|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cần chính sách riêng cho thị trường khách Trung Quốc

21:15 | 27/05/2018
Chia sẻ
Thái độ không hay, vi phạm thuần phong mỹ tục của địa phương, thậm chí là có những hành vi tuyên truyền "chủ quyền" sai trái của một số du khách Trung Quốc trong thời gian gần đây đã gây ra sự bức xúc trong dư luận.
can chinh sach rieng cho thi truong khach trung quoc Những mối lo và kỳ vọng từ du khách Trung Quốc
can chinh sach rieng cho thi truong khach trung quoc Lợi và lo khi du khách Trung Quốc tràn ngập các nước châu Á
can chinh sach rieng cho thi truong khach trung quoc
Du khách Trung Quốc làm thủ tục xuất cảnh ở Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh. Ảnh: Minh Duy

Một số người đặt ra vấn đề phải có bộ quy tắc ứng xử riêng dành cho du khách Trung Quốc để phần nào giải quyết những lộn xộn, kém văn hóa trong cách ứng xử của du khách nước này khi đi du lịch Việt Nam. Thiết nghĩ, đây chưa hẳn là giải pháp tối ưu giúp giải quyết triệt để vấn đề này mà vẫn đảm bảo đem lại hiệu quả kinh tế từ thị trường lớn nhất của ngành du lịch. Để quản lý thị trường đặc thù như Trung Quốc thì ngành du lịch cần phải có chính sách riêng.

Trước hết, nói về bộ quy tắc ứng xử. Những bộ quy tắc như thế này là không thiếu vì hiện tại có hàng loạt bộ quy tắc ứng xử dành cho du khách ở Việt Nam. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch và nhiều tỉnh, thành khác cũng có bộ quy tắc tương tự cho du khách khi đến địa phương cho nên không cần thiết phải có thêm một bộ nữa.

Vấn đề là, để hướng cho du khách hành xử đúng thì những bộ quy tắc này phải được thể hiện bằng tiếng Trung Quốc, phải phát tận tay cho khách du lịch, khi họ vừa nhập cảnh vào Việt Nam để biết điều nào nên làm, điều nào nên tránh. Hướng dẫn viên du lịch cũng cần được tập huấn đầy đủ và bắt buộc phải thông báo cho khách về những quy tắc này khi đi du lịch Việt Nam.

Đây là cách mà những nước đón nhiều khách du lịch Trung Quốc, trong đó có Thái Lan áp dụng nhằm giúp du khách hành xử phù hợp với văn hóa bản địa nhưng điều này chưa được thực hiện tốt tại Việt Nam. Trong đó, Khánh Hòa là một ví dụ. Tuy là một "điểm nóng" đón du khách Trung Quốc nhưng rất khó tìm được bộ quy tắc ứng xử ở sân bay quốc tế. Hàng loạt khách sạn có khách Trung Quốc lưu trú cùng nhiều điểm du lịch, nhà hàng cũng không có bộ quy tắc này.

Thêm vào đó, việc tạo nên một bộ quy tắc riêng cho một thị trường nào đó có thể sẽ tạo nên sự phản ứng tiêu cực từ du khách. Thử hình dung, nếu người Việt đi du lịch Thái Lan, Singapore hay Hàn Quốc mà những nước này lại có bộ quy tắc riêng, chỉ dành cho người Việt, buộc người Việt phải tuân theo thì tâm lý của khách sẽ không thoải mái. Thậm chí, có thể có những người coi đó là sự kỳ thị và quay lưng lại với điểm đến.

Vài năm trước, nhiều khách du lịch người Việt đã phản ánh cách ứng xử của một nhà hàng ở Thái Lan, khi thông báo bằng tiếng Việt yêu cầu khách không lấy quá nhiều đồ ăn, nếu để thức ăn thừa sẽ bị phạt. Với nhiều du khách Việt, đó là sự kỳ thị. Với du khách Trung Quốc, tôi tin rằng số lượng người hành xử kém văn minh luôn ít hơn người cư xử đúng mực cho nên giải pháp của chúng ta là phục vụ tốt những du khách văn minh, cư xử đúng mực, đàng hoàng và xử phạt nặng những người vi phạm. Thay vì làm bộ quy tắc riêng cho khách du lịch Trung Quốc thì cơ quan quản lý nên có những bản hướng dẫn về thói quen, tâm lý, thị hiếu của khách để phát cho những người cung cấp dịch vụ nhằm giúp họ hiểu và phục vụ khách hàng tốt hơn. Điều này cũng sẽ giúp hai phía tránh được những tình huống khó xử.

Trên thực tế, những vấn đề gắn với khách du lịch Trung Quốc không phải chỉ đến từ sự cư xử, hành vi kém văn minh của một nhóm khách mà còn bắt nguồn từ những hạn chế trong công tác quản lý; chưa kể thái độ của công chúng đối với du khách Trung Quốc cũng phần nào bị chi phối bởi những sự việc, sự kiện thời sự như chuyện doanh nghiệp Trung Quốc ép giá khi mua hàng hóa của nông dân trong nước, thương lái Trung quốc lũng đoạn thị trường và đặc biệt là vấn đề về chủ quyền lãnh thổ.

Trong đó, những hạn chế về quản lý dịch vụ du lịch, doanh nghiệp nước ngoài tham gia sâu vào thị trường, khép kín vòng tròn dịch vụ, ép giá, tour 0 đồng... không chỉ diễn ra ở thị trường này mà còn nhiều thị trường khác nhưng Trung Quốc là thị trường quá lớn, lại sát bên nên những vấn đề này càng dễ xảy ra và dễ trở thành chuyện lớn.

Thực tế trên đòi hỏi cơ quan quản lý có chính sách riêng để quản lý và phát triển thị trường đặc thù như Trung Quốc. Chính sách riêng đó phải buộc doanh nghiệp nước ngoài tuân thủ pháp luật, phải đóng thuế để thị trường phát triển lành mạnh, ngành thuế không thất thu và ngành du lịch vẫn đón được nguồn khách lớn. Chính sách cũng cần đi kèm với những chiến lược quảng bá, tiếp cận để thu hút khách hàng nhằm giảm sự lệ thuộc vào doanh nghiệp Trung Quốc, tạo thế chủ động của ngành du lịch và phát triển dịch vụ tại chỗ để phục vụ khách hàng tốt hơn thì mới giúp thị trường phát triển bền vững.

Minh Duy