|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Các quỹ trái phiếu hoạt động và sinh lời như thế nào?

16:00 | 10/12/2022
Chia sẻ
Quỹ trái phiếu giống như mọi sản phẩm đầu tư khác (cổ phiếu, bất động sản, vàng,...) đều bao gồm tiềm năng sinh lời và rủi ro có thể phát sinh.

 

 

Quỹ đầu tư trái phiếu về bản chất giống như các quỹ đầu tư nói chung, được quản lý bởi các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, quản lý đầu tư nguồn vốn góp của nhiều nhà đầu tư cá nhân hay tổ chức, hướng tới các mục tiêu như lợi nhuận và rủi ro trong mức có thể chấp nhận, thông qua việc đầu tư (toàn bộ hay phần lớn) tài sản quỹ vào sản phẩm Trái phiếu và cá tài sản có thu nhập cố định.

Nguyên tắc đầu tư của Quỹ Trái Phiếu

Trái phiếu giống như mọi sản phẩm đầu tư khác (cổ phiếu, bất động sản, vàng,...), đều bao gồm (i) tiềm năng sinh lời và (ii) rủi ro có thể phát sinh.

Về phía sinh lời, nhà đầu tư trái phiếu sẽ nhận được thu nhập từ tiền lãi (dựa trên lãi suất của trái phiếu) và chênh lệnh giữa giá bán (hoặc mệnh giá thu được khi trái phiếu đáo hạn) và giá mua. Các yếu tố có thể ảnh hưởng tới tiền lãi và giá mua/bán này đều có thể được coi là rủi ro của trái phiếu.

Quy trình đầu tư của công ty Quản lý Quỹ vào Quỹ trái phiếu hướng tới việc cân bằng được giữa khả năng sinh lời và việc quản lý các rủi ro hiện hữu.

Lợi nhuận của Quỹ đầu tư Trái phiếu

Ngoài phần thu nhập định kỳ từ lãi, các quỹ đầu tư Trái phiếu còn có thể tối ưu hóa lợi nhuận thông qua việc mua bán trái phiếu trên thị trường thứ cấp (chứ không chỉ là mua vào thời điểm phát hành và nắm giữ tới khi đáo hạn).

Trong nhiều thời điểm, giá thị trường của trái phiếu có thể cao hơn hoặc thấp hơn mệnh giá trái phiếu. Vậy tại sao nhà đầu tư lại muốn bán trái phiếu mệnh giá 100 với giá 80 hay là lại muốn mua trái phiếu với mệnh giá 100 ở giá 120?

Bởi vì trái phiếu là công cụ tài chính nhạy cảm với các diễn biến về lãi suất và tình hình tài chính, khả năng thanh toán của doanh nghiệp. Ví dụ khi mặt bằng lãi suất tăng, sẽ làm một trái phiếu lãi suất cố định, phát hành khi mặt bằng lãi suất thấp, trở nên kém hấp dẫn hơn, nên sẽ có thể được bán với giá thấp hơn mệnh giá.

Như vậy, chỉ khi có được những dự phóng tương đối chính xác về diễn biến lãi suất hay phân tích khác biệt, chuyên sâu về tổ chức phát hành, các quỹ đầu tư mới có thể đưa ra quyết định mua bán tại các mức giá tối ưu, đem đến cơ hội tối đa hóa lợi nhuận.

Ngoài ra, việc nỗ lực giảm các mức phí, như phí phát hành, phí quản lý, phí mua lại cũng đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến kết quả đầu tư trung và dài hạn của nhà đầu tư. Để làm được điều này thì quy mô tổ chức, trình độ công nghệ cùng hệ sinh thái chung sẽ đóng vai trò quan trọng cho phép Quỹ đầu tư đưa ra các mức phí cạnh tranh nhất.

Rủi ro liên quan đến việc đầu tư vào Quỹ đầu tư Trái phiếu

Luôn song hành cùng tiềm năng lợi nhuận này là các rủi ro cần được xác định và áp dụng một quy trình quản lý chặt chẽ và bài bản. Nhà đầu tư thường đối mặt với các rủi ro trọng yếu nhất dưới đây (nhưng chưa phải là tất cả) của sản phẩm trái phiếu và cách công ty quản lý quỹ quản lý.

A. Rủi ro về lãi suất: Với các trái phiếu lãi suất cố định, khi mặt bằng lãi suất tăng lên, trái phiếu trở nên kém hấp hẫn hơn, giá thị trường của trái phiếu trong trường hợp này có thể biến động giảm. Điều này sẽ ngược lại trong trường hợp mặt bằng lãi suất giảm.

Giải pháp của công ty Quản lý quỹ: Lựa chọn và đầu tư đa dạng vào cả các trái phiếu có lãi suất cố định và trái phiếu lãi suất biến đổi; tăng cường khả năng thu thập thông tin, phân tích và khả năng dự phóng các kịch bản lãi suất (tăng/giảm) để tối ưu hiệu quả các quyết định đầu tư.

