Dân công sở chuộng gửi tiết kiệm online
Chị Mai, nhân viên truyền thông của một công ty ở quận 10, TP HCM cho biết, sau thông tin liên quan đến vụ việc "vợ bị đột quỵ, ngân hàng không cho chồng rút tiền tiết kiệm", chị đã quyết định chuyển sang gửi tiết kiệm online. "Cách thức gửi này khá tiện, sau khi thao tác gửi hoàn tất, tôi chỉ việc đưa cho chồng thông tin đăng nhập tài khoản, còn mã bảo mật một lần - OTP thì vẫn chỉ đăng ký trên điện thoại của tôi, nếu lỡ xảy ra rủi ro gì với mình thì chồng có thể rút được tiền dễ dàng", chị chia sẻ.
Trong khi đó, Thu Nga, Trưởng phòng nhân sự tại một công ty may mặc thì chọn kênh gửi tiết kiệm online vì giúp cô linh hoạt về thời gian. Nga cho hay, thay vì phải xin nghỉ việc trong giờ hành chính để đến tận quầy giao dịch, hiện cô chỉ cần đăng nhập vào hệ thống ngân hàng điện tử, chuyển tiền từ tài khoản thông thường sang tài khoản tiết kiệm, với kỳ hạn gửi tùy chọn là xong.
Theo Nga, cách thức này không chỉ đỡ tốn thời gian, mà còn giúp cô có thể quản lý tài khoản, từ bản sao kê chi tiết giao dịch, biến động số dư tài khoản, ngày đáo hạn, lãi suất, và tất toán… dù ở bất kỳ đâu chỉ bằng vài cú click chuột thông qua thiết bị điện tử kết nối mạng, đặc biệt là điện thoại thông minh.
"Trước đây gửi kiểu truyền thống, nhiều lúc tôi dự trù phải ra ngân hàng làm các thủ tục tất toán, song công việc bận lại khiến mình mải mê. Đến lúc nhớ ra thì ngân hàng đã hết giờ giao dịch”, chị cho hay.
Ngoài ra, một lý do khiến nhiều người chọn gửi tiết kiệm trực tuyến còn liên quan đến vấn đề lãi suất. Minh Nguyệt, nhân viên phần mềm của một công ty có trụ sở quận 3 cho biết, chị tiết kiệm được 100 triệu đồng, định đem gửi tại một ngân hàng gần chỗ làm việc, tuy nhiên sau khi nghe tư vấn của giao dịch viên rằng gửi tiết kiệm trực tuyến ở cùng kỳ hạn, chị được hưởng thêm 0,2%. "Tức là mỗi năm có thêm 200.000 đồng nên tôi quyết định gửi theo hình thức tiết kiệm này luôn", chị nói.
Dịch vụ tiết kiệm trực tuyến (online) thực ra đã được các ngân hàng triển khai từ năm 2009 nhằm phục vụ những cá nhân bận rộn. Lãnh đạo ACB chia sẻ, với hình thức tiết kiệm trực tuyến này, ưu điểm là người dùng chỉ cần thực hiện các thao tác đơn giản qua Internet Banking của các ngân hàng vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày để chuyển những khoản tiền nhàn rỗi, tích lũy từ tài khoản tiền gửi thanh toán sang tài khoản tiết kiệm. "Khách hàng có thể tất toán sổ tiết kiệm bất cứ thời gian nào khi cần tiền mặt, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ", ông nói.
Và hiện nay, kênh này đang được các nhà băng khá chú trọng cũng như thu hút được lượng lớn khách hàng quan tâm. Theo thông tin từ đại diện Sacombank, từ thời điểm ngân hàng đưa ra sản phẩm tiết kiệm online, lượng sổ mở mới tăng khá mạnh, cứ năm sau sẽ tăng gấp 5 lần năm trước.
Ông phân tích thêm, dịch vụ này không chỉ thuận tiện cho khách hàng mà còn giúp ngân hàng tiếp cận và phục vụ khách 24/7, không bị hạn chế về mặt thời gian như giao dịch tại quầy. Nhà băng cũng tiết kiệm được các chi phí về nhân sự, thuê mặt bằng, tối đa hóa hiệu quả hạ tầng công nghệ hiện đại đã đầu tư... Đây là lý do vì sao gửi tiết kiệm trực tuyến khách hàng lại được tặng thêm lãi suất so với gửi tại quầy.
Do đó, nhiều ngân hàng đang đề ra mục tiêu đẩy mạnh thu hút tiền gửi online. Cụ thể, một số ngân hàng như VPBank, Techcombank… đặt mục tiêu sớm nâng tỷ trọng tiền gửi online lên 30% trong tổng mức tiền gửi của ngân hàng.
Dù gửi tiết kiệm online đang ngày càng được nhiều khách hàng biết tới, nhưng để phát triển mạnh hơn dịch vụ trực tuyến, một chuyên gia nhìn nhận, ngân hàng Việt Nam cần phải giải quyết nhiều vấn đề. Trước hết là trở ngại về tâm lý người Việt Nam, đặc biệt khi một số cá nhân, doanh nghiệp vẫn còn e dè với các dịch vụ thanh toán qua internet và một số khách hàng lo ngại về sự an toàn trong giao dịch thanh toán qua kênh này. Bởi khi gửi tiết kiệm online, người gửi tiền không cầm trong tay chứng từ nào như cách gửi truyền thống.
Lý giải điều này, đại diện Sacombank cho rằng gửi tiết kiệm trực tuyến khá an toàn, vì lệnh giao dịch được thực hiện bởi chính khách hàng, nhân viên ngân hàng không thể can thiệp được. Hơn nữa, khi thực hiện giao dịch gửi tiền online, hệ thống của ngân hàng đã xác thực người dùng nhiều lớp và gửi thông tin xác thực cho khách hàng qua tin nhắn điện thoại, qua email... Thông tin xác thực này không thể giả mạo được và không hề có sự can thiệp của con người mà tự sinh từ hệ thống và được lưu vết trên hệ thống.
Tuy nhiên, để tuyệt đối an toàn khi giao dịch trực tuyến, ông khuyến cáo, khách hàng cần bảo quản điện thoại di động, email và các mật khẩu đăng nhập một cách chặt chẽ, trường hợp thất lạc điện thoại hay bị rò rỉ thông tin... cần thực hiện thay đổi hoặc báo ngân hàng khẩn cấp.