Cẩn trọng với 'bẫy' thanh khoản
Thanh khoản gấp đôi cùng kỳ
Đã khá lâu, nhà đầu tư chứng khoán mới được sống trong bầu không khí hưng phấn như những tháng đầu năm 2017. Đi kèm với VN-Index liên tục tăng lên các mức đỉnh mới trong vòng 1 năm, 2 năm, rồi vượt đỉnh 8 năm, 9 năm là giá của nhiều cổ phiếu, nhóm cổ phiếu tăng mạnh, thậm chí có những mã tăng giá gấp đôi, gấp ba chỉ sau vài tháng.
Chứng khoán đang trở lại là kênh đầu tư hấp dẫn, tính đến phiên 25/5, VN-Index đã tăng 14,8%, tỷ lệ này tại HNX-Index là 10,4% và UPCoM-Index là 6,6%. Dường như cứ mua cổ phiếu là nắm phần thắng, nếu chưa thắng thì chỉ cần kiên nhẫn chờ sẽ thắng.
Sự hưng phấn tràn ngập cùng với dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường giúp thanh khoản tăng mạnh. Nếu như trong suốt năm 2016, thanh khoản khớp lệnh bình quân (chưa bao gồm thỏa thuận) trên cả 2 sàn HOSE và HNX dao động trong khoảng 2.200 - 2.700 tỷ đồng/phiên, tháng 7/2016 là tháng đột biến nhất cũng mới đạt 3.072 tỷ đồng/phiên thì từ tháng 2/2017, giá trị giao dịch khớp lệnh đã vượt 3.300 tỷ đồng/phiên.
Đặc biệt, trong tháng 5/2017, thanh khoản khớp lệnh bình quân vượt 5.000 tỷ đồng/phiên, gấp đôi bình quân hơn 2.500 tỷ đồng/phiên của cùng kỳ năm 2016. Thanh khoản tăng đột biến khiến không ít người ngạc nhiên thốt lên “không biết tiền ở đâu ra mà nhiều đến thế”.
Cơ hội kèm rủi ro
Thanh khoản tăng cao là tín hiệu tích cực khi thị trường chứng khoán vận hành hiệu quả, thúc đẩy dòng vốn cho nền kinh tế luân chuyển, tạo điều kiện để doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn.
Đặc biệt, thị trường thanh khoản cao là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư bởi thanh khoản và giá cổ phiếu thường có diễn biến cùng chiều. Thị trường thu hút dòng tiền mới tham gia sẽ làm nền tảng để giá cổ phiếu gia tăng, đem lại mức sinh lời cao và nhanh.
Sẽ không có gì đáng nói nếu giá và thanh khoản tăng đi kèm với những chuyển biến tích cực trong hoạt động, quản lý, điều hành, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu thanh khoản và giá tăng chỉ bởi người mua kỳ vọng thị trường tăng, giá tăng theo thì sức hấp dẫn sẽ chỉ trong một giai đoạn ngắn.
Khi thị trường bước vào giai đoạn quá “nóng” với mức tăng đột biến, vượt xa mức tăng trưởng bình quân của nền kinh tế cũng như tốc độ cải thiện hiệu quả hoạt động từ doanh nghiệp, thanh khoản quá cao có thể là dấu hiệu thị trường bước vào giai đoạn tạo đỉnh, nhà đầu tư mua và giữ ở vùng giá thấp đang chủ động bán ra chốt lời.
Diễn biến thị trường thời gian vừa qua cho thấy, tại nhiều cổ phiếu, giá và thanh khoản lệch pha khá lớn với hoạt động của doanh nghiệp. Thị giá tăng vọt 50 - 100% trong thời gian ngắn, khối lượng giao dịch mỗi phiên chiếm 10 - 20% tổng số lượng cổ phiếu niêm yết.
Giá tăng mạnh bất chấp kết quả kinh doanh thua lỗ, hoặc mức tăng giá vượt xa yếu tố tích cực mà doanh nghiệp ghi nhận, đặc biệt nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã dẫn đến “nghi án” về các “đội lái” quay trở lại.
Tận dụng thị trường giao dịch sôi động, đội lái có thể tung ra những chiêu thức tạo thanh khoản, “mua tay phải bán tay trái”, đẩy khối lượng và giá trị giao dịch tăng đột biến, trong khi thực tế thị trường thu hút không nhiều dòng tiền mới.
Áp lực từ margin
Báo cáo tài chính quý I/2017 của hầu hết các công ty chứng khoán cho thấy, tỷ lệ vay giao dịch ký quỹ (margin) tăng khá mạnh.
Chẳng hạn, tại VNDIRECT, thời điểm 31/3/2017, dư nợ cho vay margin của công ty chứng khoán này là 2.242,7 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Dù dư nợ margin trên báo cáo tài chính chỉ là lát cắt tại thời điểm chốt số liệu, nhưng phần nào cho thấy mức độ sử dụng margin của nhà đầu tư tăng mạnh.
