Đang có một cách hiểu khá sai lầm về dự án BOT, coi đây là dự án của nhà đầu tư tư nhân nên không thuộc đối tượng phải kiểm toán. Thậm chí, nhiều cơ quan Nhà nước còn phản đối thực hiện kiểm toán các dự án BOT. Theo các chuyên gia kinh tế, hiểu như vậy là có sự nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và quyền quản lý sử dụng.
BOT là dự án công
Theo TS Nguyễn Hữu Hiếu, Trường Bồi dưỡng nghiệp vụ (Kiểm toán Nhà nước - KTNN), với các dự án BOT giao thông, có hai hiện tượng rất đáng quan tâm. Một là hầu hết các dự án BOT giao thông mà KTNN kiểm toán thời gian qua đều áp dụng hình thức chỉ định thầu. Thứ hai là có cơ quan Nhà nước phản đối KTNN thực hiện kiểm toán, vì cho rằng dự án BOT là của nhà đầu tư (NĐT).
Xe container qua trạm thu phí An Phú đã được thông suốt. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN
|
Phản đối hai hiện tượng trên, PGS TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán Kiểm toán Việt Nam phân tích, cần thấy rằng dự án đầu tư theo hình thức BOT là hoạt động đầu tư của Nhà nước. BOT là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng do Nhà nước quyết định trên đất đai thuộc sở hữu toàn dân, phục vụ dân và thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước. NĐT được quyền kinh doanh công trình để thu phí hoàn vốn trong thời hạn nhất định. Hết thời hạn kinh doanh theo hợp đồng, NĐT phải chuyển giao công trình cho Nhà nước. Thứ hai, công trình kết cấu hạ tầng được hình thành theo hình thức BOT là tài sản công, tàn sản Nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân chứ không phải tài sản thuộc sở hữu của NĐT. Không được nhầm lẫn giữa quyền sở hữu và quyền quản lý, kinh doanh có thời hạn.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng khẳng định, dự án BOT là do Nhà nước ủy quyền cho NĐT làm khi Nhà nước chưa đủ nguồn lực hoặc muốn huy động nội lực của nền kinh tế. Đổi lại, Nhà nước cho phép NĐT được khai thác trong thời gian nhất định để NĐT hoàn vốn. Khi đủ thời gian gian hoàn vốn, NĐT phải giao lại công trình cho Nhà nước để phục vụ nhân dân. Như vậy, dự án BOT là hoạt động đầu tư công, tài sản hình thành từ hợp đồng BOT là tài sản công nên thuộc đối tượng phải được kiểm toán.
Dự án BOT cần phải kiểm toán
Về lý do các dự án BOT cần phải kiểm toán, ông Ngô Ngô Văn Quý, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV cho rằng, thời gian qua, 100% các dự án BOT giao thông đều được chỉ định thầu. Việc thực hiện cơ chế này sẽ đã không tạo ra cơ chế cạnh tranh để lựa chọn NĐT. Với cơ chế này, NĐT đảm nhận dự án từ “A - Z”, nghĩa là từ khâu nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, xây dựng định mức đơn giá, tổng giá trị công trình, được quyền chỉ định nhà thầu phụ... Khi đã chỉ định thầu, lại được quyền tự xây dựng đơn giá nên rất có thể NĐT chọn mức tối đa, gây lãng phí trong đầu tư vốn. “Trong bối cảnh hiện nay, nếu chưa khắc phục được tình trạng chỉ định thầu thì các dự án BOT cần phải được kiểm toán để đảm bảo tính hiệu quả của vốn đầu tư, giảm chi phí cho người sử dụng khi phải mua vé tham gia giao thông của các dự án BOT”, ông Quý đề xuất.
Đồng thuận quan điểm cần phải kiểm toán, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, với các dự án BOT, KTNN sẽ không chỉ kiểm toán hoạt động của các NĐT, mà phải kiểm tra, đánh giá và xác nhận sự tin cậy, đúng đắn của cơ quan Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu trong việc ký kết các điều kiện trong hợp đồng; kiểm soát để việc ra quyết định đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời qua kiểm toán các dự án BOT, KTNN sẽ kiến nghị và tư vấn cho Quốc hội, Chính phủ trong việc sử dụng các hình thức đầu tư, cơ chế quản lý đầu tư các dự án giao thông sao cho hiệu quả, kỷ cương, kỷ luật, đảm bảo nền tài chính quốc gia lành mạnh, sử dụng có hiệu quả, công khai vì lợi ích của nhân dân.
Theo
XH
Báo Tin tức