|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cải thiện thứ hạng cạnh tranh: Còn nhiều thách thức phải vượt qua

06:50 | 21/10/2019
Chia sẻ
Mặc dù lạc quan trước sự thăng hạng về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua.

Với việc tăng ngoạn mục 10 bậc và 3,5 điểm, vươn lên đứng vị trí 67 trong 141 nền kinh tế được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng, Việt Nam trở thành quán quân trong cuộc đua cải thiện thứ hạng trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 (GCI 2019).

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, việc Việt Nam cải thiện thứ hạng cạnh tranh đã diễn ra trong nhiều năm. Trước đó, Việt Nam bắt đầu bước vào cuộc đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới với xuất phát điểm khiêm tốn và có vị trí rất thấp. 

Bước sang năm 2019, thứ hạng này đã nhảy vọt lên, đây là kết quả của công cuộc cải cách và là kết quả của quá trình hội nhập tích cực của Việt Nam.

Quá trình hội nhập và cải cách này đã đan xen với nhau và giúp Việt Nam có thể hòa nhập, tiếp cận được các quy định, các tiêu chuẩn, chuẩn mực của thế giới và được thế giới công nhận.

Cải thiện thứ hạng cạnh tranh: Còn nhiều thách thức phải vượt qua - Ảnh 1.

Mặc dù Việt Nam trở thành quán quân trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2019 nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt phải vượt qua.

Ông Doanh dẫn chứng, năm 2018, điểm số về các chỉ tiêu của Việt Nam đều có sự cải thiện rất rõ rệt, ví dụ về chỉ tiêu quy mô thị trường được xếp thứ 29, thị trường tài chính sếp thứ 59, năng lực  đổi mới sáng tạo chỉ xếp thứ 82. Chỉ tiêu được xếp thấp nhất là thị trường hàng hóa được xếp thứ 102, mức độ năng động kinh doanh thì xếp thứ 101…

Bước sang năm 2019, mức độ năng động kinh doanh đã được tăng lên, xếp thứ 89 và quy mô thị trường được xếp thứ 26; Về thể chế, từ xếp thứ hạng 94 đã vươn lên xếp thứ 89; mức độ ứng dụng công nghệ thông tin từ xếp thứ hạng 95 đã vọt lên xếp thứ hạng 41.

Với sự cải thiện vượt bậc về năng lực cạnh tranh, nhiều người quan ngại, liệu sự tăng trưởng này có bền vững?

TS. Lê Đăng Doanh khẳng định, sự tăng trưởng, cải thiện này là bền vững. Trong đó, công nghệ thông tin là bền vững nhất. Một số chỉ tiêu khác như ổn định kinh tế vĩ mô thì không có sự thay đổi, năm 2019 vị ở vị trí 64 như năm trước đó. Về y tế có bước tụt lùi 3 bước, năm trước xếp thứ 68 thì năm nay xếp thứ 71.

Lạc quan trước sự thăng hạng về năng lực cạnh tranh của Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, sự cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam là kết quả bước đầu minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ Việt Nam thời gian qua. 

Đó là nỗ lực ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chương trình cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. 

“Cùng với đó là những chủ trương và giải pháp quan trọng thúc đẩy thực hiện chính phủ điện tử và nền kinh tế số, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN…

 Đó là những thành quả tăng trưởng cao kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm trước, cùng với sự chuyển dịch về cơ cấu và cải thiện bước đầu về chất lượng tăng trưởng, bất chấp tình trạng suy giảm nhịp độ tăng trưởng và bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu trước trào lưu của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, nhìn nhận một cách khách quan, ông Lộc cho rằng, con đường cải cách phía trước còn nhiều chông gai và hành trình cải cách còn rất nhiều việc phải làm.

Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, mức xếp hạng của sự cải thiện này rất đáng trân trọng nhưng cũng phải lưu ý rằng, chúng ta chỉ hơn 3 nước Lào, Campuchia và Myanmar, còn kém tất cả các nước ASEAN. Do đó, chúng ta phải nỗ lực tiếp tục rất lớn để thoát khỏi vị trí thứ 67 này, phải ở vị trí 25 hoặc 30 thì mới có thể sánh vai với các cường quốc năm châu.

Các chuyên gia kinh tế khác thì cho rằng, mặc dù Việt Nam có những cải thiện đáng kể về năng lực cạnh tranh, song phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề về thể chế, kỹ năng, môi trường kinh doanh và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. 

Bởi vậy, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ, thực chất và toàn diện hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế một cách bền vững và mang lại sự thịnh vượng cho người dân, đất nước.

Chung Thủy