|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cách thức Facebook hưởng lợi từ việc lan truyền nội dung gây thù địch (Phần 1)

23:43 | 17/07/2020
Chia sẻ
Một nữ thượng nghị sĩ ở Australia nhận xét rằng, vì Facebook vẫn còn muốn kiếm tiền từ số lượt click và lượt tiếp cận, nên họ sẽ không ngăn chặn những nội dung gây thù địch, căm phẫn trên nền tảng của họ.

Katia Beauchamp, người sáng lập Birchbox, là một trong những chủ doanh nghiệp quyết định tham gia chiến dịch tẩy chay mạng xã hội lớn nhất thế giới. Nữ giám đốc cam kết công ty sẽ giảm chi tiền cho quảng cáo trên Facebook và Instagram trong nửa cuối năm 2020.

"Tôi sẽ tìm những cách quảng cáo khác mà không cần thông qua Instagram và Facebook", Katia khẳng định.

Hàng trăm doanh nghiệp với mọi qui mô - bao gồm các đế chế khổng lồ như Ford,  Microsoft, Coca-Cola, Pfizer, Verizon, Constellation Brands, Unilever đã dừng quảng cáo trên mạng xã hội Facebook và Instagram để phản đối việc mạng xã hội lớn nhất thế giới làm ngơ những nội dung kích động thù địch và bạo lực.

Cách thức Facebook hưởng lợi từ việc lan truyền nội dung gây thù địch (Phần 1) - Ảnh 1.

Ảnh: INC

Chiến dịch tẩy chay mang tên “Stop the Hate for Profit” (tạm dịch: Ngưng kiềm lời từ sự thù ghét) do 6 tổ chức dân quyền phát động nhằm buộc Facebook kiểm soát các nội dung thù địch và kích động bạo lực trên nền tảng.

Giới phân tích nhất trí rằng phát ngôn kích động thù hằn, chia rẻ là những tuyên bố nhằm hạ thấp, xúc phạm, công kích một người hoặc một nhóm người dựa trên cơ sở các thuộc tính như chủng tộc, khuynh hướng tình dục, nguồn gốc dân tộc, nguồn gốc quốc gia, giới tính, tôn giáo.

“Facebook đang tạo một mô hình kinh doanh gây ra vô vàn tranh cãi, sự thù ghét, nỗi thất vọng và sự tràn lan của tin giả. Trong khi đó, chúng ta lại có xu hướng tham gia vào những việc chướng tai gai mắt”, giáo sư Scott Galloway, một giảng viên thuộc khoa Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York, giải thích với tờ Fast Company.

Giáo sư Scott giải thích rằng cơn thịnh nộ càng lớn, lượt click càng nhiều, quảng cáo càng thành công. Và Facebook đã phát triển theo cách đó. Các thuật toán chỉ ra rằng khi số lượng người dùng chia sẻ bài báo chỉ ra sự ngu ngốc của những người phản đối vắc xin càng lớn, lợi ích mà cổ đông của Facebook hưởng càng cao.

“Đương nhiên nhiều người tin rằng tiêm chủng là hành vi xấu và xã hội nên nghe ý kiến của họ. Nhưng các câu chuyện đó không nên phổ biến đến mức một ngày kia, chúng ta nghe quan điểm từ chính một người bạn trên Facebook”, ông Scott bày tỏ.

Guardian đưa tin trong hai năm qua, một nhóm tài khoản bí ẩn ở Israel đã gửi tin nhắn đến người quản lý của ít nhất 19 trang Facebook cực hữu từ Anh, Mỹ, Australia, Canada, Israel, Áo đến Nigeria để yêu cầu đăng nội dung nhằm tăng lượt xem và thích trên trang.

Cuộc điều tra của The Guardian chỉ ra những tin nhắn này là một phần trong âm mưu kiểm soát một số trang cực hữu lớn nhất Facebook để lợi dụng sự thù ghét bài Hồi giáo nhằm kiếm lời.

Nhóm người từ Israel sử dụng mạng lưới 21 trang để tạo ra hơn 1.000 bài đăng giả mạo mỗi tuần, tiếp cận hơn 1 triệu người theo dõi, dụ dỗ người xem đến 10 trang web có quảng cáo nhằm thu hút lượng truy cập. Facebook không thực hiện bất kì hành động nào để ngăn chặn ý đồ ấy. 

Mehreen Faruq, nữ Thượng nghị sĩ Hồi giáo đầu tiên ở Australia, nhận định rằng, bằng cách cho phép các bài đăng phân biệt chủng tộc và gây tranh cãi, những mạng xã hội như Facebook đang trục lợi từ ngôn từ kích động thù địch, bạo lực.

“Facebook có thể thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa như đóng cửa các trang đó. Nhưng một khi vẫn còn muốn kiếm tiền từ số lượt click và lượt tiếp cận, có vẻ họ sẽ không hành động quyết liệt”, bà nhận định.

Nhạc Phong