lãi kỷ lục năm 2021 - Ảnh 2.

Các doanh nghiệp dự kiến đạt lợi nhuận cao kỷ lục năm 2021. (Nguồn: M.H tổng hợp).

Doanh nghiệp đầu tiên phải kể đến ông lớn trong ngành cao su Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR).

Sau khi ghi nhận mức lợi nhuận đột biến năm 2020 nhờ thu về hơn 3.000 tỷ đồng từ thoái vốn các công ty con, GVR dự kiến năm 2021 sẽ tiếp tục phá kỷ lục.

Trong đó, mục tiêu doanh thu và thu nhập khác khoảng 27.100 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất 5.700 tỷ đồng.

Theo ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng Giám đốc GVR, năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn với tập đoàn. Tuy nhiên, năm 2021 cũng là năm khởi đầu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 nên công ty vẫn đặt mục tiêu xây dựng kế hoạch tăng trưởng cao hơn năm trước.

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021, lãnh đạo GVR còn đưa ra kỳ vọng giá cổ phiếu có thể lên 50.000 đồng/cp". Hiện giá GVR đang xoay quanh vùng 28.000 - 30.000 đồng/cp.

Ở lĩnh vực công nghệ, CTCP FPT (Mã: FPT), công ty đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt mốc 6.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Nếu đạt được, đây sẽ là kết quả cao chưa từng có của công ty.

Ngoài ra, FPT còn cho biết sẽ chi mạnh tay cho khối viễn thông đến 2.013 tỷ đồng, chiếm 58% chi phí đầu tư của doanh nghiệp trong năm 2021.

Trong mảng thực phẩm - hàng tiêu dùng nhanh, hai cái tên nổi bật dự kiến sẽ ghi tên vào danh sách doanh nghiệp có lợi nhuận cao kỷ lục là CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mã: MCM)CTCP Masan Consumer (Mã: MCH).

Với Mộc Châu Milk, sau khi về tay CTCP Sữa Vinamilk (Mã: VNM) và có được kết quả kinh doanh ấn tượng năm 2020, công ty kỳ vọng sẽ lập kỷ lục mới với kế hoạch doanh thu thuần 3.066 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến 318,5 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngay đầu tháng 2/2021, vốn điều lệ của Mộc Châu Milk đã tăng lên 1.100 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm 43,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư chiến lược và cán bộ công nhân viên.

Qua đó, nhóm cổ đông liên quan đến Vinamilk là VilicoGTNfoods và Vinamilk nắm tổng cộng 68% sẽ là hậu thuẫn vững chắc cho Mộc Châu Milk trong năm 2021.

Với CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã: MCH), công ty đã vượt COVID-19 tăng trưởng ấn tượng năm 2020. Sang năm 2021, MCH tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận đạt đỉnh lịch sử và duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt 45%.

Theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông, Masan Consumer đưa ra mục tiêu doanh thu thuần từ 27.000 đến 30.500 tỷ đồng, tăng trưởng từ 16 - 31% so với thực hiện năm 2020.

Kế hoạch lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty khoảng 5.000 đến 5.500 tỷ đồng, tăng 11 - 22% so với năm trước.

Những doanh nghiệp dự kiến đạt đỉnh lợi nhuận năm 2021 - Ảnh 3.

Các sản phẩm của Masan Consumer được bày bán tại siêu thị Co.opmart TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

Năm bùng nổ dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành y tế được hưởng lợi. Tiếp nối năm 2020, hai trong số các doanh nghiệp dược là CTCP Dược Hậu Giang (Mã: DHG)  CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) cũng lên kế hoạch lợi nhuận năm nay sẽ đạt mức cao nhất kể từ khi thành lập.

Trong đó, Imexpharm dự kiến tổng doanh thu và thu nhập đạt 1.530 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 290 tỷ đồng. Còn theo kế hoạch của Dược Hậu Giang, doanh thu kỳ vọng 3.970 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 821 tỷ đồng.

Một ông lớn khác trong ngành dược là CTCP Traphaco (Mã: TRA) cũng tham vọng doanh thu sẽ đạt mức kỷ lục 2.100 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 240 tỷ đồng, tăng 11% so với kết quả năm 2020.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong ngành hóa chất, dệt may cũng thiết lập mục tiêu tăng trưởng vượt trội trong năm nay.

Đơn cử như CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) với mục tiêu lợi nhuận cán mốc 1.100 tỷ đồng, doanh thu hi vọng sẽ đạt mức kỷ lục 7.552 tỷ đồng. 

Theo CTCP Chứng khoán BSC, Hoá chất Đức Giang trong năm 2021 sẽ có triển vọng kinh doanh tích cực do nhu cầu về phốt pho vàng tăng cao được thúc đẩy bởi nhu cầu sản xuất các thiết bị 5G.

Hay với trường hợp của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM), công ty cũng đặt mục tiêu cao nhất trong các kết quả thực hiện của doanh nghiệp trong bối cảnh hưởng lợi từ Hiệp định CPTPP và EVFTA.

Cụ thể, doanh thu thuần mục tiêu đạt 4.218 tỷ đồng, lợi nhuận ròng dự kiến 290 tỷ đồng, lần lượt tăng 122% và 105% so với kết quả năm 2020.

Minh Hằng