Cách kiểm tra hóa đơn tiền điện chính xác hay không
Giá điện thực tế tăng nhẹ. NGỌC THẮNG
Cụ thể, từ ngày 20.3, giá điện được tính theo khung mới với mức tăng bình quân 8,36%. Hóa đơn tiền điện tháng 4, thông báo số tiền điện mà khách hàng phải sử dụng trong tháng 3, bao gồm cả phần giá cũ và mới. Vì vậy cách tính của ngành điện như sau: Ví dụ kỳ hóa đơn tính từ 13.3-12.4, trong thời gian 31 ngày, khách hàng tiêu thụ 300 kWh. Theo đó khách hàng sử dụng điện biểu giá cũ 7 ngày và 24 ngày còn lại theo giá mới.
Nếu chỉ tính số lượng 300 kWh điện theo khung giá cũ. Có 50 kWh thuộc bậc 1, 50 kWh thuộc bậc 2, bậc 3 và 4 mỗi bậc 100 kWh. Áp vào khung giá có thể tính ra số tiền (trước thuế) là 577.250 đồng. Cộng thêm 10% thuế VAT, khách hàng phải trả cho ngành điện 634.975 đồng.
Số lượng điện được áp dụng giá cũ được tính dựa vào tổng số điện trong tháng chia cho bình quân số này rồi nhân với số ngày thực tế. Cụ thể 300 kWh/31 (ngày) * 7 = 67,74 (làm tròn 68, để dễ hình dung) kWh. Còn lại, sản lượng điện tính theo giá mới là 232,26 (làm tròn 232) kWh.
Bảng giá bán lẻ điện sinh hoạt trước và sau điều chỉnh ngày 20/3
Áp dụng khung giá cũ cho 7 ngày
- Bậc 1: (50 kWh /31) * 7 ngày = 11 kWh = 17.039 đồng
- Bậc 2: (50 kWh /31) * 7 ngày = 11 kWh = 17.600 đồng
- Bậc 3: (100 kWh /31) * 7 ngày = 23 kWh = 42.734 đồng
- Bậc 4: 68- (11+11+23+) = 23 kWh = 53.820 đồng
Như vậy tổng tiền điện 7 ngày trong tháng 3 theo giá cũ là 130.632 đồng.
Số còn lại 232 kWh được tính theo giá mới như sau:
Bậc 1: 50 (kWh) - 11 = 39 * 1.678 (đồng) = 65.442 đồng
Bậc 2: 50 (kWh) - 11 = 39 * 1.734 (đồng) = 67.626 đồng
Bậc 3: 100(kWh) - 23 = 77 * 2.014 (đồng) = 155.078 đồng
Bậc 4: 232 - (39 + 39 + 77) = 77 * 2.536 (đồng) = 195.272 đồng
Tổng tiền điện tính theo giá mới là 483.418 đồng.
Số tiền điện phải trả cho lượng điện tiêu thụ trong tháng 3 bằng 7 ngày đầu giá cũ là 130.632 cộng với 24 ngày theo giá mới 483.418 đồng = 614.050 đồng (chưa thuế); nếu thêm 10% VAT con số khách hàng phải trả là 675.455 đồng.
Mức chênh lệch do giá điện tăng khoảng 40.480 đồng ( giá mới và cũ 675.455 - 634.975 )
Khách hàng có thể dựa trên biểu giá và cách tính để tham khảo đối chiếu với tiền điện cũng như mức tiêu thụ điện năng của gia đình. Trong trường hợp có sự khác biệt quá lớn cần liên hệ ngay với nhà cung cấp điện để được làm rõ và điều chỉnh nhu cầu sử dụng cho phù hợp với điều kiện cụ thể.
Cũng cần lưu ý, các thiết bị điện và nhất là các thiết bị làm mát, sức tiêu thụ điện có thể thay đổi theo điều kiện môi trường. Ví dụ với một chiếc máy lạnh đặt ở chế độ nhiệt độ 250C trong điều kiện trời mát, sẽ ít tốn điện hơn khi thời tiết nắng nóng nhờ chế độ tiết kiệm điện, máy sẽ “ngủ đông” nhiều hơn so với lúc trời nóng.
Bộ Công thương: Chênh lệch chỉ từ 7.000 - 77.000 đồng
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, cho biết: Số hộ chỉ dùng 50 kWh/tháng thì số tiền tăng thêm chỉ ở mức 7.000 đồng/tháng. Hộ dùng 100 kWh mỗi tháng thì số tiền điện phải trả thêm so với trước đây là hơn 14.000 đồng/tháng. Hộ dùng khoảng 200 số điện/tháng thì số tiền tăng thêm mỗi tháng là 31.600 đồng. Còn nếu hộ dùng 300 số thì số điện/tháng tiền tăng thêm hằng tháng là 53.000 đồng/tháng. Trong khi dùng 400 số điện/tháng thì số tiền tăng do tăng giá lần này là 77.000 đồng/tháng.
Năm 2018, cả nước có 9,2 triệu hộ dùng điện ở mức 100 kWh/tháng, chiếm 35,6%. Có khoảng 15% số hộ dùng điện ở mức trên 300 kWh/tháng và 7,1% số hộ dùng điện ở mức trên 400 kWh/tháng.
(Chí Hiếu)