|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cần thiết bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật để ngăn chặn rửa tiền

22:41 | 07/09/2022
Chia sẻ
Tại Hội đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), các đại biểu đồng tình về sự cần thiết của việc xây dựng Luật, đặc biệt là vấn đề liên quan đến việc bổ sung tài sản ảo, tiền ảo vào vào dự thảo Luật.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu tập trung thảo luận về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), trong đó nổi bật là các vấn đề rửa tiền liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo.

Nguy cơ rửa tiền qua tiền ảo tại Việt Nam rất lớn

Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam phát biểu, đối với vấn đề lợi dụng tiền ảo để rửa tiền tài trợ khủng bố, hiện nay Nhà nước chưa công nhận tiền ảo, tuy nhiên, hiện nay Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn, là một trong mười nước tham gia đông. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu đã trở thành kênh hữu hiệu để tội phạm lợi dụng rửa tiền.

Đại biểu nêu rõ, thời gian gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn đang nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, tiền ảo và tài sản ảo vẫn lọt lưới do các quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền chưa quy định về vấn đề này.

Do đó, việc bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo Luật là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên thế giới mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để công nghệ tài chính bị lợi dụng để rửa tiền tham nhũng, khủng bố.

 

  Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. (Nguồn: quochoi.vn)

Luật cần bao quát đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian

Góp ý kiến về dự thảo, đại biểu Nguyễn Tạo thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng bày tỏ đồng tình với sự cần thiết của việc xây dựng Luật. Đại biểu cho rằng qua thực tế triển khai pháp luật về phòng, chống rửa tiền và kinh nghiệm đấu tranh phòng, chống rửa tiền của thế giới với những phát sinh mới, những tranh chấp rủi ro hơn về rửa tiền đã đặt ra yêu cầu cần có những quy định mới hơn để điều chỉnh. 

Theo đại biểu, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) lần này cần bao quát đầy đủ các lĩnh vực nhạy cảm, nhất là đối với các tổ chức cung cấp bộ tài sản ảo, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay, cho vay dựa trên nền tảng của công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm. 

Ngoài ra, bày tỏ băn khoăn đối với quy định liên quan đến dấu hiệu đáng ngờ được quy định tại dự thảo luật, đại biểu cho rằng, việc kinh doanh bất động sản cần phải có một điều khoản giao cho Chính phủ hướng dẫn để phù hợp với từng thời kỳ dấu hiệu đáng ngờ vì các dấu hiệu này sẽ ngày càng nhiều hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước được giao thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống rửa tiền, đại biểu cho rằng, hiện nay việc chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, ngân hàng cấp trên, cấp dưới với nhau chưa được thực hiện một cách đầy đủ và chặt chẽ. Đây là vấn đề đáng lo ngại. Do đó, đề nghị, dự thảo Luật cần có quy định để khắc phục vấn đề này.

 

 Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng  (Nguồn: quochoi.vn) 

Tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại hội nghị, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp đầy đủ và nghiên cứu tiếp thu, rà soát để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật.

Ngoài ra, về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, Thống đốc NHNN cho biết, dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền giao NHNN là đầu mối trong phòng chống rửa tiền nhưng thực tế các giao dịch phát sinh rất nhiều. Trong đó, có nhiều giao dịch và trực thuộc các bộ, ngành quản lý. Do đó, dự thảo Luật đã đưa ra quy định liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách, NHNN sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm của cơ quan đầu mối là NHNN rà soát bổ sung một số trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

  Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng. (Nguồn: quochoi.vn 

 

Huyen Vi