Cách để người bình thường đánh bại nhà đầu tư giỏi nhất: Chọn đúng thời điểm bán
Nếu bạn là Jeff Bezos, bạn sẽ không chọn bừa một gã tầm phào để quản lý tiền của mình. Bạn sẽ thuê kiểu chuyên gia có bằng tiến sĩ toán học, lái ô tô thời thượng và dán mắt vào hình ảnh vệ tinh của các nhà máy ở châu lục khác để dự đoán lợi nhuận của một công ty mà hầu như chẳng ai biết. Nói cách khác, chúng ta đang nói về những người giỏi nhất trong giới tài chính.
Nghiên cứu mới xác nhận rằng những chuyên gia tài chính hàng đầu cực kỳ giỏi trong việc chọn cổ phiếu để mua. Nhưng với mặt còn lại – chọn cổ phiếu và thời điểm để bán – thì ngay cả những người ưu tú nhất trong thế giới tài chính cũng không giỏi bằng một con khỉ say xỉn ném phi tiêu, tờ NPR cho biết.
Nghiên cứu này được thực hiện bởi 4 chuyên gia kinh tế của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Trường Kinh doanh thuộc Đại học Chicago, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và công ty phân tích Inalytics.
Chuyên gia ưu tú và con khỉ say xỉn
Các tác giả nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về 783 nhà đầu tư lớn từ tháng 1/2000 đến tháng 3/2016. Trung bình, mỗi nhà đầu tư ưu tú này quản lý danh mục lên đến gần 600 triệu USD. Họ thường tập trung vào tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư cho một hoặc hai khách hàng quan trọng như siêu tỷ phú, quỹ hưu trí lớn hay quỹ đầu tư quốc gia.
Phần đầu tiên của nghiên cứu là đánh giá hiệu suất của nhà đầu tư. Để làm vậy, tác giả so sánh quyết định giao dịch thực tế của nhà đầu tư với những lựa chọn khác mà họ đã có thể thực hiện.
Các tác giả so sánh quyết định thực tế với chiến lược đầu tư đơn giản nhất họ có thể nghĩ ra: "Kiểu như là nhắm mắt chọn bừa những cái tên trong danh mục của nhà đầu tư ưu tú để mua và bán thay vì những mã mà họ thực sự giao dịch".
Nói cách khác, đây là cuộc so găng giữa nhà đầu tư lớn với con khỉ ném phi tiêu một cách ngẫu nhiên.
Phát hiện lớn thứ nhất của bài nghiên cứu là những nhà đầu tư này thực sự giỏi về việc mua cổ phiếu. Họ có kỹ năng xứng đáng với mức phí cao mà khách hàng phải trả.
Trung bình, lợi nhuận từ cổ phiếu họ chọn cao hơn thành tích của con khỉ là 1,2 điểm %. Con số này nghe có vẻ không ấn tượng nhưng với sức mạnh của lãi kép, khoản lãi này sẽ tăng cao theo thời gian. Những nhà đầu tư này thực sự là các siêu sao của thế giới tài chính.
Nhưng khi xét hiệu suất của nhà đầu tư khi bán cổ phiếu, nghiên cứu chỉ ra rằng họ kém hơn nhiều lũ khỉ.
Những cổ phiếu mà nhà đầu tư bán đi lại tăng giá nhanh hơn các mã mà họ giữ lại. Nếu khách hàng thuê khỉ để chọn bừa cổ phiếu đem bán, danh mục của ông ta sẽ kiếm được thêm 0,8 điểm % mỗi năm. Một lần nữa, đó là con số lớn trong thế giới tài chính.
Lý giải nguyên nhân
Các tác giả nghiên cứu đã cố gắng tìm hiểu vì sao những nhà đầu tư ưu tú giỏi mua chứng khoán nhưng kém cỏi khi bán. Lý thuyết cơ bản mà họ đưa ra là những nhà đầu tư này dành nhiều năng lượng não bộ vào việc mua cổ phiếu hơn là bán.
Để kiểm tra lý thuyết trên, các tác giả đã xem xét kỹ những cổ phiếu mà nhà đầu tư có xu hướng bán ra và nắm giữ. Kết quả là nhà đầu tư ưu tú không kém cỏi trong việc bán mọi cổ phiếu.
Nếu một công ty công bố báo cáo kết quả kinh doanh và đột nhiên nhà đầu tư có động lực để suy nghĩ kỹ hơn về cổ phiếu đó, quyết định liệu có bán hay không của họ được cải thiện đáng kể.
Quyết định bán cũng tốt hơn nhiều khi xét theo những cổ phiếu tăng mạnh nhất và giảm sâu nhất trong danh mục. Có vẻ như khi một cổ phiếu trở nên "bắt mắt" thì nhà đầu tư chú ý đến nó nhiều hơn và lại bắt đầu hành động như một chuyên gia thông minh.
Thật đáng ngạc nhiên khi nhà đầu tư ưu tú lại lơ đễnh về một phần quan trọng trong công việc của họ.
Ông Alex Imas, tác giả của bài nghiên cứu tin rằng một phần lý do là mọi người đưa ra quyết định tồi tệ hơn khi họ thiếu phản hồi. Khi mua cổ phiếu, nhà đầu tư có thứ để kiểm tra xem mình đang làm đúng hay không. Họ có thể học hỏi từ sai lầm quá khứ khi mua phải cổ phiếu "rởm".
Nhưng khi bán cổ phiếu, thì chúng biến mất khỏi tầm mắt họ. Nhà đầu tư không xem xét việc điều gì sẽ xảy ra nếu họ nắm giữ chúng thay vì bán. Họ không học hỏi sai lầm bán trong quá khứ.
Ông Lawrence Schmidt, một tác giả khác thì cho rằng có lẽ những nhà quản lý tài sản tập trung hơn vào mua cổ phiếu vì mua thì hấp dẫn hơn là bán.
Khi mua cổ phiếu mới mà bạn kỳ vọng giá sẽ tăng phi mã vì một lý do thông minh nào đó, bạn sẽ có vẻ rất giỏi trong công việc. Bạn có thể mời khách hàng đi ăn tối và giải thích cho ông ấy vì sao mình là thiên tài khi đầu tư vào một công ty triển vọng.
Nhưng dù lý do là gì, các nhà đầu tư lớn trong nghiên cứu đều thất bại trong việc tối đa hóa lợi nhuận. Nếu không thực hiện thay đổi nào để cải thiện quyết định đầu tư, tốt nhất họ nên tập trung 100% vào mua cổ phiếu và "để cho robot ra lệnh bán".