Canada rà soát thép tấm chống ăn mòn và khớp nối ống bằng đồng của Việt Nam
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết mới đây, Canada thông báo tiến hành điều tra lại (rà soát hành chính) nhằm xác đinh mức thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với sản phẩm thép tấm chống ăn mòn (COR) và rà soát cuối kỳ về thuế CBPG và chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm khớp nối ống bằng đồng của Việt Nam.
Cụ thể, với vụ việc điều tra lại về thuế CBPG đối với sản phẩm thép COR, ngày 16/1/2023, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Canada (CBSA) thông báo khởi xướng điều tra lại (rà soát hành chính) để xác định lại mức thuế CBPG đối với sản phẩm thép COR nhập khẩu từ Việt Nam.
Mã HS sản phẩm bị điều tra: 7210.30; 7210.49; 7210.61; 7210.69; 7212.20; 7212.30; 7212.50; 7225.91; 7225.92; 7226.99 (lưu ý mã HS chỉ có ý nghĩa tham khảo).
Trước đó, ngày 8/11/2019, CBSA khởi xướng điều tra CBPG và CTC đối với sản phẩm thép COR nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Việt Nam.
Ngày 16/11/2020, cơ quan điều tra ban hành lệnh áp thuế như sau: Thổ Nhĩ Kỳ từ 0% đến 26,1% (thuế CBPG) và 0,4% đến 3,6% (thuế CTC); UAE không bị áp thuế CBPG và CTC; Việt Nam từ 2,3% đến 71,1% (thuế CBPG) và không bị áp thuế CTC. Mức thuế này được áp dụng trong 5 năm kể từ ngày 17/11/2020.
Thời hạn để các doanh nghiệp nộp bản trả lời câu hỏi cho cơ quan điều tra: ngày 22/2/2023 (giờ Canada).
Theo Trademap, kể từ thời điểm Canada áp dụng thuế CBPG đối với sản phẩm thép COR từ năm 2020, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020 là khoảng 22.800 tấn và tăng mạnh khoảng 4 lần lên 87.700 tấn vào năm 2021, chiếm lần lượt 2,5% và 6,5% tổng sản lượng nhập khẩu thép COR của Canada. Kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 và 2021 lần lượt là khoảng 15,4 triệu USD và 104,8 triệu USD.
Vụ việc rà soát cuối kỳ về thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm khớp nối ống bằng đồng, ngày 17/1/2023, Tòa án Thương mại quốc tế Canada thông báo khởi xướng rà soát cuối kỳ để xem xét có tiếp tục áp dụng thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm khớp nối ống bằng đồng nhập khẩu từ Việt Nam.
Mã HS sản phẩm bị điều tra: 7412.10 và 7412.20 (lưu ý mã HS chỉ có ý nghĩa tham khảo).
Trước đó, ngày 27/10/2017, CBSA khởi xướng điều tra CBPG và CTC đối với sản phẩm khớp nối ống bằng đồng nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 25/5/2018, cơ quan điều tra ban hành lệnh áp thuế với mức thuế chung dành cho các doanh nghiệp Việt Nam là 159% (thuế CBPG) và 30,6% (thuế CTC).
Mức thuế này được áp dụng trong 5 năm, từ ngày 26/5/2018. Mức thuế trên được cơ quan điều tra xác định dựa trên những dữ liệu sẵn có do doanh nghiệp bị đơn của Việt Nam không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra.
Thời hạn để các bên đăng ký tham gia vụ việc: ngày 31/1/2023 (giờ Canada). Thời hạn để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nộp bản trả lời câu hỏi cho cơ quan điều tra: ngày 23/2/2023 (giờ Canada).
Theo Trademap, kể từ thời điểm Canada áp dụng thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm khớp nối ống bằng đồng từ năm 2018, sản lượng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này trong giai đoạn 2019-2021 lần lượt khoảng 20 tấn; 16 tấn và 48 tấn, giảm khoảng 87 lần so với thời gian trước khi điều tra năm 2017 là 1.745 tấn.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm khớp nối ống đồng bằng đồng của Việt Nam sang Canada chỉ khoảng 281 nghìn USD, chiếm khoảng 0,15% tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm này vào Canada (191,41 triệu USD).
Do đó, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm liên quan cần tìm hiểu các quy định về rà soát của Canada để xây dựng phương án kháng kiện phù hợp;
Hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra của Canaca trong suốt quá trình diễn ra vụ việc (liên hệ với cơ quan điều tra của Ca-na-đa để đăng ký tham gia, trả lời bản câu hỏi đúng thể thức và thời hạn quy định, tham gia thẩm tra tại chỗ, phiên điều trần theo yêu cầu của cơ quan điều tra…);
Thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin với các đối tác nhập khẩu của Canada để phản ánh ý kiến tới các cơ quan liên quan của Canada, đề nghị xem xét lợi ích kinh tế xã hội và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Đồng thời, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin và sự hỗ trợ kịp thời.