Cận cảnh dự án tòa tháp Eximbank ‘bất động’ 8 năm làm bãi giữ xe giữa trung tâm Sài Gòn
Với vốn đầu tư ban đầu dự kiến 150 triệu USD, tháp Eximbank tọa lạc tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, được ngân hàng kỳ vọng sẽ là một công trình kiến trúc với nhiều điểm nhấn của Sài Gòn khi đi vào hoạt động từ đầu năm 2017.
Tuy nhiên đến nay, sau gần 8 năm "bất động", khu đất vàng 3.513,7 m2 ngay giữa trung tâm Sài Gòn, giáp bên chợ Bến Thành, vẫn là khu đất trống đang được tận dụng làm bãi giữ xe.
Vị trí đắc địa của dự án tòa tháp Eximbank ngay trung tâm quận 1, TP HCM. (Nguồn: Google map)
Hình ảnh thực tế dự án tòa tháp Eximbank
(Ảnh: BM)
Dự án nằm ngay đầu đường Lê Thị Hồng Gấm và góc đường Camette. (Ảnh: BM)
(Ảnh: BM)
Bên ngoài dự án được tận dụng làm nơi tập trung các xe đổ rác. (Ảnh: BM)
(Ảnh: BM)
Khu đất dự định xây trụ sở mới của Eximbank trở thành bãi giữ xem trong nhiều năm qua. (Ảnh: BM)
(Ảnh: BM)
(Ảnh: BM)
NHNN vẫn chưa phản hồi phương án đầu tư dự án của Eximbank
Được biết trong năm 2017, Eximbank và Savills đã tìm được 16 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi thư bày tỏ quan tâm dự án, gồm Cotteccons, Indochina Kajima, Shimizu, Taisei, Tokyu, Beutiful Saigon, Ben Thanh Land, Daibiru, Keppel Capital, Kussto, Vina Capital, Korea Investment, Mitsubishi Estate Asia, Nomura, Sappire - Gicdc, Lodgis.
Trên cơ sở tư vấn của Savills, ngày 18/12/2018, HĐQT Eximbank ban hành Nghị quyết chấp thuận chọn nhà đầu tư Mitsubishi Estate Asia là ưu tiên 1, Taisei là ưu tiên 2, Keppel Capital là ưu tiên 3 để ngân hàng tiến hành các bước tiếp theo sau khi Ngân hàng Nhà nước có ý kiến chấp thuận về hình thức đầu tư đối với dự án.
Mitsubishi Estate Asia đã đưa ra phương án giá trị đất tính khoảng 111 triệu USD, tổng chi phí xây dựng 114,4 triệu USD; diện tích sàn sử dụng phân bổ cho Eximbank là 18.647 m2 (chiếm 49,2% tòa nhà), thời gian phát triển dự án khoảng 48 tháng.
Eximbank cho hay thêm, thời gian qua đã gửi văn bản lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để xin ý kiến về phương thức Eximbank góp giá trị quyền sử dụng đất và phân chia tài sản nhưng NHNN chưa có ý kiến. Trường hợp NHNN không đồng ý cho Eximbank đầu tư theo phương thức này thì chấp thuận cho Eximbank đầu tư bằng nguồn vốn của ngân hàng, phần diện tích không sử dụng hết sẽ cho thuê theo quy định của pháp luật.
Đến hết 2015, Eximbank đã chi khoảng 196 tỉ đồng làm các thủ tục thực hiện dự án
Ngày 28/11/2011, Eximbank đã chính thức di dời trụ sở chính sang địa chỉ mới là tầng 8, văn phòng số L8-01-11+16 tòa nhà Vincom Center số 72 Lê Thánh Tôn và 47 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM và giao địa điểm số 7 Lê Thị Hồng Gấm để chuẩn bị thực hiện xây trụ sở mới của Eximbank.
Tháng 12/2011, Eximbank cho hay tiến hành ký kết hợp đồng tư vấn dự án với Công ty Tư vấn Quản lý dự án - Giám sát Tunner và Công ty Tư vấn Thiết kế Nikken Sekkei.
Khi đó, Eximbank cho hay dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 150 triệu USD, dự định đưa vào hoạt động cuối năm 2016 và đầu 2017 và đây sẽ là Hội sợ của Eximbank.
Tháp Eximbank theo kế hoạch là công trình phức hợp 40 tầng, cao 163 m, gồm có bãi đậu xe, văn phòng hạng A, căn hộ cao cấp… được xây dựng trên khu đất diện tích 3.514 m2. Sau khi hoàn thành, Eximbank tự tin đây sẽ là một trong những công trình có quy mô và điểm nhấn kiến trúc của TP HCM.
Đến tháng 1/2013, HĐQT Eximbank thống nhất về báo cáo tiền khả thi tháp Eximbank. Phiên họp HĐQT ngày 16/12/2013, Eximbank thống nhất các ý kiến đề xuất của Quản lý dự án – Công ty Turner Việt Nam và Nikkei Sekkei về việc chọn nhà thầu cho gói thầu BP02 – Cọc và Tường vây của dự án tháp Eximbank.
