|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Căng thẳng Nga – Ukraine: Hàng không Việt phát sinh chi phí lớn

22:50 | 26/03/2022
Chia sẻ
Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông Vận tải về đánh giá tác động của căng thẳng Nga - Ukraine với lĩnh vực hàng không.

 

Theo đó, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho biết: Căng thẳng Nga-Ukraine xảy ra kéo theo việc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Canada đóng cửa bầu trời với Nga bao gồm cả việc cất/hạ cánh và bay qua không phận các nước này và Nga cũng có các động thái tương tự với các quốc gia này.

Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp lên hành khách, các hãng hàng không và làm tăng chi phí bay thậm chí của cả các hãng hàng không không tham gia cấm vận do máy bay phải thay đổi lộ trình khai thác, phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, dự phòng rủi ro...

 Tàu bay thân rộng đầu tiên của Bamboo Airways. (Ảnh: Song Ngọc).

Ông Đinh Việt Sơn cho hay, hiện tại Việt Nam có Vietnam Airlines đang khai thác đường bay đi/đến Nga; Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang khai thác các đường bay đi châu Âu và Hoa Kỳ, có sử dụng các đường bay không lưu quá cảnh qua Nga.

Việc cấm các hãng hàng không khai thác các đường bay không lưu qua Nga, hoạt động khai thác của 2 hãng bị tác động lớn. Cụ thể, các chuyến bay đi/đến châu Âu phải thay đổi đường bay tránh Nga qua Trung Quốc, Kazakhstan hoặc qua Bắc Phi.

Thời gian bay dự kiến tăng thêm từ 60 phút chuyến bay đến 120 phút/chuyến bay, kéo theo chi phí phát sinh từ khoảng 10.600 USD/chuyến bay đến 21.200 USD/chuyến bay.

Vietnam Airlines đang khai thác 6 chuyến bay/tuần giữa Việt Nam và châu Âu, như vậy chi phí phát sinh khoảng từ 70.000 USD đến 130.000 USD/tuần, Bamboo Airways khai thác 3 chuyến/ tuần giữa Việt Nam và châu Âu, chi phí phát sinh từ 35.000 USD - 65.000 USD/tuần.

Các chuyến bay đi/đến Mỹ phải điều chỉnh đường bay tránh không phận Nga kéo dài thời gian bay từ 20-30 phút/chuyến bay tùy từng giai đoạn khai thác. Vietnam Airlines đang khai thác 4 chuyến bay/ tuần đi Mỹ, dự kiến chi phí phát sinh khoảng 20.000 USD-40.000 USD/tuần tùy từng giai đoạn.

Cùng với đó, ông  Đinh Việt Sơn cũng đề cập đến các khó khăn như việc hãng hàng không không sử dụng được sân bay dự bị trong lãnh thổ Nga; sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine cũng làm tăng giá nhiên liệu, làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho các hãng hàng không.

Ngoài ra, việc cấm vận hàng không dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Tại báo cáo này, đáng chú ý, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Vietnam Airlines khai thác tàu bay thân rộng A350/B787 đến Nga. Tuy nhiên, gần 80% đội tàu bay thân rộng của hãng là các tàu thuê. Tất cả các hợp đồng thuê tàu bay của Việt Nam đều có các quy định chung về nguyên tắc bên thuê không được khai thác đến các nước/vùng đang bị cấm vận, chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và EU nếu việc khai thác này dẫn đến vi phạm của các bên liên quan của hợp đồng đối với lệnh cấm vận, trừng phạt nói trên.

Như vậy, khả năng thu xếp được tàu bay có thể khai thác được đến Nga của Vietnam Airlines rất khó khăn nếu các chủ tàu bay của Vietnam Airlines yêu cầu không khai thác đến Nga trong thời gian có chiến sự.

Trong trường hợp tàu bay phát sinh kỹ thuật tại Nga, do việc cấm vận của Liên minh châu Âu và Mỹ, các hãng hàng không không thể vận chuyển vật tư khí tài từ các điểm châu Âu sang Nga mà bắt buộc phải vận chuyển từ Việt Nam qua.

Các loại vật tư khí tài thông thường có thể vận chuyển trên các chuyến bay thương mại của các hãng hàng không Việt Nam đến Nga hoặc các hãng hàng không thứ ba; tuy nhiên, những hàng hoá nguy hiểm và động cơ máy bay chỉ có thể vận chuyển trên các chuyến bay hàng hóa hoặc tàu biển.

Hiện nay, các đối tác tàu biển, các hãng chở hàng đều hủy các chuyến bay đến Nga, các đối tác thuê chuyến cũng từ chối chuyên chở do lệnh cấm vận của Mỹ và EU, do đó, việc yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật, giao dịch, thuê cơ sở bảo dưỡng của các đối tác tại Nga để khắc phục rất khó khăn, tốn kém.

Bên cạnh đó, bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của Boeing được đặt tại Nga đã bị ngắt kết nối, không thể hỗ trợ các hãng hàng không; trong đó có các hãng hàng không Việt Nam, Airbus cũng thông báo việc hỗ trợ kỹ thuật, vận chuyển vật tư khắc phục hỏng hóc tại Nga rất khó khăn.

Các rủi ro này sẽ làm mất nhiều thời gian và phát sinh thêm chỉ phí cho các hãng hàng không, chưa kể các rủi ro phát sinh do tàu bay nằm tại Nga trong khi chờ sửa chữa, thay thế phụ tùng...

Một rủi ro khác liên quan đến vấn đề bảo hiểm. Cụ thể, tỷ lệ tái bảo hiểm cho đội tàu bay của Vietnam Airlines tại các công ty bảo hiểm có quốc tịch Mỹ, Anh và EU ở mức gần 90%.

