Top 10 sự kiện công nghệ nổi bật năm 2020
Nếu phải lựa chọn sự kiện công nghệ quốc tế nổi bật nhất năm 2020 thì có lẽ đó là việc Apple ra mắt chip xử lý M1 dành riêng cho máy tính. Động thái đã thổi một làn gió mới vào thị trường vốn đã bão hoà và không còn động lực tăng trưởng trong suốt nhiều năm liền.
Với chip M1, Apple là hãng sản xuất máy tính đầu tiên trên thế giới sở hữu một quy trình khép kín, làm chủ được cả phần cứng lẫn phần mềm. Đồng thời đe doạ sự thống trị của hai ông lớn Intel và AMD vốn kiểm soát thị trường này trong suốt nhiều năm.
Chip máy tính M1 dựa trên nền tảng ARM của Apple còn mở ra kỷ nguyên mới trên máy tính, hiệu năng song hành cùng với thời lượng sử dụng pin và tính kết nối liên tục. Có thể nói, với M1 Apple đã tạo ra được một cuộc cách mạng trên thị trường laptop cũ kỹ xưa nay.
Ngoài chip M1, việc iPhone 12 nhanh chóng được trang bị modun 5G cũng là một điểm đáng chú ý của nhà Táo trong năm 2020.
Mặc dù thiết bị 5G đã xuất hiện trên dải sản phẩm của các hãng đối thủ từ đầu năm 2019 như Samsung, Huawei, song đến Apple làn sóng điện thoại 5G mới chính thức trở thành trào lưu mới trên thế giới.
Năm 2020 cũng là một năm chứng kiến sự bùng nổ của rất nhiều mạng xã hội mới, trong đó cái tên nổi bật nhất là TikTok của nhà ByteDance (Trung Quốc).
Theo công bố, hiện số lượt tải ứng dụng TikTok trên toàn cầu đã chạm ngưỡng 2 tỷ lượt, trong đó số người dùng thường xuyên tính đến hết tháng 7/2020 là 700 triệu người. Với lượng người dùng này, trong năm vừa qua TikTok đã trở thành mạng xã hội đứng thứ 4 thế giới, sau Facebook, YouTube và Instagram.
Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng quá nhanh TikTok cũng đã khiến các nhà quản lý tại nhiều quốc gia để mắt tới. Trong năm qua, TikTok lần lượt bị cấm tại Ấn Độ, trong quân đội Mỹ và Australia. Ngoài ra, Mỹ cũng nhiều lần đưa ra hạn chót cấm ứng dụng TikTok song đến nay lệnh cấm này vẫn chưa được thực thi.
Các nhà lập pháp cáo buộc TikTok đã chia sẻ dữ liệu người dùng về Trung Quốc, song đơn vị phát triển phần mềm này là ByteDance liên tục phủ nhận cáo buộc trên.
Để được tiếp tục hoạt động tại Mỹ, theo Tổng thống Donald Trump, ByteDance phải bán mảng TikTok tại Mỹ cho một doanh nghiệp Mỹ. Theo đó, ngày 13/9, Oracle đã vượt qua các đối thủ, bao gồm Microsoft và Walmart và thành công mua lại TikTok tại Mỹ.
Mặc dù gặp khó khăn tại thị trường quốc tế do không có dịch vụ Google, nhưng Huawei vẫn nằm trong top 5 các nhà sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới trong quý III/2020, ở vị trí thứ 4 sau Samsung, Apple và Xiaomi.
Huawei có được kết quả này là nhờ sự ủng hộ từ thị trường trong nước, khi hãng sản xuất điện thoại thông minh này đã nhanh chóng vươn lên trở thành thương hiệu smartphone số 1 đất nước tỷ dân, với 41,2% thị phần trong quý III/2020.
Mặc dù vẫn tăng trưởng doanh số đều đặn, song vì bị cấm vận nguồn chip dẫn tới việc Huawei không còn đủ khả năng tự sản xuất chip riêng. Do đó, hãng đã quyết định bán thương hiệu smartphone giá rẻ Honor cho liên minh gồm China Digital và chính quyền thành phố Thâm Quyến với mức giá 15 tỷ USD.
Với việc thiếu nguồn cung chip xử lý, nhiều thông tin cho biết flagship Huawei P50 ra mắt năm 2021 rất có thể sẽ sử dụng con chip Snapdragon của Qualcomm thay vì chip "cây nhà lá vườn" Kirin như các đời trước.
Tại thị trường quốc tế, Huawei sa cơ cũng là cơ hội khiến Xiaomi - một hãng điện thoại Trung Quốc khác vươn lên thế chỗ, trở thành nhà sản xuất di động lớn thứ 3 thế giới với 12,8% thị phần smartphone, theo IDC.
