|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Cần tạo hành lang thông thoáng để doanh nghiệp địa ốc khó khăn chuyển nhượng dự án'

10:33 | 20/04/2023
Chia sẻ
Theo chuyên gia, hai năm chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cộng thêm khủng hoảng kinh tế đã tạo độ ngấm làm suy yếu nhiều doanh nghiệp. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã "đuối" và bị khoanh nợ tại ngân hàng.

Bất động sản thời gian qua có dấu hiệu chững lại rõ rệt. Sang đến quý I/2023 thị trường vẫn ghi nhận ảm đạm, thanh thoản về đáy.

Chia sẻ tại hội thảo "Gỡ vướng địa ốc - Thúc đẩy tăng trưởng" diễn ra sáng 19/4, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên là do nguồn vốn hạn chế và ách tắc pháp lý. Tuy nhiên, các vấn đề này đều đã được Chính phủ nhận diện và có sự vào cuộc.

Cụ thể, để giải quyết vấn đề nguồn vốn đã có gói 120.000 tỷ, trái phiếu doanh nghiệp đã có Nghị định 65 và 08 và pháp lý cũng có Quyết định 338, Nghị định 10. Song, theo ông Đính, cần phải có thêm những Nghị định đi vào trực diện vấn đề như Nghị định 10 và thêm các thông tư hướng dẫn thực hiện các Nghị định trên cho các cấp địa phương. 

Chuyên gia cho rằng để giải quyết được triệt để vấn đề của thị trường bất động sản thì việc thực hiện các chính sách cần nhanh, chi tiết và cụ thể hơn, đặc biệt là trong vấn đề nhà ở xã hội (NOXH). Bởi giai đoạn hiện nay, NOXH sẽ kích hoạt giao dịch thị trường tốt hơn vì đáp ứng được nhu cầu thị trường.

"Kinh tế đang có dấu hiệu khó khăn nên cần có những sản phẩm tiếp cận tốt hơn để kích hoạt giao dịch, khi đó có giao dịch trở lại thì các guồng quay kinh tế khác sẽ được ổn định trở lại," Chủ tịch VARS nói.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và sớm ban hành thủ tục cho các dự án đầu tư trong các quy trình như chuyển nhượng dự án, đấu thầu - đấu giá, lựa chọn chủ đầu tư, các quy định về phê duyệt giá đất (đang gặp phải vướng mắc nhiều nhất hiện nay),...

Theo ông Đính, hai năm chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 cộng thêm khủng hoảng kinh tế đã tạo độ ngấm làm suy yếu nhiều doanh nghiệp. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã "đuối" và bị khoanh nợ tại ngân hàng.

Quy định hiện nay cần có sổ đỏ mới được chuyển nhượng dự án mà từ lúc giải phóng mặt bằng đến khi ra được sổ đỏ cần mất rất nhiều năm. Do đó, cần phải tạo hành lang thông thoáng hơn để họ có thể chuyển nhượng dự án cho chủ đầu tư mới có năng lực, nhằm giúp thu hồi vốn, thoát nợ và các dự án này có thể đưa sản phẩm vào thị trường.

Đồng thời về phía doanh nghiệp thì cần xem lại điều kiện của thị trường và năng lực của bản thân để tái cấu trúc, thoát khủng hoảng.

Ông Nguyễn Văn Đính chia sẻ tại sự kiện sáng ngày 19/4. (Ảnh: Chụp màn hình).

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch GP.Invest, làm bất động sản phải tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật nhưng có những thứ phải biết vận dụng linh hoạt. 

Ông cho biết Luật Đất đai sản yêu cầu nộp 100% tiền thì mới được cấp sổ đỏ nhưng Luật kinh doanh bất động sản chỉ cho thu của khách hàng 95%. 

Hay với việc chuyển nhượng dự án, thì hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện bằng cách chuyển nhượng cổ phẩn, chuyển nhượng chủ sở hữu công ty. Còn nếu thực hiện theo Luật đất đai, yêu cầu có sổ đỏ thì không thể chuyển nhượng được. Vì thế, làm bất động sản phải nghiên cứu và hiểu kỹ luật.

Theo chủ tịch VACC, các dự án bất động sản khi hoàn thiện được sổ đỏ thì mới hoàn thành trách nhiệm với khách hàng và quy định của pháp luật.  "Mấy năm làm bất động sản tôi gần như trở thành luật sư", ông Hiệp nói.

Ông Hiệp chia sẻ thêm, vừa qua ông đã trao đổi với nhiều chủ đầu tư và họ cho biết vẫn đang ở trong tâm thế chờ đợi bởi không biết những thay đổi về luật sắp tới sẽ mở cửa hay siết chặt thị trường hơn.

Đăng Nguyên