‘Căn bệnh’ đột kim của người FPT và màn chuyển hướng kịp thời của Chủ tịch Trương Gia Bình
Tại sự kiện do Gapowork và Newing tổ chức gần đây, nói về văn hoá doanh nghiệp ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT kể câu chuyện tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam đã quay lại giá trị cốt lõi thế nào.
Ngày 13/12/2006, FPT lên sàn. Chỉ sau một đêm, FPT có 150 triệu phú đô la. “Lúc đó, chúng tôi mắc bệnh đột kim, tức là đột nhiên có nhiều tiền quá”.
Thời điểm đó, ông Tiến kể, FPT quyết định mở ngân hàng, mở quỹ đầu tư, tham gia vào bất động sản, mở công ty chứng khoán và chuẩn bị mở công ty bảo hiểm. Chỉ sau 3 năm, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT, nhận ra “trên đời không ai giỏi mọi thứ”. Người đứng đầu tập đoàn quyết định FPT phải quay lại giá trị cốt lõi.
Giá trị cốt lõi ở FPT được xác định là con người và công nghệ. FPT bán phần ngân hàng, tuyên bố dừng đầu tư vào bất động sản, bán quỹ, bán cổ phần chi phối công ty chứng khoán và không làm công ty bảo hiểm.
Tập đoàn quay lại đầu tư vào công nghệ, giải pháp và sản phẩm. Chuyển hướng chiến lược giúp FPT đã hái quả ngọt khi năm 2023 tập đoàn này cán mốc doanh thu 1 tỷ USD xuất khẩu phần mềm.
Con số này đã đưa FPT gia nhập nhóm doanh nghiệp dịch vụ CNTT tỷ đô. Doanh thu này chủ yếu từ ba thị trường trọng điểm là Nhật Bản, châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. Năm nay, FPT đặt mục tiêu sẽ thu về gần 62.000 tỷ đồng và lợi nhuận vượt mốc 10.000 tỷ đồng. Doanh thu từ các trụ cột là công nghệ, viễn thông đều kỳ vọng tăng trưởng hai chữ số.
Chia sẻ về hành trình đạt được mốc doanh thu trên, ông Hoàng Nam Tiến nói đó không chỉ là may mắn mà còn là kết quả của niềm tin mãnh liệt và sự chăm chỉ, sáng tạo không ngừng nghỉ của toàn bộ đội ngũ FPT. "1 tỷ USD đó đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt và thanh xuân tuổi trẻ của các anh em FPT Software", ông chia sẻ.
Ông Tiến nhấn mạnh rằng: “Đã qua rồi cái thời kỳ có thể đánh cướp, có thể nhờ quan hệ, nhờ đồng tiền mà thành đạt nhanh chóng. Đây là thời chúng ta có thể nói đàng hoàng với nhau rằng, thực học mới có thể thành công”.
Theo Phó Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT, ông đã tiếp xúc với các chủ doanh nghiệp, nhiều người lúng túng cả ngày trời không trả lời được câu hỏi đâu là giá trị cốt lõi và năng lực cốt lõi của công ty. Đặc biệt, câu trả lời khó hơn nữa mà các doanh chủ phải rõ đó là đâu là con người cốt lõi.
Theo giải thích, con người cốt lõi là nhân sự mà khi công ty gặp khó khăn, phải sa thải từ Phó Tổng Giám đốc tới Tổng giám đốc thì vẫn phải giữ lại con người đó. “Có thể chức vụ của họ không cao, nhưng về giá trị họ là con người cốt lõi của doanh nghiệp”, ông nói.
“Có rất nhiều doanh nghiệp thích nói về văn hoá nhưng văn hoá đó lại là của lãnh đạo. Cả công ty chỉ có một người, thay ai vào cũng được trừ ông chủ. Tất nhiên, công ty ấy có thể rất phát triển nếu lãnh đạo là người sáng suốt nhưng không có cách nào xây dựng được văn hoá vì vị lãnh đạo đó mà đi là xong ngay”, ông Tiến nhấn mạnh.
Theo vị diễn giả, chỉ khi trả lời được ba câu hỏi về giá trị, năng lực và con người cốt lõi thì mới có thể xác định được văn hoá doanh nghiệp và liệu có thể quản trị doanh nghiệp bằng văn hoá hay không.