Căn hộ 700 triệu đồng của Vingroup - động lực của thị trường bất động sản năm 2017
Dồn dập nguồn cung
Tại thị trường Hà Nội, Tập đoàn Mường Thanh vừa chia sẻ với báo chí kế hoạch trong tháng 12 này sẽ tung ra thị trường 3.000 căn hộ có giá chỉ từ 10 triệu đồng/m2, các căn hộ có diện tích nhỏ từ 50-60m2.
Thị trường nhà giá rẻ Hà Nội cũng đón nhận các đơn vị mới như Vinh Hạnh với Tứ Hiệp Plaza, Xuân Mai Corp với Xuân Mai Spark Tower, Geleximco với Gelexia Riverside và Gemek Premium…
Tại Hưng Yên, chủ đầu tư Vihajico - chủ đầu tư Ecopark trong năm 2016 trình làng 2 dự án giá rẻ. Đó là West Bay Sky Residence với các căn hộ có giá bán chỉ từ 688 triệu đồng/căn và Aqua Bay Sky Residence giá bán từ 789 triệu đồng/căn.
Tại thị trường TP HCM, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (Mã CK: HQC) cũng cho biết trong giai đoạn từ tháng 12/2016 đến năm 2019, công ty sẽ cung cấp ra thị trường hơn 34.000 căn đáp ứng nhu cầu nhà ở hiện đang cấp bách của các đối tượng chính sách, công nhân và người có thu nhập thấp tại TP HCM và khắp các tỉnh thành phía Nam.
Một chủ đầu tư khác là Hung Thinh Corp vừa chính thức giới thiệu đến khách hàng dự án Moonlight Park View tại khu Tên Lửa quận Bình Tân với 463 căn hộ, giá bán từ 1,2 tỷ đồng/căn.
Công ty Him Lam Land mới đây đã công bố ra thị trường 1.092 căn hộ của dự án Him Lam Phú An quận 9 với mức giá 1,5 - 1,8 tỉ đồng. Ông Ngô Quang Phúc – Phó tổng giám đốc Him Lam Land cho biết công ty có kế hoạch cung cấp cho thị trường gần 2.000 căn hộ dành cho người trẻ.
Động lực cho thị trường 2017
Các chuyên gia đều đánh giá việc Vingroup nhảy vào phân khúc giá rẻ là điều tốt cho thị trường bất động sản Việt Nam. “Khi nguồn cung tăng lên, sự cạnh tranh sẽ dẫn đến giá thành rẻ, có lợi cho người tiêu dùng”, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) nhận định.
Tại Hội thảo “Thị trường bất động sản Việt Nam 2016 – 2017: Toàn cảnh và dự báo” vừa diễn ra, GS.TS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết cuộc chơi của thị trường phụ thuộc vào ý tưởng của nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư có tiềm năng lớn. Các nhà đầu tư phải đặt mình vào tình hình của thị trường để tính toán như thế nào là có lợi nhất, nhằm giải quyết lệch pha cung – cầu như hiện tại.
Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội, thực tế thì nhu cầu nhà ở giá rẻ đã hình thành từ rất lâu bởi đa số người dân Việt Nam có thu nhập tầm trung, dẫn đến nhu cầu đối với nhà ở thương mại hạng B hay nhà ở thương mại giá rẻ hạng C tăng cao, tính thanh khoản lớn. Tuy nhiên, thị trường hạn chế nguồn cung do xu hướng chạy đua phát triển nhà cao cấp.
Bà Hằng nhận định: "Nhà ở thương mại giá rẻ được đánh giá là có tiềm năng dài hạn dựa trên vấn đề dân số, bởi như chúng ta nhận thấy dân số ở các thành phố lớn luôn gia tăng và khi lượng người nhập cư vào thành phố gia tăng dẫn đến nhu cầu nhà ở cũng gia tăng".
TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế cho biết thời gian qua Chính phủ đã có những chính sách tạo điều kiện cho phân khúc này phát triển như Nghị quyết phát triển nhà ở xã hội với lãi suất vay là 4,8% trong thời hạn vay 10-15 năm.Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ cũng dành 2 ngày để bàn về nhà ở xã hội đồng thời có chỉ đạo về việc đẩy mạnh phát triển phân khúc này, đây cũng là động thái điều chỉnh cân đối cung cầu của thị trường bất động sản hiện nay.
Về câu hỏi đặt ra tại buổi hội thảo “Nếu có quá nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm bình dân với giá “càng ngày càng rẻ” liệu có dẫn đến lo ngại về chất lượng sản phẩm không đảm bảo”, các chuyên gia đều cho rằng chưa đáng lo.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá: “Sự sàng lọc của thị trường sẽ ngày càng khốc liệt. Cạnh tranh càng lớn thì buộc các DN phải cân đối để có thể tồn tại và phát triển. Nếu một sản phẩm giá rẻ 800 triệu đồng mà chất lượng kém thì người tiêu dùng sẽ cố thêm 50 triệu nữa để sở hữu một căn nhà 850 triệu đồng mà chất lượng tốt hơn”.