|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các nhà bán lẻ chủ động trữ hàng ứng phó với dịch COVID-19

02:00 | 29/07/2020
Chia sẻ
Chiều 28/7, một số nhà bán lẻ thuộc kênh phân phối trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cho biết, đã trữ sẵn hàng hóa và luôn trong trạng thái cảnh giác cao với dịch COVID-19.

Cụ thể, trước những diễn biến mới nhất của dịch COVID-19, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) công bố đã tiến hành dự trữ hàng hóa thiết yếu và lên lộ trình từng bước tái khởi động những biện pháp phòng chống dịch trên toàn hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Bên cạnh đó, vì có kinh nghiệm trong phòng chống dịch nên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẵn sàng biện pháp ứng phó kịp thời với những diễn biến mới của dịch bệnh.

Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, hàng loạt biện pháp phòng chống dịch được kích hoạt, hàng hóa thiết yếu luôn được đảm bảo trữ lượng an toàn. Điển hình, lượng khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế, gel rửa tay... cũng như phương án nhân sự, vận chuyển... đều đã được sẵn sàng cho hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile... trên cả nước. 

"Ghi nhận chung trên toàn hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước hiện nay, những mặt hàng được người tiêu dùng chọn mua nhiều là thực phẩm tươi sống, rau củ quả, khẩu trang... Ngoài ra, sản phẩm mì gói, hàng đông lạnh, hóa phẩm... có sức mua tăng nhẹ so với tuần trước", ông Đỗ Quốc Huy cho biết thêm.

Còn đại diện hệ thống Big C & GO! cho hay, đã và đang chủ động cung ứng đầy đủ hàng hóa có giá bình ổn đến khách hàng. Cụ thể, đơn vị này xúc tiến làm việc với nhà cung cấp về tần số giao hàng kịp thời áp dụng dịch vụ gọi điện đặt hàng qua số hotline của mỗi siêu thị và Big C sẽ giao tới tận nơi.

Qua đó, hệ thống Big C & GO! giúp khách hàng tránh phải đến nơi đông người, mà vẫn đảm bảo không bị thiếu hụt nhu yếu phẩm. Đặc biệt, chương trình áp dụng miễn phí giao hàng với hóa đơn từ 200.000 đồng trở lên; giao hàng trong phạm vi 10 km.

So với giai đoạn cao điểm dịch trước đây, một số nhà bán lẻ còn bổ sung phương án hàng hóa và phương án vận chuyển riêng biệt cho từng địa phương và khu vực. Song song đó, tại hầu hết điểm bán của kênh phân phối hiện đại đều chú trọng khâu phân phối và biện pháp cách ly. Riêng tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành đều được đặt trong trạng thái cảnh giác cao theo diễn biến dịch.

Theo đó, khi mua sắm tại kênh bán lẻ hiện tại trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, khách hàng luôn được thông tin về biện pháp phòng chống dịch được đặt ở bảng tin, cửa trung tâm thương mại, siêu thị, cũng như tại quầy mua sắm. Đồng thời, tất cả nhà bán lẻ đều trang bị khẩu trang, bình xịt có hóa chất kháng khuẩn (hỗ trợ khách nếu họ cần xịt, rửa tay); thiết bị đo  thân nhiệt...

Hiện nay, kênh phân phối hiện đại vẫn cung cấp đều đặn ra thị trường lượng lớn khẩu trang y tế, khẩu trang vải và các loại rửa tay sát khuẩn đạt chuẩn. Một số ngày trong tuần, nhà bán lẻ còn thực hiện chương trình khuyến mãi, tặng điểm thưởng mức cao, mua 1 tặng 1 và các ngày cuối tuần luôn giảm giá sâu cho các loại hàng hóa thiết yếu.

Riêng khảo sát tại mạng lưới chợ truyền thống trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh như Tân Định, Phạm Văn Hai, Thị Nghè, Quách Thị Trang, Hòa Hưng... cho thấy nguồn cung hàng hóa về các chợ vẫn dồi dào và giá cả dao động trong biên độ ổn định. Trong đó, tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, Quận 3, một số mặt hàng thịt lợn như sườn non có giá 220.000 đồng/kg, cốt lết 140.000 đồng/kg, nạc dăm 170.000 đồng/kg, ba rọi 180.000 đồng/kg...

Đối với mặt hàng thịt bò, gồm: thịt phi lê có giá 270.000 đồng/kg, thị đùi 250.000 đồng/kg, bắp bò 210.000 đồng/kg, bò viên 130.000 đồng/kg... Riêng mặt hàng thuỷ - hải sản như thịt cua có giá 450.000 đồng/kg, càng cua 350.000 đồng/kg, thịt cá thác lác 210.000 đồng/kg...

Một số tiểu thương cho hay, trong vài tuần trở lại đây, ngoài những mặt hàng duy trì ở mức giá cao như thịt lợn, rau củ, nhất là rau ăn lá do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thời tiết, thì hầu hết mặt hàng lương thực, thực phẩm vẫn ổn định về nguồn cung và giá cả. Bên cạnh đó, trên thị trường có sức mua giảm so với cùng kỳ năm trước, do người tiêu dùng chỉ ưu tiên mua sắm những mặt hàng thiết yếu và nhu yếu phẩm hàng ngày.

Các tiểu thương này cũng dự báo, sức mua trên thị trường sẽ thấp trong thời gian tới, nên khó xuất hiện tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực, thực phẩm. Đồng thời, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng đã có kế hoạch triển khai chuẩn bị nguồn cung hàng hóa để chủ động ứng phó kịp thời với biến động thị trường.

Mỹ Phương