Các nước giàu đang dự trữ hơn 1 tỷ liều vắc xin ngừa COVID-19
Đây là số liệu do tổ chức phi chính phủ "ONE Campaign" có trụ sở tại Mỹ thống kê về nguồn cung đối với 5 loại vắc xin đang được sử dụng trên thế giới, gồm Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca, Johnson&Johnson và Novavax.
Theo báo cáo công bố ngày 19/2, cho tới nay, Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Australia, Canada và Nhật Bản đang dự trữ trên 3 tỷ liều vắc xin ngừa COVID-19 trong khi nhu cầu thực tế chỉ cần 2,06 tỉ liều để hoàn thành việc tiêm chủng 2 mũi cho toàn bộ người dân. Báo cáo cho rằng lượng dự trữ trên chính là nguyên nhân khiến các nước nghèo gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn cung trong bối cảnh thế giới đang vật lộn để kiểm soát đại dịch COVID-19.
Đánh giá nguồn cung hiện nay đối với vắc xin ngừa COVID-19, tổ chức "ONE Campaign" cho biết các nước giàu như Mỹ, Anh... nên chia sẻ nguồn vắc xin mua dư thừa hiện nay cho sáng kiến COVAX, một cơ chế phân phối vắc xin công bằng do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất. Báo cáo cho rằng nếu không làm như vậy, hàng tỷ người có thể không được bảo vệ và điều này có thể khiến đại dịch bị kéo dài.
Giám đốc cao cấp về chính sách của "ONE Campaign" Jenny Ottenhoff, khẳng định: "Lượng dự trữ thừa quá nhiều là hiện thân của chủ nghĩa dân tộc vắc xin". Theo bà Jenny Ottenhoff, với lượng vắc xin dư thừa quá nhiều mà các nước giàu đang dự trữ, những người dễ bị tổn thương tại các nước nghèo trên thế giới khó có thể được bảo vệ. Việc chia sẻ vắc xin cũng sẽ giúp giảm số người tử vong do COVID-19 cũng như giảm nguy cơ xuất hiện các biến thể mới và sớm ngăn chặn đại dịch.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đề nghị các quốc gia giàu không nên chia sẻ vắc xin đơn phương mà nên thông qua cơ chế COVAX để đảm bảo sự công bằng.