Cán cân tổng thể thặng dư hơn 3 tỷ USD trong quý II
Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, trong quý II, cán cân tổng thể thặng dư 3,04 tỷ USD, trước đó con số trong quý I là 1,54 tỷ USD. Cán cân vãng lai thặng dư 7,86 tỷ USD, cán cân tài chính thâm hụt 2,7 tỷ USD.
Như vậy sau 4 quý của năm 2022 cán cân tổng thể âm, cán cân tổng thể đã thặng dư ở mức khá đúng như dự báo của nhiều chuyên gia.
Cán cân tổng thể thâm hụt hay thặng dư có liên quan mật thiết với vấn đề tỷ giá. Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup quan sát từ các dữ liệu có được cho thấy một quy luật tỷ giá chỉ thực sự tăng mạnh khi cán cân tổng thể thâm hụt lớn.
Nhìn lại thời điểm quý III/2022, cán cân tổng thể âm 15,6 tỷ USD, do vậy tỷ giá căng thẳng là điều hiển nhiên. Trong khi đó giai đoạn năm 2019, 2020, tỷ giá tăng không phải do vấn đề từ cán cân tổng thể nên sau đó được xoa dịu khá nhanh.
CEO WiGroup cũng dự báo cán cân tổng thể sẽ thặng dư khá trong quý II và quý III, cả năm 2023 thặng dư từ nhẹ đến mức trung bình. Việt Nam có nguồn kiều hối mỗi năm khoảng 14 tỷ USD, trong khi đó cán cân thương mại 8 tháng đầu năm thặng dư hơn 20 tỷ USD. Vì thế ông cho rằng tỷ giá sẽ không thể biến động mạnh mà sẽ sớm đi vào trạng thái ổn định.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia cũng nhấn mạnh cán cân thanh toán tổng thể cần thặng dư, nếu không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung ngoại tệ, gây thêm áp lực cho tỷ giá.