Trong năm 2020 giới yêu công nghệ đã mãn nhãn với cuộc đua thay đổi thiết kế của các hãng sản xuất điện thoại, từ màn hình gập, màn hình cuộn tới camera ẩn dưới màn hình.
Với công nghệ màn hình gập, đi tiên phong và có được chỗ đứng ban đầu trên thị trường thì có thể kể đến hai đại diện Galaxy Fold và Galaxy Z đến từ Samsung. Huawei Mate X cũng là cái tên đáng chú ý trong cuộc chơi này.
Ngoài Samsung và Huawei, năm vừa qua giới công nghệ cũng chứng kiến sự trở lại của Microsoft trong mảng sản xuất điện thoại, sau khi từ bỏ cuộc chơi với Windows Phone vào năm 2018.
Chiếc Microsoft Surface Duo ra mắt vào nửa cuối năm 2020 được coi là một sản phẩm trình diễn cho người hâm mộ thấy được cách mà Microsoft sẽ làm điện thoại trong tương lai. Đó là kết hợp thiết kế phần cứng đỉnh cao của dòng laptop Surface với phần mềm Android đến từ Google được tuỳ biến cho các tác vụ công việc.
Trong khi đó, công nghệ camera ẩn dưới màn hình đã có nhiều bước tiến mới, khi ZTE - một hãng sản xuất điện thoại đến từ Trung Quốc, là công ty đầu tiên đưa công nghệ này vào một chiếc smartphone được thương mại hoá.
Trong lĩnh vực này, Việt Nam với đại diện là VinSmart cũng đã nhanh chóng cho ra mắt sản phẩm Vsmart Aris Pro sở hữu công nghệ camera ẩn dưới màn hình, nhưng bước đầu chưa đạt được kết quả mong muốn do những hạn chế về công nghệ.
Năm 2020 có thể nói là một năm sóng gió với nhóm doanh nghiệp công nghệ tại Mỹ, khi liên tiếp Facebook, Google, Twitter bị điều trần trước Quốc hội Mỹ liên quan đến bảo mật dữ liệu người dùng, quyền riêng tư, kiểm duyệt nội dung và thông tin sai lệch.
Năm vừa qua cũng là năm chứng kiến nhiều vụ rò rỉ dữ liệu người dùng, tấn công mạng với quy mô lớn trên phạm vi toàn cầu.
Theo FBI, tổng cộng trong năm qua, mỗi ngày hacker thực hiện hơn 4.000 cuộc tấn công an ninh mạng. Gần 90% các cuộc tấn công nhắm vào các lỗi của con người chứ không phải lỗ hổng của hệ thống.
Nổi bật nhất là ngày 14/12, Google gặp sự cố trên diện rộng khiến người dùng toàn cầu không thể truy cập nhiều dịch vụ. Sự cố kéo dài hơn 1h đồng hồ, các chuyên gia an ninh mạng cho rằng việc Google bị sập là do ảnh hưởng của cuộc tấn công mạng nhắm vào chính phủ Mỹ.
Theo thống kê, sự cố của Google ảnh hưởng tới gần 70 triệu người dùng trên các dịch vụ khác nhau.
Sau khi không đạt được thành công với chiến lược ban đầu đó là tiến vào phân khúc tầm trung, cận cao cấp, năm nay BKAV đã thay đổi khi ra mắt dải sản phẩm gồm 4 thiết bị Bphone trải dài từ giá rẻ tới cận cao cấp.
Chiếc điện thoại Bphone rẻ nhất là B40 với mức giá chỉ từ 5,49 triệu đồng và cao nhất là Bphone B86s có giá 9,99 triệu đồng. Với phổ giá rộng và lối thiết kế phổ thông, chỉnh chu hơn so với các thế hệ trước, Bphone năm nay đã được cộng đồng người dùng đánh giá cao.
Chia sẻ với truyền thông, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO BKAV cho biết Bphone không giảm giá bởi chỉ sản xuất số lượng có hạn, bán ra đến đâu hết tới đó. Vị Giám đốc còn tiết lộ sẽ làm việc với Qualcomm để sản xuất laptop, nhằm mở rộng danh mục thiết bị phần cứng của hãng bên cạnh điện thoại, camera, bộ giải pháp nhà thông minh.
Trong năm qua bất ngờ nhất có lẽ là cái tên VinSmart - đơn vị sở hữu thương hiệu điện thoại Vsmart của Tập đoàn Vingroup. Mặc dù mới gia nhập thị trường từ nửa cuối năm 2019, song đến năm 2020 Vsmart đã vượt mặt các ông lớn như Apple, Xiaomi, Vivo để vươn lên đứng vị trí thứ 3 với 16,7% thị phần. Đứng đầu là Samsung với 30,1% và Oppo với 22,4%.
