|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Căng thẳng thương mại Nhật-Hàn đe dọa thị trường công nghệ toàn cầu

07:58 | 12/07/2019
Chia sẻ
Căng thẳng ngoại giao với Nhật Bản đang đe dọa sản lượng linh kiện dùng trong sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) và màn hình máy tính của Hàn Quốc.
Căng thẳng thương mại Nhật-Hàn đe dọa thị trường công nghệ toàn cầu - Ảnh 1.

Biểu tượng của Samsung Electronics. Ảnh: reuters

Giới phân tích cho rằng điều này có thể tác động đến thị trường công nghệ toàn cầu và làm tăng giá bán sản phẩm đối với người tiêu dùng.

Bà Avril Wu, Giám đốc nghiên cứu cấp cao của công ty TrendForce, cho biết nếu tình hình này kéo dài, sản lượng sẽ giảm xuống, từ đó làm tăng giá chip và chắc chắn sẽ đẩy cả giá thành phẩm đi lên. Dù Hàn Quốc có nguồn dự trữ, nhưng bà Wu cho rằng tình hình thiếu hụt nguyên liệu sẽ xảy ra sau ba tháng.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 10/7 gọi đây là “tình trạng khẩn cấp” chưa từng có” và kêu gọi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng kéo dài.

Đảng cầm quyền của nước này ngày 11/7 đã kêu gọi đưa ra khoản ngân sách bổ sung trị giá 300 tỷ won (250 triệu USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn này, gấp hơn hai lần con số mà Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon yêu cầu một ngày trước đó.

Trong bối cảnh Nhật Bản vẫn từ chối đàm phán, tình hình này là tin xấu đối với các công ty dẫn đầu thị trường như Samsung Electronics và SK Hynix. Theo Viện tài chính Hana ở Seoul, hai công ty này chiếm gần 2/3 thị trường chip toàn cầu, và cũng là nhà cung cấp cho nhiều “gã khổng lồ” công nghệ khác như Apple, Huawei và Amazon.

Trong số những thành phẩm bị ảnh hưởng bởi lệnh giới hạn của Tokyo có sản phẩm Galaxy Fold của Samsung, chiếc điện thoại gập 5G mà “cha đẻ” của nó hy vọng sẽ có thể vực dậy lĩnh vực đang vật lộn để đổi mới. Samsung đã dành ra gần tám năm để phát triển Galaxy Fold. 

Nhưng Park Jea-gun, Giáo sư kỹ thuật điện của Đại học Hanyang ở Seoul, cảnh báo căng thẳng tiếp diễn sẽ cản trở những đổi mới như vậy.

Ahn Ki-hyun, Phó Chủ tịch Hiệp hội ngành bán dẫn Hàn Quốc, cho biết nước này là quốc gia dẫn đầu thế giới trong sản xuất chip, còn Nhật Bản lại đi đầu trong các nguyên liệu chủ chốt để sản xuất chip.

Ông cho rằng căng thẳng thương mại này sẽ khiến cả Hàn Quốc và Nhật Bản mất đi những đối tác tốt nhất, và không bên nào có thể tìm được phương án thay thế tốt trong thời gian dài. Cuối cùng, điều này sẽ dẫn đến sự trì trệ hoặc thụt lùi của công nghệ tiên tiến nhất thế giới.

Nhật Bản được cho là sản xuất 90% fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo) của thế giới, đồng nghĩa với việc các công ty Hàn Quốc sẽ rất khó có thể tìm được nhà cung cấp thay thế. 

Một quan chức của Samsung cho biết “ông lớn” này đang xem xét các biện pháp để giảm thiểu tác động hơn nữa đối với hoạt động sản xuất.

LG Display cũng cho biết đang thử nghiệm fluorinated polyimide sản xuất tại Trung Quốc đại lục và Đài Loan (Trung Quốc) để xem liệu chúng có thể thay thế cho nguồn cung từ Nhật Bản trong trường hợp cần thiết không.

Căng thẳng giữa hai nước gia tăng sau khi Chính phủ Nhật Bản ngày 4/7 bắt đầu siết chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc ba loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất các chất bán dẫn và màn hình - gồm fluorinated polyimide, hydrogen fluoride và resist (chất cản màu).

Nhựa nhiệt dẻo thường được sử dụng chế tạo màn hình điện thoại thông minh, trong khi chất cản màu được sử dụng để chế tạo thiết bị bán dẫn và in các mẫu mạch. 

Theo đó, các công ty Nhật Bản sẽ phải xin cấp phép cho từng hợp đồng xuất khẩu những vật liệu này. Các biện pháp này có thể ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung Electronics, SK Hynix và LG Electronics.

Khánh Ly