'Cần hạn chế chuyển đổi đất rừng, đánh giá kỹ tác động môi trường khi đầu tư cao tốc'
Chiều ngày 6/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk thảo luận tại tổ về một số nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật; Chủ trương đầu tư công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đều tán thành về sự cần thiết ban hành dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
Về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Vinh Tơr thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách.
Đồng thời, ông Tơr đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm một số nội dung rút kinh nghiệm đầu tư giai đoạn trước, các vấn đề Kiểm toán Nhà nước đã nêu như giải phóng mặt bằng, suất đầu tư, chủ động hơn các nội dung đã rút kinh nghiệm đầu tư ở giai đoạn trước như liên quan vật liệu đất nền và một số phương án khác.
"Đặc biệt Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk rất quan tâm nội dung liên quan đến phát huy trục dọc, kết nối các trục ngang, có trục kết nối quan trọng giữa Tây nguyên với Nam Trung bộ, trong đó có tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã được Chính phủ đưa vào quy hoạch và đề nghị có hướng bố trí nguồn đầu tư công và chuẩn bị nguồn đầu tư trong nguồn phục hồi kinh tế để tạo điều kiện vừa phát huy trục dọc, vừa tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây nguyên cũng như phát huy các tuyến kết nối theo quy hoạch chung" ông Y Vinh Tơr nhấn mạnh.
Liên quan đến chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Lê Thị Thanh Xuân góp ý thêm: "Về hình thức sử dụng đầu tư công đầu tư cao tốc, đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng cân đối vốn, phân kỳ đầu tư, đánh giá kỹ triển khai nhưng phải hạn chế chuyển đổi đất rừng, cần đánh giá tác động môi trường kỹ hơn trong việc đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân tránh gặp khó khăn như giai đoạn trước trong việc đầu tư dự án cao tốc".
Bà Thanh cũng cho rằng trong 12 dự án thành phần chưa thấy Chính phủ nêu rõ việc gắn kết như thế nào đối với nội dung chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội, đoạn nào sẽ nằm trong chương trình đó đề nghị Chính phủ làm rõ, xác định từ đó mới thấy hiệu quả chương trình.
Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk cũng thống nhất cao đối với các báo cáo của Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Việc ban hành nghị quyết là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.