Thành công của Vsmart được giải thích là hãng đã chủ động điều chỉnh chiến lược của mình, với việc ra mắt hàng loạt sản phẩm trong một thời gian ngắn, bao phủ rộng khắp các phân khúc giá. Đặc biệt, với phân khúc giá trên dưới 2 triệu đồng vốn bị các ông lớn ngó lơ thì nay Vsmart cũng đánh chiếm và đóng góp không nhỏ vào mức tăng trưởng mạnh của thương hiệu này.
Đáng chú ý, Vsmart Aris Pro là mẫu smartphone thứ hai thế giới được trang bị công nghệ camera dưới màn hình. Và mới đây, tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Vsmart đã trình diễn mẫu smartphone 5G đầu tiên của mình. Với sản phẩm này của Vsmart, Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ được công nghệ 5G từ thiết bị thu phát sóng tới thiết bị đầu cuối.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã công bố thông tin này trong một sự kiện về công nghệ diễn ra cuối tháng 12/2020, tại Hà Nội. Theo đó, ngay từ cuối tháng 11, các nhà mạng lớn tại Việt Nam như Viettel, Mobiphone, Vinaphone đã hoàn tất giai đoạn thử nghiệm và chính thức phát sóng 5G tại Hà Nội và TP HCM.
Dự kiến trong giai đoạn 2020 - 2022, mạng 5G sẽ được các nhà mạng triển khai phủ sóng trên khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn. Và với việc Vsmart - hãng điện thoại của Việt Nam, sản xuất được điện thoại 5G, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ này.
Song song với việc làm chủ được công nghệ 5G, Việt Nam cũng đã rục rịch chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G. Theo lộ trình, đến quý I/2022 sóng viễn thông 2G sẽ bị tắt hoàn toàn, khi ấy những chiếc điện thoại cơ bản sẽ không thể sử dụng được.
Để chuẩn bị cho điều này, mới đây Viettel đã bắt tay với Vsmart nhằm "phổ cập" điện thoại thông minh 4G tới toàn dân, với mức giá chỉ từ 600.000 đồng/chiếc.
Năm 2020 cũng là năm đại dịch COVID-19 hoành hành ở rất nhiều nơi trên thế giới, để bảo vệ người dân và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch, nhiều Chính phủ đã phải ra lệnh giới nghiêm, giãn cách xã hội thậm chí là phong toả thành phố. Do đó, đây là cơ hội tốt để các dịch vụ trực tuyến như học hành, hội nghị, mua bán online,… lên ngôi.
Trong năm vừa qua, nổi bật nhất là ứng dụng Zoom, cho phép nhiều người có thể trò chuyện trực tuyến cùng lúc, được áp dụng để dạy học, hội họp,… khi con người không thể rời khỏi nhà. Một số ứng dụng khác tương tự cũng thu hút được nhiều người quan tâm như Skype của Microsoft, Meet của Facebook,…
Bán hàng qua thương mại điện tử và các dịch vụ giao đồ ăn cũng trỗi dậy mạnh mẽ trong năm 2020. Theo CTCP công nghệ Sapo, do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các kênh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đã vượt Facebook vươn lên vị trí số 1 về hiệu quả.
Trong khi đó, các chuyên gia dự đoán doanh thu của lĩnh vực dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu toàn cầu có thể sớm đạt 200 tỷ USD năm 2025, khi đã có những bước tiến thần tốc trong năm vừa qua.
Năm 2020 cũng là năm chứng kiến sự nở rộ của các ứng dụng đa cấp, lừa đảo tại Việt Nam. Có thể dễ dàng chỉ mặt đặt tên các ứng dụng như: Myaladdinz, Etopbank, Goldgame, Liber Forex,…
Đặc điểm chung của những ứng dụng này đó là huy động vốn đa cấp trái phép, với những quảng cáo rầm rộ trên truyền thông và mạng xã hội về việc kiếm tiền khủng, lãi cao,…
Đáng chú ý nhất trong năm vừa qua có lẽ là ứng dụng Myaladdinz, được Bộ Công An khẳng định là ứng dụng đa cấp, hoạt động huy động vốn theo mô hình đa cấp ẩn dưới hoạt động thương mại điện tử, chưa được cấp phép.
Tuy nhiên, sau khi được cảnh báo là ứng dụng đa cấp chưa được cấp phép, MyAladdinz thậm chí còn có xu hướng mở rộng thêm hoạt động tại các quốc gia khác như Nhật Bản, Lào và Myanmar.