|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cách tối ưu kế hoạch tài chính cá nhân giúp quản lí tiền hiệu quả

12:31 | 25/05/2020
Chia sẻ
Dành thời gian phát triển kế hoạch tài chính cá nhân giúp quản lí tiền thông minh là con đường đúng đắn nhất giúp chúng ta chuẩn bị cho cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ của bản thân trong tương lai.

Trong thời đại ngày nay, rất nhiều người cho rằng nếu bạn có tiền, bạn có mọi thứ, trong khi một số người khác lại nhận định rằng tiền không thể mua được hạnh phúc. Dù bạn ủng hộ quan điểm nào thì rõ ràng bạn vẫn cần tiền để tồn tại. 

Chỉ để tiết kiệm mà không đầu tư sẽ không làm bạn giàu lên nhưng nếu người lại, bạn cũng không có tích luỹ để đảm bảo tương lai của mình. Chính vì vậy, một kế hoạch tài chính cá nhân là rất quan trọng. Kế hoạch sẽ bao gồm việc quản lí tiền và dự định tương lai.

Rõ ràng, cải thiện tình hình tài chính cá nhân bạn sẽ giúp bạn bớt căng thẳng sau này. Với những nỗ lực đầu tư nhỏ, bạn có thể đảm bảo một tương lai thuận lợi phía trước.

Một số phương pháp tối ưu kế hoạch tài chính cá nhân

1. Tạo và duy trì ngân sách của bạn

Hãy chắc chắn rằng bạn có kế hoạch tài chính cá nhân cho riêng mình. Bạn có thể tạo và duy trì ngân sách, quản lí chúng bằng các công cụ có sẵn (cả ngoại tuyến và trực tuyến). Bạn cần theo dõi xem tiền của mình đi đâu, chi tiêu cho những khoản nào. 

Bạn cũng đừng quên đánh giá và phân tích tài sản của mình một cách thường xuyên. Theo dõi tình hình tài chính sẽ giúp bạn nhận thức được tiến bộ của mình và làm rõ các phần cần cải thiện.

Cụ thể, bạn hãy tạo ngân sách cá nhân, chỉ ra chi phí cần thiết và xác định các khoản chi tiêu cần ưu tiên. Quản lí chi tiêu của bạn thành các danh mục như học tập, nhà ở (thuê trọ), thực phẩm, tiện ích, giao thông và tiết kiệm. 

Nếu bạn vẫn còn tiền sau tất cả các chi phí trên, hãy quyết định sử dụng chúng thông qua việc đầu tư một cách khôn ngoan để kiếm lời.

2. Có tiền tiết kiệm

Cách tối ưu kế hoạch tài chính cá nhân giúp quản lí tiền hiệu quả - Ảnh 1.

Tiền tiết kiệm là phần bắt buộc phải có trong kế hoạch tài chính cá nhân.

Bạn nên có đủ tiền tiết kiệm mọi lúc để đối mặt với những trường hợp khẩn cấp không lường trước được. Bắt đầu tiết kiệm cho kế hoạch nghỉ hưu của bạn càng sớm càng tốt. Bạn không bao giờ biết cuộc sống của bạn có thể có những thay đổi ra sao, vì vậy, điều quan trọng là hãy chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất mọi lúc. 

Tái đầu tư thu nhập của bạn cũng là một phương pháp tiết kiệm tốt. Đầu tư sẽ càng dài thì khoản lợi nhuận sẽ càng lớn. Bạn càng bắt đầu các kế hoạch tài chính cá nhân của mình càng sớm, bạn càng dễ dàng đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn của mình.

3. Nhận biết về lối sống "lạm phát"

Có một sự thật mà ai cũng biết đó là bạn càng kiếm được nhiều tiền thì bạn sẽ càng tiêu nhiều. Hiện tượng này được gọi là lối sống lạm phát. Nếu bạn chi tiêu quá mức, nó sẽ phá hỏng kế hoạch tài chính cá nhân của bạn. 

Hầu hết mọi người thường có mong muốn theo kịp xã hội ưu tú nhưng nếu bạn luôn thích dùng bữa trong các nhà hàng sang trọng, bạn sẽ phải đối diện với áp lực tiền bạc vì tốn kém trong thời gian dài.  

Khi bạn bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn, bạn có thể tăng một số khoản chi tiêu để nâng cao lối sống xã hội và mở rộng mối quan hệ tích cực nhưng bạn không được phép hoang phí.

4. Xác định nhu cầu và mong muốn của bản thân

Hãy chắc chắn rằng bạn đã vạch ra ranh giới giữa nhu cầu chi tiêu thực tế và mong muốn của bạn trong kế hoạch tài chính cá nhân để bạn có thể đưa ra quyết định tốt hơn và quản lí tiền hiệu quả hơn. 

Nhu cầu là những thứ mà bạn phải có để tồn tại như thức ăn và nơi ở, trong khi muốn là những điều bạn thích nhưng không quá cần thiết. Hãy ưu tiên nhu cầu và cố gắng hạn chế các mong muốn. Một khi nhu cầu của bạn được thỏa mãn thì hãy xem xét khả năng đạt được mong muốn nếu nó có vẻ hợp lí và vẫn trong ngân sách.

5. Duy trì một quĩ khẩn cấp

Như đã đề cập ở trên, bạn không bao giờ biết những gì có thể xảy ra tiếp theo. Hãy dành một số tiền trong thu nhập của bạn cho quỹ khẩn cấp và đảm bảo rằng bạn có thể tự lo cho mình trong trường hợp xảy ra ốm đau, dịch bệnh hoặc thiên tai. Đó cũng là một phần không thể thiếu trong kế hoạch tài chính cá nhân.

Thu Phương (Tổng hợp)