Các công ty bảo hiểm quốc tế này thuộc đối tượng phải tuân thủ lệnh cấm vận Nga hiện nay là không có bất kỳ hoạt động kinh doanh trực tiếp hoặc gián tiếp với Nga. Do đó, bảo hiểm xảy ra trên lãnh thổ Nga, tất cả các đối tượng có quốc tịch Mỹ, Anh, EU đều bị cấm mọi giao dịch, làm việc, giám định tàu bay.

Theo thông tin của môi giới tái bảo hiểm và căn cứ Hợp đồng bảo hiểm hàng không năm 2022 của Vietnam Airlines, hiện nay các công ty bảo hiểm không được phép chi trả bất cứ khoản nào cho các cá nhân liên quan đến bất kỳ công dân/tổ chức mang quốc tịch Nga trong trường hợp có tổn thất/sự cố xảy ra do lệnh trừng phạt của EU, Mỹ.

Cũng như vậy, các công ty bảo hiểm này không thể chi trả nếu có tổn thất cho tài sản/nhà cửa của bên thứ ba trong khi bay ra/vào Nga. Việc giải quyết đòi bồi thường cho các chi phí không liên quan tới các cá nhân tổ chức có quốc tịch Nga chỉ có thể được thực hiện sau khi EU, Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận.

Cuối cùng, các khoản thu về bán vé, cước hàng hóa tại Nga chủ yếu bằng đồng Rub. Trong khi đó, do chiến sự, đồng Rub đang mất giá mạnh (đồng Rub hiện đã mất giá gần 40%) và Vietnam Airlines thực hiện việc chuyển tiền thông qua ngân hàng HSBC.

Trong trường hợp các ngân hàng người hưởng và các đối tác cung cấp dịch vụ chuyến bay tại Nga thuộc danh sách cấm vận, Vietnam Airlines không thể thực hiện thanh toán từ Việt Nam và do vậy có khả năng ảnh hưởng đến việc duy trì việc cung ứng sản phẩm dịch vụ tại Nga, dẫn tới ảnh hưởng đến khả năng duy trì khai thác tại Nga.

Do dịch COVID-19 bùng phát vào giai đoạn năm 2020 nên Việt Nam và Nga đã áp dụng chính sách hạn chế người nước ngoài nhập cảnh, các hãng hàng không dừng khai thác hoặc khai thác hạn chế về tần suất các chuyến bay giữa hai nước. Sản lượng vận chuyển năm 2020 đạt 468 nghìn khách và 4,9 nghìn tấn hàng hóa.

Từ năm 2021 cho đến hiện tại, chỉ có Vietnam Airlines khai thác các đường bay giữa Việt Nam-Nga, các hãng hàng không của Nga đã dừng khai thác từ giai đoạn tháng 3/2020 cho đến nay. Sản lượng vận chuyển từ ngày 1/1/2021 cho đến ngày 21/3/2022 chỉ đạt xấp xỉ 16 nghìn khách và hơn 5 nghìn tấn hàng hóa.

Sau khi Việt Nam thông báo gỡ bỏ các hạn chế đối với người nhập cảnh, Vietnam Airlines đã khôi phục lại đường bay từ Hà Nội đi/đến Moscow với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều. Ngoài ra, hãng hàng không khác của Việt Nam là Vietjet và các hãng hàng không của Nga đã lên kế hoạch mở lại các đường bay du lịch kể từ lịch bay mùa Hè năm 2022 (từ tháng 4/2022).

 

Liên quan đến giải pháp giảm thiểu rủi ro, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, với việc chiến sự giữa Nga-Ukraine xảy ra và có nguy cơ kéo dài, thị trường hàng không Việt Nam-Nga bị ảnh hưởng, hoạt động khai thác trực tiếp của các hãng hàng không trên các đường bay giữa hai nước gặp nhiều khó khăn.

Vietnam Airlines đã phải thông báo dừng hoạt động khai thác từ 25/3/2022 trên đường bay Hà Nội-Moscow và việc khai thác trở lại trên các đường bay giữa hai nước của các hãng hàng không vẫn còn bỏ ngỏ.

Ngay sau khi xảy ra căng thẳng, các hãng hàng không Việt Nam đã triển khai khẩn cấp các hoạt động phòng ngừa rủi ro như thực hiện việc chuyển tiền về Việt Nam để tránh rủi ro về tỷ giá, cấm vận; làm việc với các công ty bảo hiểm để xác định mức độ rủi ro của vấn đề bảo hiểm các tàu bay của khi khai thác đến Nga hoặc qua Nga; làm việc với các bên cho thuê tàu bay và các bên cho vay về các khả năng sử dụng tàu bay đến Nga và bay qua không phận Nga.

"Cục Hàng không Việt Nam luôn theo sát các diễn biến về tình hình xung đột, sẵn sàng hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam trong quá trình khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế nói chung cũng như tới thị trường Nga nói riêng khi điều kiện cho phép", ông Đinh Việt Sơn nhấn mạnh.

Thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019), thị trường hàng không Việt Nam-Nga có 10 hãng hàng không của hai nước khai thác các chuyến bay chở hành khách và hàng hóa thường lệ và không thường lệ từ Nga đi/đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc và Nha Trang, trong đó bao gồm: Vietnam Airlines của Việt Nam và các hãng hàng không Aeroflot, Air Bridge Cargo, Azur Air, Globus LLC, Seberia Airlines, Nordwin, Pegas Fly, IrAero và Royal Flight Airlines của Nga.

Sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Nga năm 2019 đạt 1,47 triệu khách và 18,7 nghìn tấn hàng hóa, tăng tương ứng 20% về hành khách và 50% về hàng hóa so với năm 2018.

Quang Toàn