B. Rủi ro về tín dụng: Là một chứng khoán nợ, trái phiếu luôn tồn tại rủi ro tín dụng là khi tổ chức phát hành không thực hiện các nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi của tài sản. Rủi ro này ảnh hưởng trực tiếp Quỹ và làm giảm NAV dẫn đến việc giá chứng chỉ quỹ cũng giảm.

Giải pháp của công ty Quản lý quỹ: Phân tích chuyên sâu và thẩm định toàn diện tổ chức phát hành cũng như các điều khoản về bảo đảm, bảo lãnh của trái phiếu nhằm lựa chọn được các trái phiếu phát hành bởi các công ty uy tín, tài chính mạnh và hoạt động kinh doanh khả quan, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro mất khả năng trả nợ.

Ngoài ra các quỹ còn đa dạng hóa danh mục khi đầu tư vào trái phiếu của nhiều tổ chức khác nhau, tăng cường khả năng bảo vệ, giảm thiểu thiệt hại trước các rủi ro bất ngờ.

C. Rủi ro thanh khoản: Trái phiếu thường có kỳ hạn trung và dài hạn (>1 năm) nên khi có nhu cầu thanh khoản, nhà đầu tư thông thường phải bán lại trên thị trường thứ cấp. Các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính nói chung hay trái phiếu nói riêng có thể dẫn tới khó khăn khi bán chứng chỉ quỹ để thu tiền mặt về.

Giải pháp của công ty Quản lý quỹ: Đầu tư đa dạng vào các trái phiếu với thời gian đáo hạn khác nhau; Tư vấn rõ cho khách hàng về kỳ hạn đầu tư hiệu quả, hạn chế nhu cầu rút vốn bất ngờ. Việc đầu tư vào các trái phiếu được phân tích chuyên sâu, của các tổ chức uy tín, cũng giúp tăng khả năng thanh khoản trong điều kiện thị trường xấu.

Một số ít các công ty Quản lý quỹ đầu tư có thể tận dụng được hệ sinh thái đầu tư (của công ty mẹ hoặc đối tác chiến lược) để phát triển thị trường thứ cấp và tăng khả năng thanh khoản. Trong một số trường hợp các Quỹ đầu tư còn có thể áp dụng các cơ chế đặc biệt nhằm bảo vệ lợi ích của NĐT.

Các giải pháp tương ứng với mỗi rủi ro trên là khả năng đánh giá doanh nghiệp phát hành, tình hình tài chính, khả năng trả nợ, công cụ bảo vệ... Tất cả đều đòi hỏi hiểu biết chuyên môn cao, nguồn lực phân tích lớn, chuyên nghiệp, cùng hệ thống thu thập, tổng hợp thông tin hiệu quả. Đây cũng là lý do mà trong phần lớn trường hợp các Quỹ đầu tư có thể đưa ra các lựa chọn đầu tư hiệu quả hơn so với nhà đầu tư cá nhân trong dài hạn.

Khuyến nghị

Vì những lý do đó, để lựa chọn được quỹ đầu tư trái phiếu hiệu quả, tối ưu được tiềm năng sinh lời nhưng đồng thời hạn chế được các rủi ro luôn tồn tại của sản phẩm trái phiếu, nhà đầu tư nên ưu tiên các tiêu chí như:

- Quỹ phải được cấp phép, và quản lý bởi Công ty Quản lý Quỹ chuyên nghiệp theo đúng các quy định của cơ quan chức năng (như Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán, vv.). Ưu tiên các quỹ có quy mô lớn, lâu đời, tập khách hàng lớn – đã khẳng định được uy tín và hiệu quả.

- Việc lựa chọn trái phiếu phải được các công ty Quản lý Quỹ dựa trên những phân tích chuyên sâu, và phải hoàn toàn độc lập.

- Danh mục trái phiếu cần phải đa dạng cả về tổ chức phát hành, loại hình lãi suất lẫn kỳ hạn.

- Các mức phí quản lý cần đơn giản, dễ hiểu và cạnh tranh. Có thể ưu tiên các công ty quản lý phát triển theo hướng Fintech – công nghệ tài chính, thường có khả năng đưa ra mức phí thấp hơn các mô hình truyền thống.

- Hệ sinh thái đầu tư của công ty quản lý Quỹ cũng là một điểm cộng, đặc biệt các hoạt động cho phép tăng cường thanh khoản, hay minh bạch trong hoạt động quản lý quỹ.

Một ví dụ về Quỹ trái phiếu tại Việt Nam có thể kể đến Quỹ đầu tư trái phiếu Techcom (TCBF), đây là quỹ có quy mô lớn nhất Việt Nam với giá trị tài sản ròng khoảng 9.400 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 11/2022. TCBF được UBCK Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập Quỹ từ năm 2015, được quản lý bởi Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Kỹ Thương – Techcom Capital.

 

 

Bích Thu