|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Các nước xuất khẩu châu Á 'mất ngủ' vì USD tăng giá

13:48 | 21/11/2016
Chia sẻ
Giới hoạch định chính sách tiền tệ châu Á đang lo rằng việc đô la Mỹ mạnh lên có thể là cái cớ để chính quyền của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump gây sức ép cho họ.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trong ảnh chụp hôm 19.11
REUTERS

Theo Reuters, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đã có mặt trong danh sách theo dõi của Kho bạc Mỹ cùng với Đức và Thụy Sĩ. Các nước và vùng lãnh thổ này hiện có vài yếu tố đủ để bị dán mác là “nước thao túng tiền tệ”.

Hậu bầu cử tổng thống Mỹ, USD tăng giá lên mức cao nhất trong tám năm so với nhân dân tệ và cao nhất trong 5,5 năm với yen Nhật. Tiền tệ Mỹ đi lên vì nhiều quan điểm cho rằng kế hoạch chi tiêu và thuế của ông Trump sẽ khiến lãi suất tăng cao.

“Đồng tiền yếu đi sẽ là cái cớ để ông Donald Trump đổ lỗi các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, về chuyện thao túng tỷ giá hối đoái”, quan chức Nhật Bản thạo tin chính sách tiền tệ cho hay.

Thặng dư thương mại của châu Á với Mỹ là chủ đề thuộc tầm ngắm của ông Trump trong chiến dịch tranh cử. Số liệu chính phủ Mỹ cho thấy Đại lục có thặng dư với Mỹ 366 tỉ USD vào năm ngoái. Với Nhật Bản, con số trên là 69 tỉ USD và với Hàn Quốc cùng Đài Loan, số liệu là 28 tỉ USD và 15 tỉ USD.

Ông Trump từng cho hay mình sẽ gắn mác Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ trong ngày đầu tiên vào nhiệm sở. Điều này sẽ cho phép ông đánh thuế 45% với hàng xuất khẩu của Đại lục và cáo buộc các nước châu Á khác vì những hoạt động thương mại không công bằng.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings viết trong báo cáo: “Sự thay đổi lớn về hướng bảo hộ thương mại tại Mỹ có thể có tác động đáng kể lên nhiều nền kinh tế châu Á. Ngăn trở trong thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ để lại hậu quả cho khu vực”. Hãng này cũng cho rằng chính quyền Mỹ mới sẽ thực hiện nhiều biện pháp gia tăng như theo đuổi các vụ tranh chấp thương mại tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Kho bạc Mỹ theo dõi ba yếu tố để xác định liệu một nước có là quốc gia thao túng tiền tệ: thặng dư thương mại đáng kể, thặng dư tài khoản vãng lai vật chất và can thiệp ngoại hối liên tục.

Nhà kinh tế châu Á Tim Condon ở hãng ING cho hay: “Với việc đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội, chúng tôi nghĩ rằng một chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ bảo đảm thông qua luật nới lỏng các tiêu chí”.

Hiện Hàn Quốc đã sẵn sàng cho chuyện bị giám sát gắt gao hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Quan chức ngoại hối của Hàn Quốc cho hay: “Chúng tôi đang chú ý kỹ để bảo đảm rằng Hàn Quốc không bị thêm vào danh sách “phân tích thêm” hoặc “nước thao túng tiền tệ” ngay cả khi các quy tắc được thắt chặt”.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp gỡ ông Trump kể từ ngày bầu cử. Ông Abe tìm kiếm thêm sự rõ ràng trong một loạt tuyên bố tranh cử của ông Trump song không tiết lộ cụ thể cuộc đối thoại. Về phần Trung Quốc, nước này từng cảnh báo ông Trump về việc áp đặt các rào cản thương mại. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa cho hay hợp tác là “sự lựa chọn duy nhất” cho quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thu Thảo