Cải thiện môi trường kinh doanh là hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực nhất
Thưa ông, nếu môi trường kinh doanh cải thiện nhanh, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, doanh nghiệp, doanh nhân sẽ an tâm đầu tư mở rộng, đầu tư mới. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Chính phủ nhấn mạnh và ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng năm 2024 nhưng không xem nhẹ ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là điểm khác trước. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, theo tôi phải làm tốt hơn việc ổn định vĩ mô, tức là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên nền tảng ổn định vĩ mô, theo đó, cần thực hiện mạnh mẽ những cải cách ở trong nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần tận dụng các thuận lợi bên ngoài, ví dụ như thị trường và công nghệ Hoa Kỳ. Hai yếu tố này, nước nào tận dụng được thì phát triển được; đặc biệt, phải xóa bỏ được tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm - là một trong những rào cản lớn nhất hiện nay.
Điều tôi đang lo ngại đó là đầu tư tư nhân rất thấp. Điều tôi quan tâm nhất là cải thiện môi trường kinh doanh. Nền kinh tế không có đầu tư sẽ không thể tăng trưởng; đồng nghĩa không phát triển, không tạo được công ăn việc làm và năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế.
Tôi tin rằng, việc ban hành riêng Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024 mạnh mẽ sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể. Đây là điều mà cộng đồng doanh nghiệp rất mong chờ, là động lực thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và ít tốn kém nhất, khích lệ đầu tư tư nhân.
Điểm mới, quan trọng của Nghị quyết 02/2021/NQ-CP là nhiệm vụ không dừng lại ở các kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh như giai đoạn trước mà là tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển tới của nền kinh tế như chuyển đổi số, kinh tế số với các kế hoạch dài hơi.
Ngay trong phần nhiệm vụ, Chính phủ xác định rõ, có những chỉ tiêu khó cải thiện trong giai đoạn ngắn, cần có chiến lược, kế hoạch trung, dài hạn và lộ trình thực hiện như các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nghèo đa chiều… hay xây dựng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, yêu cầu phối hợp giữa các Bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ được đặt thành mục riêng.
Như vậy, yêu cầu cải cách đang được đặt mạnh hơn, đòi hỏi các Bộ, ngành vào cuộc thực chất với tâm thế là phải thay đổi. Như vậy, dư địa cải cách đang mở rộng với nhiệm kỳ Chính phủ mới, bắt đầu ngay từ các công việc hiện tại.
Thưa ông, năm 2024, kinh tế thế giới sẽ có tác động ra sao tới nền kinh tế trong nước?
Tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì nhưng đang giảm dần và ở mức không đủ để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Mọi dự báo đều cho rằng kinh tế thế giới 2024 có cải thiện nhưng không đáng kể so với 2023, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn hiện hữu.
Cục diện thế giới tiếp tục chuyển động theo xu hướng “đa cực, đa trung tâm”. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa chậm lại, đang có sự cắt khúc, phân mảng và đang thiên về nội khối.
Đặc biệt, kinh tế thế giới đang có xu hướng mới như chuyển đổi số và kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế thông minh. Các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong các ngành công nghệ cao, đang có xu hướng hồi hương dịch chuyển sản xuất về gần nhà và sang các nước đồng minh thân cận, thậm chí về hẳn sân nhà để quản lý rủi ro và giảm chi phí vận hành.
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh, giảm phát thải… sẽ ngày càng được áp dụng phổ biến. Đáng chú ý, xu thế đưa ra rào cản hạn chế thương mại gia tăng, áp lực chuỗi cung ứng toàn cầu giảm, những biện pháp tạo thuận lợi thương mại đang ít đi, trong khi cầu thế giới phục hồi yếu ớt.
Những diễn biến trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế trong nước, tạo thách thức lớn đối với các sản phẩm cũng như xuất khẩu của Việt Nam, từ đó tác động tiêu cực đến sản xuất trong nước. Tuy vậy, cần khẳng định rằng, chúng ta đã nỗ lực vượt qua năm 2023 đầy thách thức, khó khăn và áp lực lớn cho công tác điều hành. Kết quả, tình hình kinh tế tốt dần lên qua từng tháng, qua từng quý. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước.
Trong bối cảnh dự báo nhiều khó khăn hơn là thuận lợi, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục với năm đầy khó khăn, dự báo tăng trưởng GDP 2024 có khả năng ở mức 5,5%. Như vậy, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% của kế hoạch 2021 - 2025 trở thành thách thức.
2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, nếu tăng trưởng GDP đạt 6%, thì năm 2025 GDP phải tăng tới 12% mới đạt mục tiêu nhiệm kỳ. Nhưng chưa bao giờ kinh tế Việt Nam tăng trưởng 10%, cao nhất là 9,5% năm 1995.
Điều lo ngại nữa là đầu tư tư nhân đang rất thấp. Trước đây đầu tư tư nhân thường tăng 13 - 15% so với năm trước, nhưng năm 2023 chỉ tăng 2,7%. Khu vực kinh tế tư nhân là lực lượng quan trọng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo ra phần lớn việc làm cho người lao động, đây là khu vực không thể thiếu để thúc đẩy kinh tế - xã hội. Nếu kinh tế tư nhân không duy trì được thì sẽ khó thúc đẩy phát triển kinh tế.
Doanh nghiệp Việt Nam đang rơi vào tình trạng khó khăn nhất từ trước đến nay. Vì thế, cần tạo thuận lợi tối đa, cắt giảm mọi rào cản để doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phục hồi, tiếp cận với những cơ hội mới để phát triển. Đồng thời, cần tạo ra một thể chế chắc chắn, rõ ràng, minh bạch và có thể dự báo được những thời cơ, thách thức để doanh nghiệp tiên liệu được trong hoạt động của mình.
Để vượt qua thách thức, vượt qua khó khăn, đạt được kết quả như kỳ vọng, tôi có điều nữa muốn nhấn mạnh: phải nhìn thẳng vào hiện thực khách quan, cần phải đánh giá đúng thực tế, xác định trúng vấn đề để có những quyết sách đúng đắn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!