|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Quản lí tài chính cá nhân thế nào để giàu lên nhanh chóng?

08:08 | 25/03/2020
Chia sẻ
Không cần đến công việc thu nhập trong mơ hay danh mục đầu tư thiên tài, bạn hoàn toàn có thể giàu lên nhờ biết các thủ thuật quản lí tiền bạc.

Bạn muốn kiếm được nhiều tiền? Bạn muốn tự quản tài chính cá nhân của mình thật hiệu quả nhưng không biết cách? Hãy cùng tìm hiểu thủ thuật tài chính cá nhân hữu ích nhất trong bài viết của SwiftSalary để giàu lên nhanh chóng.

1. Chi tiêu ít hơn số tiền bạn kiếm được

Hầu như tất cả mọi người đều từng nghe về lời khuyên này, nhưng không có nhiều người thực sự làm được. Có những người thậm chí còn lập kế hoạch chi tiêu, mua sắm ngay cả trước khi kiếm được tiền. Tuy nhiên, thực tế là nếu bạn không thể làm được, bạn sẽ mãi không thể trở nên giàu có, và tệ hơn, bạn có thể vướng vào các khoản nợ lớn.

Do đó, điều quan trọng là bạn cần có biện pháp tự theo dõi chi tiêu của mình thông qua việc kiểm soát bằng bảng tính Excel hoặc các ứng dụng giám sát tài chính cá nhân miễn phí. Hãy đảm bảo rằng bạn biết mình tiêu tiền vào đâu, sau đó phát hiện vấn đề và cắt giảm các khoản không thực sự cần thiết.

2. Lập kế hoạch ngân sách

Lập kế hoạch ngân sách chỉ đơn giản là tạo ra một kế hoạch tiêu tiền, quyết định các khoản cố định và tiền tiêu vặt cũng như các khoản tiết kiệm, khoản dành cho tình huống khẩn cấp, v.v. Một cách phổ biến và hiệu quả để lập ngân sách là theo quy tắc 50/30/20: 50% thu nhập của bạn dành cho các nhu yếu phẩm (hóa đơn, thực phẩm, nhà ở, v.v.), 20% thu nhập dành cho tiết kiệm và 30% còn lại bạn có thể sử dụng theo ý muốn.

Thủ thuật quản lí tài chính để giàu lên nhanh chóng - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

3. Chia nhỏ thu nhập và các khoản chi phí

Chia nhỏ thu nhập và các khoản chi phí, tính toán sự tương quan giữa chúng là một thủ thuật đơn giản nhưng có hiệu quả không ngờ trong việc làm giàu, có thể thay đổi quan điểm của bạn về tiền bạc và giúp bạn quản ngân sách tốt hơn. 

Bạn có thể thử chia như sau: Bạn kiếm được 10 triệu mỗi tháng khi đi làm đủ 26 ngày, vậy mỗi ngày, thu nhập của bạn là khoảng gần 385.000. Trong khi đó, bạn phải trả 2 triệu tiền thuê nhà một tháng, nghĩa là bạn mất 67.000 đồng/ ngày, v.v.

Sau khi hình thành thói quen chia nhỏ cả các khoản thu nhập và chi tiêu, có thể bạn sẽ giật mình nhận ra các thói quen xấu của mình, từ đó, bắt đầu tiết kiệm và chi tiêu thông minh hơn.

4. Có mục tiêu tài chính

Nếu bạn muốn hoàn thành các mục tiêu tài chính và trở nên giàu có, trước tiên bạn cần tìm ra mục tiêu nào quan trọng và ưu tiên nó. Có một mục tiêu rõ ràng có thể giúp bạn có động lực và nỗ lực để đạt được trong thời gian đặt ra. 

Bạn cũng không cần tự ép mình với những dự định quá to tát, hãy bắt đầu từ các mục tiêu đơn giản, ngắn hạn, sau đó hướng đến lâu dài. Hãy thử xác định những gì bạn muốn đạt được trong 3 tháng tới – tiết kiệm được 20 triệu, trong vòng 1 năm tới – mua xe và trong 5 năm tới – mua nhà.

5. Tránh xa nợ xấu

Nợ có nghĩa là bạn thiếu tiền ai đó, và rõ ràng điều đó cho thấy tình trạng tài chính cá nhân của bạn không khả quan. Tuy nhiên, không phải tất cả các khoản nợ đều là nợ xấu. Nợ xấu là bất kỳ khoản nợ nào xuất hiện vì việc mua một thứ gì đó mất giá trị theo thời gian và không tạo ra doanh thu. 

Một số ví dụ về nợ xấu là nợ thẻ tín dụng hoặc vay tự động. Nợ xấu sẽ khiến bạn ngày càng chìm sâu vào khủng hoảng tài chính và rất khó thoát ra.

6. Có quĩ khẩn cấp

Nếu bạn bất ngờ mất việc, liệu bạn có đủ tiền để sinh hoạt trong vòng một hoặc vài tháng trong khi tìm công việc mới hay không? Trên thực tế, rất nhiều người không có quỹ khẩn cấp, và đây là một sai lầm nghiêm trọng. Cách tốt nhất là bạn hãy để dành số tiền trị giá khoảng từ 3 – 6 tháng chi phí sinh hoạt và không tiêu đến trừ khi xảy ra vấn đề bất khả kháng.

Thu Phương