|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cách xử lí sau khi mắc sai lầm nghiêm trọng ở công ty

20:10 | 28/08/2019
Chia sẻ
Trong cả sự nghiệp, bạn đôi khi sẽ mắc phải những sai lầm nghiêm trọng ở công ty và giờ thì bạn phải tìm cách giải quyết trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn nữa.

Bạn đã gửi email tuyệt mật của công ty tới nhầm địa chỉ? Hay gặp rắc rối với một khách hàng lớn và khiến công ty mất hợp đồng?

Tất cả chúng ta đều phạm sai lầm nhưng khi sơ suất xảy ra tại nơi làm việc, cách phản ứng khôn ngoan có thể giúp giảm thiểu những thiệt hại hay ảnh hưởng xấu tới bạn. Các chuyên gia của CNN đã liệt kê 6 cách thông minh nhất bạn nên áp dụng sau khi phạm phải sai lầm tai hại.

Đừng né tránh

Đừng bỏ qua mọi thứ và hi vọng rằng không ai bắt lỗi. Bạn nên trở thành người chủ động chỉ ra điều đó và nhận trách nhiệm.

Denise Dudley, một nhà tâm học hành vi cho biết: "Trở thành người cung cấp thông tin về sai lầm do chính bạn gây ra sẽ cho bạn quyền kiểm soát và vị trí tích cực hơn cũng như dễ dàng giảm thiểu thiệt hại".

Khi người quản lí biết về sai lầm từ bạn, họ sẽ hiểu rằng bạn thực sự chú ý tới công việc và chịu trách nhiệm.

"Vị trí đầu tiên trong bất kì sự kiện nào cũng đều tạo tiền đề cho các cuộc thảo luận trong tương lai cũng như xây dựng ấn tượng tốt đẹp ban đầu", Marie McIntyre - chuyên gia hướng nghiệp ở Atlanta và tác giả cuốn sách "Secrets to Winning at Office Politics" tiết lộ.

Ngược lại, nếu người quản lí biết về sai lầm của bạn từ đồng nghiệp khác, bạn sẽ phải đối mặt với mọi định kiến họ đã hình thành trong đầu về bạn.

Giữ bình tĩnh

Một phản ứng khá phổ biến khác là bạn trở nên hết sức nhạy cảm trước bất cứ nhận xét nào từ người khác. Cảm xúc có thể lan truyền trong văn phòng nên nếu bạn bối rối và quá phòng vệ, những người khác cũng sẽ như vậy.

"Mọi người sẽ nhận được tín hiệu từ bạn," Dudley nói. "Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đang gửi đi dấu hiệu của sự bình tĩnh, chuyên nghiệp để chủ động xử tình huống".

Như đã nói, phản ứng nghiêm túc với vấn đề này cũng cho thấy bạn không xem nhẹ tình huống và thực sự ý thức được sơ suất.

28609014_s

Những sơ suất trong công việc sẽ trở thành rắc rối lớn nếu bạn không biết cách khắc phục. Ảnh: CNN

Thừa nhận sơ suất và tìm cách khắc phục

Khi đã xác định sai lầm, hãy thừa nhận và xin lỗi bất cứ ai bị ảnh hưởng và cố gắng sửa chữa nhanh nhất có thể.

Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc đưa ra giải pháp, đừng ngại nhận sự giúp đỡ của người khác. "Đừng chỉ ngồi im và vò đầu bứt tai", Dudley nói. Sẽ tốt hơn nhiều khi bạn có thể nói với người quản lí rằng bạn đang tìm kiếm giải pháp và cần một số chỉ dẫn.

Hãy xin lỗi chân thành và thẳng thắn

Tất cả mọi sai lầm từ nhỏ đến lớn đều cần một lời xin lỗi nhưng với những sơ suất lớn ở nơi làm việc, điều quan trọng là phải nói ra những cụm từ thực tế.

"Khi bạn nghe một số từ hoặc cụm từ nhất định, bạn sẽ cảm thấy các giải pháp khắc phục thực tế hoặc vững chắc hơn", Dudley giải thích. "Sử dụng các từ 'xin lỗi' hoặc 'tôi xin lỗi' rất quan trọng. Đừng sử dụng những câu văn phức tạp, rườm rà mà chỉ cần nói 'Tôi đã phạm sai lầm và tôi xin lỗi vì điều đó'".

Dù bạn không cố ý đánh lạc hướng khi bày tỏ sự hối hận, việc lạm dụng những cụm từ như vậy trong tình huống xấu chỉ gây ra phản cảm và khiến người khác gay gắt với bạn hơn.

Điều cốt lõi là giải thích với người quản lí về nguyên nhân xảy ra sơ suất và bạn sẽ làm gì để ngăn chặn. "Hãy trình bày chi tiết những gì đã xảy ra, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của bạn", McIntyre khuyên.

Trong trường hợp sơ suất của bạn gây ảnh hưởng tới các đồng nghiệp khác, hãy thừa nhận trách nhiệm của bạn với tất cả mọi người có liên quan. Ngay cả khi lỗi không hoàn toàn thuộc về bạn, đừng tìm cách đổ lỗi.

"Bạn có thể giải thích rằng đó không hoàn toàn là lỗi của bạn nếu những người khác cũng ý thức được điều đó", McIntyre giải thích. Ngược lại, những lời phân trần dông dài chỉ gây thêm khó chịu và tốn thời gian.

Học hỏi từ thất bại

Học hỏi từ những sai lầm giúp chúng ta không lặp lại chúng nên hãy dành thời gian để đánh giá các trường hợp và yếu tố trong sự việc đáng tiếc đã xảy ra.

Bạn có bị phân tâm? Bạn đã kiêm nhiệm quá nhiều việc? Bạn đã quên cập nhật những nhiệm vụ mới?

Khi xác định được vấn đề, hãy đề xuất một giải pháp để ngăn chặn sự cố lặp lại và trình bày với người quản lí để cho thấy bạn đang thực hiện các biện pháp tích cực nhất.

Nghỉ ngơi một thời gian

Trong trường hợp bạn đã mắc phải quá nhiều sai lầm trong một thời gian ngắn, hãy cho mình thời gian nghỉ ngơi.

Trước khi làm việc đó, hãy khắc phục hậu quả và xin lỗi để giữ lại ấn tượng tích cực với các đồng nghiệp và người quản lí ngay cả khi trường hợp xấu nhất xảy ra: bạn bị sa thải.

Trong thời gian nghỉ ngơi, hãy tìm kiếm bạn bè, người thân để trò chuyện, tìm ra vấn đề bạn đang gặp phải. 

"Quan trọng nhất, chúng ta phải tha thứ cho chính mình bởi mọi người đều có thể phạm sai lầm", Dudley chia sẻ.

Thu Phương

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.