|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cần minh bạch trong chi tiêu ngân sách

07:25 | 22/06/2019
Chia sẻ
Chỉ số công khai ngân sách tỉnh được cải thiện nhiều. Song, các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình công khai minh bạch ngân sách.

Đo độ công khai, minh bạch

Khảo sát Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) là khảo sát đầu tiên ở Việt Nam về mức độ công khai ngân sách tỉnh bắt đầu từ năm 2017 và năm 2018 tiếp tục được thực hiện. Theo nhóm điều tra, POBI là công cụ giúp các tỉnh, thành phố có thể tham chiếu và đo mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước và mức độ thực thi Luật Ngân sách nhà nước.

POBI giúp tăng niềm tin của người dân và các đối tác phát triển đối với quản lý ngân sách tại địa phương thông qua các hình thức minh bạch, giải trình và sự tham gia về ngân sách. POBI là cũng là công cụ giúp cho Việt Nam thực hiện ngày càng tốt hơn nỗ lực cải cách hành chính và tài khóa, góp phần thực hiện cam kết với mục tiêu phát triển bền vững về minh bạch, giải trình có sự tham gia của người dân.

Với POBI, chính quyền địa phương có thể theo dõi, đánh giá mức độ công khai minh bạch về ngân sách nhằm nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản trị địa phương.

Cần minh bạch trong chi tiêu ngân sách - Ảnh 1.

Các tỉnh ít tạo cơ hội cho người dân tham gia vào quản lý ngân sách tại địa phương (Ảnh minh họa: KT)

Đây là năm thứ 2 chỉ số POBI được công bố. POBI 2018 bao gồm hai trụ cột về minh bạch công khai ngân sách và sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện ngân sách địa phương.

POBI 2018 được thực hiện theo thang điểm với 4 mức: Mức A từ 75 - 100 điểm là mức độ công khai “đầy đủ”; mức B từ 50 - 75 điểm là mức công khai “tương đối”; mức C từ 25 - 50 điểm là mức “chưa đầy đủ”; mức D từ 0 - 25 điểm là mức “công khai ít”.

Theo kết quả khảo sát 63 tỉnh, thành phố của POBI 2018, nhóm A gồm 6 tỉnh, trong đó Vĩnh Long đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cũng đứng đầu cả nước với 90.52 điểm, 9 mức độ công khai Minh bạch ngân sách. Nhóm B gồm 27 tỉnh, đứng đầu là Trà Vinh (74,88 điểm); nhóm C gồm 21 tỉnh, đứng đầu là Hà Nội (49,72 điểm) và TP. Hồ Chí Minh (48,98 điểm) và nhóm D gồm 9 tỉnh.

PGS.TS Vũ Sỹ Cường, đại diện nhóm nghiên cứu POBI cho biết, kết quả khảo sát POBI 2018 cho thấy chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 51 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn so với chỉ số trung bình đối với POBI 2017 là 30,5 điểm. Điều này cho thấy mức độ công khai NSNN của 63 tỉnh, thành phố năm 2018 đã cải thiện hơn so với năm 2017.

Đặc biệt, năm 2018 có 6 tỉnh công khai “đầy đủ” thông tin về NSNN và không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0, trong khi năm 2017 có 4 tỉnh có điểm số POBI bằng 0 và không có tỉnh nào công khai “đầy đủ” thông tin về ngân sách tỉnh.

Tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia

Đánh giá về kết quả khảo sát, các chuyên gia cho rằng, năm 2018 không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0. Các tỉnh đã có trách nhiệm hơn trong việc công khai dự thảo dự toán ngân sách nhà nước để người dân có thể tham gia vào quá trình thảo luận và quyết định dự toán ngân sách của tỉnh. Điều này cho thấy đã có sự dịch chuyển đáng kể trong việc tuân thủ công khai ngân sách trên cấp độ toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn 32 tỉnh, thành nằm dưới mức hạng trung bình. Thậm chí một số tỉnh, thành phố tụt hạng so với năm 2017 như Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh...

Ông Nguyễn Minh Tân, Vụ Tài chính - Ngân sách nhận xét, về tính đầy đủ của tài liệu công khai, báo cáo chỉ ra thấp dưới 50% là chưa hợp lý vì có những chỉ tiêu mà địa phương không có như dầu khí. Nên khi khảo sát không có hoặc không điền mà cho rằng thiếu, không đầy đủ là không hợp lý. Hoặc việc giao vốn chậm, nhiều địa phương đến tháng 4, 5, 6 mới được giao vốn, dẫn đến không xác định nhiệm vụ thì không thể có số liệu công khai ngân sách được. Song, việc công khai ngân sách của các địa phương qua POBI cho thấy, người dân còn quan tâm tới các tiêu chí như tính đầy đủ, kịp thời, sẵn có và thuận tiện. Vì vậy, các tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện.

Đánh giá về mức độ tham gia của người dân, ông Cường cho hay, nhìn chung các tỉnh ít tạo cơ hội cho người dân tham gia vào quản lý ngân sách tại địa phương. “Có 62/63 tỉnh đã có chuyên mục công khai ngân sách trên cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh hoặc Sở Tài chính tỉnh.

Tuy nhiên, có nhiều tỉnh lại chưa đăng, hoặc không cập nhật các tài liệu ngân sách trong chuyên mục này mà lại đăng tại các chuyên mục khác của cổng thông tin điện tử hoặc trang liên kết. Còn nhiều tỉnh công khai các tài liệu ngân sách chậm hơn so với quy định. Có 63/63 cổng thông tin điện tử của các tỉnh đều có thư mục hỏi đáp và email liên hệ. Tuy nhiên, mức độ phản hồi của các tỉnh đối với người dân rất thấp. Đơn cử, có 3/63 tỉnh có phản hồi câu hỏi của nhóm nghiên cứu qua mục hỏi đáp, 6/63 tỉnh trả lời yêu cầu cung cấp thông tin của nhóm nghiên cứu qua email”, ông Cường dẫn chứng.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, các tỉnh cần chủ động trong việc phản hồi các câu hỏi của người dân về ngân sách. Xây dựng và công bố quy chế nội bộ về quy trình cung cấp thông tin theo như quy định của Luật Tiếp cận thông tin. Ngoài chuyên mục hỏi đáp và email thì các tỉnh có thể sử dụng các mạng xã hội như facebook để tăng cường tương tác, trao đổi với người dân với chính quyền.

Ánh Phương

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.