|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giữa lúc làn sóng tẩy chay dâng trào, 'nữ tướng' của Facebook ra tay cứu nguy

09:38 | 08/07/2020
Chia sẻ
Giám đốc vận hành Facebook cam kết mạng xã hội lớn nhất hành tinh sẽ cải thiện khả năng tìm và loại bỏ những nội dung mang tính chất phân biệt chủng tộc trên nền tảng.

Trong một bài viết trên tài khoản Facebook cá nhân hôm 7/7, bà Sheryl Sandberg, giám đốc vận hành Facebook, nhận định mạng xã hội lớn nhất thế giới chưa thực hiện tốt nỗ lực tìm và loại nội dung có tính chất phân biệt chủng tộc, kích động thù hằn sắc tộc.

Bà nói Facebook kiên quyết chống kích động thù hằn. Sứ mệnh của Facebook là trở thành một nền tảng mà mọi người có thể bày tỏ quan điểm, song điều đó không có nghĩa là Facebook chấp nhận để một số người tuyên truyền tư tưởng thù hằn. 

"Chúng tôi đã ban hành những chính sách rõ ràng để chống sự thù hằn, và chúng tôi liên tục cố gắng để thực hiện chúng hiệu quả hơn, nhanh hơn", bà Sandberg viết.

Giữa lúc làn sóng tẩy chay dâng trào, 'nữ tướng' của Facebook ra tay cứu nguy - Ảnh 1.

Bà Sheryl Sandberg, giám đốc vận hành mạng xã hội Facebook. Ảnh: The Mercury News

Nữ giám đốc vận hành nhấn mạnh rằng Facebook đã đạt những thành tựu thực sự về kiểm duyệt nội dung trong vài năm qua, song nỗ lực của họ không bao giờ kết thúc.

"Giờ đây, chúng tôi hiểu trách nhiệm lớn của Facebook trong việc cải thiện khả năng tìm và bỏ những nội dung mang tính kích động thù hằn", bà nói.

Sandberg tiết lộ rằng hôm 8/7, Facebook sẽ công bố một đánh giá độc lập về nỗ lực bảo đảm quyền dân sự của mạng xã hội lớn nhất thế giới mà một tổ chức đã thực hiện trong hai năm. Bà khẳng định đây là việc mà chưa mạng xã hội nào trên thế giới thực hiện.

"Bản báo cáo sẽ đánh giá các chính sách và hành động của Facebook. Sau đó, chúng tôi sẽ công bố một báo cáo độc lập khác về sự đa dạng và toàn diện trong lực lượng nhân sự của Facebook", bà nói.

Cũng trong bài viết, Shery thông báo bà và tỉ phú Mark Zuckerberg sẽ gặp các nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh cho quyền dân sự, bao gồm cả những người khởi xướng phong trào "Stop Hate For Profit" (để kêu gọi các thương hiệu ngừng quảng cáo trên Facebook).

Trước chiến dịch tẩy chay quảng cáo “Stop hate for profit”, Facebook đã luôn bị chỉ trích vì chưa có những biện pháp cứng rắn chống lại những phát ngôn gây thù hận, có tính bạo lực hoặc phân biệt chủng tộc trên nền tảng này.

Chỉ đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội lớn nhất hành tinh mới nhận cú đòn đau đớn từ phong trào tẩy chay quy mô lớn không chỉ từ phía người dùng mà còn cả các nhà quảng cáo lớn nhỏ. Điều này không những đe dọa đến doanh thu quảng cáo mà còn ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh thương hiệu Facebook.

Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 17/6, một nhóm các tổ chức dân quyền ở Mỹ bao gồm Liên đoàn Chống phỉ báng, Hiệp hội Hỗ trợ những người da màu (NAACP) và tổ chức vận động nhân quyền Color of Change, đã kêu gọi các doanh nghiệp “dừng các nội dung gây thù hận” và ngưng quảng cáo trên mạng Facebook trong tháng 7.

"Hãy cùng nhau gửi đến Facebook một thông điệp mạnh mẽ rằng: Lợi nhuận của họ sẽ không đáng để thúc đẩy sự thù hận, cố chấp, tình trạng phân biệt chủng tộc, nạn chống Do Thái và kích động bạo lực", trang web của chiến dịch “Stop Hate for Profit” viết.

Chiến dịch này sử dụng “vũ khí” là doanh thu quảng cáo, vốn là nguồn doanh thu chính của Facebook, trong năm 2019 đã đem về cho công ty hơn 70 tỉ USD.

Chỉ sau hơn hai tuần, chiến dịch này đã thu hút hàng chục thương hiệu lớn và nổi tiếng toàn cầu, thậm chí ông lớn công nghệ Microsoft cũng tuyên bố tạm dừng quảng cáo trên cả Facebook và Instagram - hai nền tảng hái ra tiền cho Facebook.

Nhà phân tích chính của eMarketer, bà Debra Aho Williamson, cho biết: “Chiến dịch này chắc chắn sẽ còn lan rộng hơn nữa. Tôi chưa từng thấy các nhà tiếp thị hành động quyết liệt như vậy trên Facebook”.

Nhạc Phong

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.