Cách đây chưa lâu, một số công ty chứng khoán chủ động giảm margin với hàng loạt cổ phiếu, cho dù trong số đó có những mã thuộc nhóm có nền tảng cơ bản tốt và giá chưa tăng quá mạnh. Động thái này dẫn đến những suy đoán về tình trạng nhà đầu tư sử dụng margin cao khiến công ty chứng khoán cạn nguồn, buộc phải giảm, dừng cung cấp dịch vụ để cân đối và tìm kiếm nguồn tiền mới.
Thực tế, margin là con dao hai lưỡi, một mặt tạo lực cho thị trường trong giai đoạn tăng trưởng, gia tăng hiệu suất đầu tư, nhưng khi đà tăng chững lại và giá sụt giảm, áp lực giải chấp sẽ làm tăng lực cung lên cổ phiếu.
Đặc biệt, với cách sử dụng margin theo sức mua mà nhiều công ty chứng khoán đang áp dụng hiện nay, khi giá tăng, sức mua tăng theo khiến nhà đầu tư dễ dàng mua thêm cổ phiếu, nhưng ngược lại, khi giá giảm, áp lực giải chấp sẽ tăng mạnh, có thể nhanh chóng “bào mòn” thành quả mà nhà đầu tư tích lũy được, thậm chí dẫn tới “cháy” tài khoản.
Bức tranh thanh khoản “xôi đỗ”
Một điểm đáng chú ý khác trong bức tranh thanh khoản hiện nay là thay vì tăng đồng đều trên diện rộng, thị trường đang có sự phân hóa mạnh. Có phiên, giá trị giao dịch tại một cổ phiếu chiếm 30 - 40% giá trị khớp lệnh toàn thị trường.
Như vậy, câu chuyện thanh khoản có thể đến từ câu chuyện riêng của một, hoặc một số cổ phiếu, thay vì kỳ vọng lạc quan trên tổng thể thị trường.
Diễn biến giao dịch của khối ngoại trong 5 tháng đầu năm cũng phần nào phản ánh điều này, mặc dù mua ròng lên đến 6.600 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, nhưng lực mua ròng chỉ tập trung vào một số cổ phiếu nhất định, đi kèm với câu chuyện riêng liên quan đến việc đầu tư làm cổ đông chiến lược, thâu tóm, thoái vốn của Nhà nước…
Nếu nhìn vào từng cổ phiếu, bức tranh thanh khoản không hẳn lạc quan như khi nhìn tổng thể thị trường.
Đầu tư theo phong trào
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng vừa qua, thị trường đã và đang thu hút một lớp các nhà đầu tư mới, bị hấp dẫn bởi những thông tin tích cực được đưa ra liên tục. Một phần không nhỏ trong nhóm này là những nhà đầu tư không chuyên, đầu tư theo phong trào, lướt sóng kiếm lời trong thời gian ngắn, chứ không xác định đầu tư dài hạn.
Hoạt động giao dịch liên tục đi kèm quay vòng margin cao tuy góp phần đẩy thanh khoản tăng nhưng cũng tạo rủi ro cho thị trường khi “có biến”, bởi nhóm nhà đầu tư nêu trên thường nhanh chóng rút vốn, bán đổ bán tháo mạnh hơn so với các quỹ, tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Theo Joseph Kennedy - doanh nhân, nhà đầu tư tài chính, chính trị gia nổi tiếng của Mỹ, “nếu như cả một cậu bé đánh giày cũng mua cổ phiếu, thị trường sắp bước vào thời kỳ điều chỉnh mạnh”.
Không thể phủ nhận, thị trường năm 2017 đang đón nhận nhiều thông tin vĩ mô tích cực như: tăng trưởng tín dụng tốt, lãi suất, tỷ giá ổn định, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được đánh giá cao, Việt Nam được hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Rating nâng triển vọng tín nhiệm lên tích cực…
Thị trường chứng khoán có mức sinh lời hấp dẫn kích thích dòng vốn nội tham gia sôi động, nhất là khi lãi suất tiền gửi được đánh giá kém hấp dẫn, kênh bất động sản xuất hiện một số cảnh báo bong bóng sau giai đoạn bùng nổ, đầu tư vàng bạc, kim loại quý hay ngoại tệ khó đem lại hiệu quả.
Triển vọng kinh tế trong nước khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng góp phần hỗ trợ thị trường chứng khoán tăng trưởng.
Trong bối cảnh đó, việc cổ phiếu thu hút được dòng tiền, thanh khoản cao là bình thường, thậm chí tích cực nếu xuất phát từ những nguyên nhân hợp lý, có tính nền tảng của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, giá và thanh khoản tăng vọt trong thời gian ngắn có thể hàm chứa trong đó tình trạng bong bóng, rủi ro cao, nhất là với các nhà đầu tư mới tham gia mà chưa thấu hiểu thực trạng thanh khoản cao do đâu.