Cảnh báo lốp cao su của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra áp thuế tại EU
Ngày 22/10/2018, Ủy ban Châu Âu (EC) đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng lốp xe khách và xe tải có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo đó, biện pháp chống bán phá giá có hiệu lực trong vòng 5 năm (từ ngày 22/10/2018 đến ngày 21/10/2022) được áp dụng với các mặt hàng lốp bơm hơi bằng cao su, loại mới, dùng cho xe khách và xe tải có chỉ số tải trọng lớn hơn 121 (mã HS 4011.20.90) và lốp bơm hơi bằng cao su, loại đắp lại, dùng cho xe khách và xe tải (mã HS 4012.12.00).
Mức thuế chống bán phá giá cuối cùng áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc dao động trong khoảng 40-65EUR/sản phẩm.
Trước khi ra quyết định chính thức áp thuế chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm lốp xe khách và xe tải có xuất xứ từ Trung Quốc, EC đã áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm này nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 5/2018.
Đáng chú ý, sau khi EC áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời đối với các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, khối lượng xuất khẩu lốp cao su cho xe khách và xe tải từ Trung Quốc sang EU đã giảm mạnh. Trong khi đó, khối lượng xuất khẩu mặt hàng này từ Việt Nam sang EU tăng đột biến.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), việc tăng đột biến của khối lượng xuất khẩu lốp cao su dùng cho xe khách và xe tải từ Việt Nam sang EU trùng với thời điểm EC áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ EC tiến hành điều tra lẩn tránh thuế hoặc điều tra chống bán phá giá đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan chức năng theo dõi tình hình xuất khẩu các mặt hàng lốp cao su cho xe khách và xe tải sang EU, Cục Phòng vệ thương mại cho biết sẽ công bố số liệu xuất khẩu các mặt hàng nêu trên sang EU hàng tháng để có biện pháp phù hợp, kịp thời.
Căn cứ số liệu xuất nhập khẩu của EU cập nhật đến tháng 12/2018, mặt hàng lốp bơm hơi bằng cao su loại mới dùng cho xe khách và xe tải có chỉ số tải trọng lớn hơn 121 (mã HS 4011.20.90) có lượng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng đột biến, bởi vậy Cục Phòng vệ thương mại hiện đang đưa ra cảnh báo hoàn toàn có nguy cơ EC sẽ tiến hành điều tra lẩn tránh thuế hoặc điều tra chống bán phá giá đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.