Phối cảnh dự án tòa tháp Eximbank
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2014, Eximbank bắt đầu có hẳn một tờ trình riêng về việc xây dựng tháp Eximbank tại số 07 Lê Thị Hồng Gấm, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM.
Thời điểm đó, lãnh đạo ngân hàng cho hay hồ sơ pháp lý đã thực hiện xong thủ tục với cơ quan chức năng về chỉ tiêu quy hoạch, chứng nhận đầu tư, chấp thuận chỉ tiêu dân số cho dự án, chấp thuận dự án nhà ở, giấy phép thi công và thử tải cọc, chấp thuận độ cao tỉnh không, thẩm duyệt thiết kế PCCC, ý kiến Bộ Xây dựng về thiết kế cơ sở, thỏa thuận đầu nối hạ tầng kỹ thuật, giao thông, môi trường…
Về hồ sơ thiết kế, ngân hàng cho hay đã thực hiện xong bước thi tuyển phương án kiến trúc, thiết kế sơ bộ, thiết kế cơ sở, thiết kế phát triển, thiết kế kỹ thuật đang thẩm tra và lấy ý kiến thẩm tra thiết kế từ Bộ Xây dựng trước khi xin phép và giám sát xây dựng, hợp đồng thiết kế, hợp đồng quản lý khối lượng, hợp đồng thi công và thử tải cọc, hợp đồng khảo sát thi công lân cận, hợp đồng bảo hiểm công trình…
Tình hình triển khai trên thực địa khi đó Eximbank cho hay đã hoàn thành dỡ công trình hiện hữu, rà phá bom mìn, thi công hàng rào tạm bao che dự án, khảo sát công trình lân cận, thi công và thử tải cọc.
Qua đó, Eximbank xin đại hội chấp thuận đầu tư dự án với dự toán khoảng từ 3.992 tỉ đến 4.316 tỉ đồng (đã gồm tiền đất và nghĩa vụ tài chính). Tổng vốn đầu tư này sẽ được đối tác đầu tư trên cơ sở hợp đồng hợp tác kinh doanh trên cơ sở nguyên tắc và điều kiện được HĐQT xem xét.
Đại hội thường niên 2015, HĐQT Eximbank cho hay đã thống nhất về chức năng văn phòng trung ương của Eximbank với 15 tầng, 3 tầng kỹ thuật, 25 tầng với 225 căn hộ và 5 tầng hầm đậu xe. Đồng thời vẫn tiếp tục chờ đợi thủ tục triển khai công trình.
Đại hội 2016, một lần lượt việc đầu tư trụ sở Lê Thị Hồng Gấm tiếp tục được trình cổ đông. Ngân hàng cho hay dự án bắt đầu triển khai từ tháng 4/2011 nhưng đến ngày 3/2/2015 thì bị tạm dừng. Tính đến hết năm 2015, Eximbank đã chi khoảng 196 tỉ đồng để làm các thủ tục thực hiện dự án này.
Eximbank công bố thông tin về tổ chức tư vấn lập dự án đầu tư là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Thiết kế và Dịch vụ Dự án Thục Trang Anh (TTAD). Tư vấn lập khái toán chi phí xây dựng Công ty TNHH Langdon Seah. Diện tích sàn xây dựng 68.498 m2; gồm 17.270 m2 diện tích căn hộ, 12.231 m2 văn phòng, 16.693 m2 tầng hầm, 22.304 m2 sàn sử dụng chung; diện tích sử dụng đất 3.513,7 m2; chiều cao tối đa dự kiến 163 m.
Eximbank cho hay đã có chủ quyền đất hợp lệ và cần thực hiện đóng nghĩa vụ tài chính bổ sung khoảng 200 tỉ đồng để được chấp thuận. Chi phí xây dựng thay đổi còn 3.600 tỉ đồng.
Trong năm này, Eximbank đề xuất điều chỉnh quy mô, chức năng, tiêu chí kiến trúc quy hoạch dự án; chọn đối tác để liên doanh, hợp tác đầu tư. Trong đó, Eximbank chỉ góp vốn bằng Quyền sử dụng đất, phía đối tác đầu tư vốn để xây dựng. Sau khi hoàn thành, Eximbank được quyền sở hữu một phần mặt bằng văn phòng của tòa nhà.
Tháng 8/2016, Eximbank thống nhất thuê Công ty TNHH Savills Việt Nam tư vấn nghiên cứu thị trường, từ đó Eximbank sẽ xem xét sử dụng tiếp tục thiết kế hiện hữu của Nikken Sekkei hay thay đổi phương án thiết kế khác thì hiệu quả hơn cho dự án, những hạng mục nào có thể được sử dụng khi tiếp tục triển khai dự án.