|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cần lưu ý gì khi xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc?

07:20 | 04/11/2017
Chia sẻ
Trung Quốc là thị trường NK cá tra lớn của Việt Nam, có kim ngạch XK ngày càng tăng, song muốn thúc đẩy XK, cần tạo dựng được thương hiệu cá tra Việt Nam tại Trung Quốc, đồng thời lưu ý thường xuyên các vấn đề về quy định hải quan, kiểm dịch.
can luu y gi khi xuat khau ca tra sang trung quoc
Hoạt động quảng bá sản phẩm cá tra của DN nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa và XK sang Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Thanh

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, XK cá tra sang Trung Quốc có kim ngạch tăng đều từ năm 2010-2016. Cụ thể: Năm 2011, XK đạt 56 triệu USD, chiếm tỷ trọng 3,1% trong tổng giá trị XK mặt hàng này. Năm 2015, con số XK sang Trung Quốc đạt 162 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,3% và năm 2016, kim ngạch XK đạt mức 305 triệu USD, chiếm tỷ trọng 17,8%.

Vẫn trên đà tăng trưởng đều đặn, 8 tháng đầu năm 2017, XK cá tra sang Trung Quốc ghi nhận giá trị 247 triệu USD, chiếm 21,3%, đứng đầu trong tỷ trọng XK cá tra Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam đánh giá: Riêng trong năm nay, thị trường Trung Quốc có thể coi là “cứu cánh” cho XK cá tra Việt Nam bởi lượng gia tăng XK sang Trung Quốc khá lớn, bù đắp cho những khó khăn trong XK tại các thị trường lớn như Mỹ, EU.

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tại thị trường Trung Quốc, chỉ có 15% nhà hàng có món ăn cá tra. Mặt hàng này cũng không có tiêu chuẩn của ngành, sản phẩm chủ yếu được NK theo đường tiểu ngạch. Tại Trung Quốc cũng không có hoạt động quảng bá thương hiệu cá tra, không có thương hiệu nổi tiếng về mặt hàng này. Sản phẩm phải thông qua nhiều kênh phân phối trung gian, lợi nhuận thấp, thông tin giữa người mua và người bán. Vì thế, khi thúc đẩy XK cá tra sang Trung Quốc, DN cá tra Việt Nam cần hợp tác với các đối tác tại Trung Quốc và tạo dựng thương hiệu cá tra Việt Nam tại thị trường này.

Trên thực tế, Trung Quốc là nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh nên nhu cầu về thủy sản của tăng cao với chất lượng đa dạng từ thấp đến cao. Với lợi thế có chung biên giới, Việt Nam có thể vận chuyển thủy sản cả đường bộ và đường biển trong thời gian và quãng đường ngắn sang Trung Quốc, thuận lợi cho hoạt động XK của DN. Tuy nhiên, các DN cũng cần lưu ý, Trung Quốc là thị trường thiếu tính ổn định với những quy định về hải quan, kiểm dịch thiếu minh bạch và hay thay đổi.

Một số chuyên gia đánh giá: Nếu 20 năm qua, Trung Quốc là nhà máy chế biến thủy sản hàng đầu thế giới thì trong 20 năm tới, quốc gia này sẽ lột xác thành người tiêu dùng khổng lồ. Hiện nay, Nauy đã thực hiện thành công chiến lược đưa cá hồi vào thị trường Trung Quốc và biến thị trường này thành nhà NK cá hồi lớn nhất thế giới. Bởi vậy, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo: Các DN thủy sản cần nắm được phân khúc thị trường mục tiêu và học hỏi kinh nghiệm của Nauy khi đưa sản phẩm thủy sản vào thị trường Trung Quốc để có được thành công.

Thanh Nguyễn