Các ngân hàng trung ương vào cuộc để 'giải cứu' nền kinh tế trước dịch COVID-19
Ngày 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định hạ lãi suất khẩn cấp để ứng phó với nguy cơ dịch COVID-19 tác động đến nền kinh tế đang tăng trưởng của nước này.
Cùng ngày, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) cũng đã giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục là 0,5%, sau khi virus SARS-CoV-2 bắt đầu "bóp nghẹt" hoạt động xuất khẩu của nước này, trong đó có giáo dục và du lịch.
Nhận định về động thái bất ngờ sau chuỗi 28 năm duy trì một mức lãi suất, Philip Lowe, Thống đốc của RBA, cho biết virus SARS-CoV-2 đã che mờ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn. Điều này có nghĩa là tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 sẽ thấp hơn dự kiến trước đó.
Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Malaysia cũng đã cắt giảm lãi suất đi 1 điểm phần trăm, xuống còn 2,5%, và tại London, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney cũng cho biết, các ngân hàng trung ương và cơ quan tài chính trên toàn thế giới đang chuẩn bị để ứng phó với những thiệt hại kinh tế do sự lây lan dịch COVID-19.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng thách thức đối với các ngân hàng trung ương lúc này là họ đang cạn kiệt các biện pháp tiền tệ sau một thời gian dài ứng phó với tác động tiêu cực của các cuộc chiến thương mại, căng thẳng địa chính trị và tác động của lạm phát thấp.
Một số người đã kêu gọi các chính phủ điều chỉnh mức chi tiêu, song vấn đề nợ công vẫn là một thách thức.
Quyết định cắt giảm lãi suất 0,5%, xuống còn biên độ từ 1,0-1,25%, là một bước đi táo bạo của Fed.
Dù vậy, quyết định này vẫn chưa thể trấn an giới đầu tư, bởi các nhóm cổ phiếu của nước Mỹ vẫn tỏ ra "hốt hoảng", đặc biệt là trong bối cảnh Chủ tịch Jerome Powell tại cuộc họp báo đã nói: "Việc cắt giảm lãi suất sẽ không thể làm giảm tỷ lệ lây nhiễm".
Nhà lãnh đạo này khẳng định Fed hiểu rằng việc điều chỉnh lãi suất sẽ không thể khiến chuỗi cung ứng lành lặn trở lại, song động thái này sẽ có thể tạo ra một lực đẩy có ý nghĩa cho nền kinh tế.
Giới quan sát dự báo các nhà hoạch định chính sách Fed có thể sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Nhận định này cho thấy triển vọng ảm đạm trong ngắn hạn của nền kinh tế. Tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 2,8%; trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm rơi xuống chỉ còn dưới 1%, mức thấp kỷ lục.
Động thái của Fed là không bất ngờ. Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đã đưa ra một tuyên bố chung, khẳng định họ sẵn sàng hợp tác để đưa ra các biện pháp ứng phó hiệu quả và kịp thời trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.
Tuy nhiên, điều làm cho động thái này trở nên đáng chú ý hơn là việc giảm lãi suất xuất hiện trong giai đoạn nước Mỹ đang trải qua chu kỳ kinh tế tăng trưởng dài nhất trong lịch sử.
Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng trong một tweet, ông vẫn bày tỏ sự không hài lòng đối với biên độ giảm.
Theo ông, sự cắt giảm đang diễn ra, nhưng cần phải diễn ra mạnh mẽ hơn nữa, và quan trọng nhất là phải phù hợp với các quốc gia/đối thủ cạnh tranh khác.
Tuy nhiên, ông Trump có thể sớm đạt được mong muốn này. James Knightley, Trưởng bộ phận kinh tế quốc tế trưởng của ngân hàng Hà Lan ING cho rằng Fed có thể thực hiện thêm hai đợt cắt giảm lãi suất, mỗi đợt thêm 0,25 điểm phần trăm, đến cuối tháng 6/2020.
Theo ông Mr Knightley, ban đầu, tác động kinh tế lớn nhất của dịch COVID-19 là sự gián đoạn chuỗi cung ứng của các công ty có hoạt động sản xuất phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: "Mối bận tâm lớn nhất là tâm lý sợ hãi xung quanh những diễn biến của COVID-19 sẽ làm thay đổi hành vi của các công ty và người tiêu dùng, từ đó tạo ra một cú sốc về nhu cầu tiêu dùng".
Một số công ty đã đưa ra cảnh báo về tác động của virus SARS-CoV-2 đối với lợi nhuận của họ; các sự kiện của một loạt công ty lớn, như triển lãm xe tại Geneva, đã bị hủy bỏ.
Cùng với đó, một số công ty đã cho công nhân của họ ở nhà để sự lây lan của virus, khiến hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 2/3 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống chỉ còn 2,4% - mức tăng chậm nhất kể từ năm 2009.
Nhiều khả năng các ngân hàng trung ương khác như Ngân hàng trung ương Canada và Ngân hàng trung ương Anh cũng sẽ "nối gót" Fed.
Các chuyên kinh tế hy vọng rằng một khi dịch COVID-19 được kiểm soát, môi trường lãi suất thấp hơn sẽ tạo ra những khoảng trống để làm dịu đi những khó khăn tài chính của nhiều công ty và giúp nền kinh tế thế giới nhanh chóng phục hồi một khi virus đã được kiểm soát.
Mặc dù vậy, sự lây lan của SARS-CoV-2 tiếp tục diễn biến phức tạp, chỉ biện pháp cắt giảm lãi suất thôi sẽ là không đủ để xây dựng lại niềm tin vào nền kinh tế.